Du lịch Sin Suối Hồ: Giữ gìn nét văn hóa người Mông

Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, những phong tục truyền thống được cộng đồng gìn giữ cùng sự thuần hậu trong tâm hồn mỗi người làm nên sức hấp dẫn đặc biệt cho Sin Suối Hồ - bản du lịch cộng đồng miền biên viễn thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Du lịch Sin Suối Hồ: Giữ gìn nét văn hóa người Mông

Ngất ngây cảnh sắc

Nằm vắt vẻo giữa những đỉnh núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp, Sin Suối Hồ với khoảng 120 gia đình dân tộc Mông, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống làm nương rẫy, trồng thảo quả từ nhiều đời nay.

Đoàn chúng tôi được các cán bộ Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Lai Châu dẫn đường chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ để vượt qua 30 cây số từ TP. Lai Châu để đến được Sin Suối Hồ. Đường đi như những dải lụa mềm, khi uốn khúc qua những thửa ruộng bậc thang, khi bò ngoằn ngoèo qua những khu rừng già, khi chênh vênh trên triền đá, lúc dốc đứng xiên vào biển mây huyền ảo mênh mông. Mọi người vỡ òa khi đặt chân đến Sin Suối Hồ khi bóng chiều bắt đầu ngả, những ngôi nhà sàn được người dân sửa soạn sạch sẽ đón khách, những hàng cây rợp bóng 2 bên lối đi. Tất cả được bao quanh bởi không khí thuần khiết, hoang sơ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chẻo Quẩy Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ cho biết, du lịch đang là hướng đi mũi nhọn của địa phương trong phát triển kinh tế. Năm 2017, người dân trong bản thu về hơn 2 tỷ đồng từ tiền bán địa lan. Đến nay, bà con cũng đã phát triển được hàng ngàn chậu hoa địa lan để phục vụ du khách.

“Giờ đây bản không còn hộ đói nghèo và 1/3 hộ dân trong bản thuộc diện khá giả. Địa phương đang cho tập trung tu sửa và chỉnh trang lại khuôn viên bản làng và trồng thêm một số loại cây ăn quả mang hương sắc của vùng cao Tây Bắc để phục vụ du khách”, ông Hòa nói.

Nơi đây, cùng với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng và khói sương lãng đãng phủ lên những mái nhà, du khách còn được đắm mình trong những nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Mông, với hương vị của những món ăn đặc trưng bản vùng cao biên viễn Sin Suối Hồ như rau rừng, măng đắng chấm muối vừng hay thịt trâu gác bếp, xôi nếp nương và đặc biệt là món rượu ngô men lá từng giọt đắm say.

Gìn giữ nét văn hóa truyền thống

Giới thiệu với chúng tôi về du lịch cộng đồng ở Sin Suối Hồ, anh Vàng A Giàng, chủ một căn homestay chia sẻ, Sin Suối Hồ theo tiếng bản địa có nghĩa là “suối có vàng”. Để đến được nơi đây, du khách có thể đi qua 3 cung đường khác nhau: từ Mường So đi qua Nậm Xe, qua những cánh rừng nguyên sinh thăm thẳm đầy trải nghiệm; hoặc từ TP. Lai Châu qua Thèn Sin với con đường trải nhựa mềm mại uốn quanh dòng suối, được tô điểm bằng những thửa ruộng bậc thang nhuốm một màu xanh của lúa đương thì con gái; cũng có thể đi Sin Suối Hồ khi đến với Sảng Ma Sáo thuộc huyện Bát Xát của Lào Cai.

“Được thiên nhiên ưu đãi nên vùng đất Sin Suối Hồ rất hợp với nhiều loại cây như: thảo quả, táo mèo và hoa, đặc biệt là hoa lan. Không chỉ khai thác trong tự nhiên, giờ đây bà con đã biết chủ động trang trí lại nhà cửa, nhân rộng các vườn địa lan của gia đình để đón khách du lịch. Bên cạnh việc phát huy những lợi thế về mặt địa lý, khí hậu, bà con còn biết vận dụng những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông như may vá, thêu thùa, dệt vải lanh… để quảng bá đến những du khách”, anh Vàng A Giàng nói.

Mùa xuân ở Sin Suối Hồ thực sự là điểm hẹn cho những người yêu hoa lan. Trong làn sương trắng dày đặc, dọc con đường vào bản, du khách được chiêm ngưỡng những chậu địa lan ở khắp sân vườn, ở hai bên lối đi, ở dưới những gốc cây cổ thụ xù xì. Những chậu địa lan mấy người khiêng, từng cành hoa vươn ra mạnh mẽ đua nhau khoe sắc.

Dạo bước trên con đường lượn vòng quanh bản, thả hồn vào mùi hương thảo quả, ngắm nhìn những ngôi nhà truyền thống khang trang, sạch sẽ khiến nhiều du khách ngất ngây, ước ao có một cuộc sống mộc mạc, yên bình. Điểm xuyết trong vô vàn màu sắc của thiên nhiên nơi đây là sắc màu sặc sỡ của váy áo người Mông. Các gam màu của đất, của rừng hòa cùng sắc màu dân tộc làm rạng rỡ hơn khuôn mặt hồn nhiên của những cô gái miền sơn cước.

Quang Hưng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục