Du lịch Ðồng Tháp tìm giải pháp thích ứng trong tình hình mới

0:00 / 0:00
0:00
Covid-19 khiến ngành du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề, du lịch Đồng Tháp cũng không ngoại lệ, nhưng tỉnh đã chủ động tìm biện pháp để giảm thiểu thiệt hại, thích ứng trong tình hình mới.
Du lịch sông nước là một trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Đồng Tháp Du lịch sông nước là một trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Đồng Tháp

Đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao chất lượng

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Đồng Tháp cho biết, phần lớn các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng lượng khách và doanh thu bình quân cả năm của Đồng Tháp không bị giảm quá lớn. Có được kết quả này là nhờ các thời điểm Covid-19 tạm thời được kiểm soát, Chính phủ đã thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, nên hoạt động du lịch được tái khởi động. Chương trình kích cầu du lịch nội địa cũng mang lại hiệu quả tích cực.

Tại Hội nghị tổng kết Đề án Phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 vào cuối tuần qua, Sở VHTTDL Đồng Tháp đã đưa ra nhiều giải pháp để ngành du lịch thích ứng với đại dịch như chuyển hướng tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở VHTTDL, Sở cam kết tiếp tục đồng hành chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể như tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển du lịch Ðồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều giải pháp nhằm đưa du lịch tỉnh thay đổi đồng bộ. Trong đó chú trọng phát triển thị trường khách nội địa, phục hồi khách quốc tế sau khi Covid-19 trên thế giới được kiểm soát. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao…

Bên cạnh đó, Đồng Tháp tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch; đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có; đảm bảo công tác phòng, chống Covid-19, phát triển du lịch bền vững. Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng của từng địa phương, hình thành và phát huy các sản phẩm liên kết của địa phương, tạo sức cạnh tranh cao cho các chương trình du lịch tổng hợp.

Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, liên kết và xúc tiến du lịch cả chiều rộng lẫn chiều sâu, giới thiệu hình ảnh điểm đến Ðồng Tháp thông qua Cổng thông tin du lịch thông minh, các kênh truyền thông và mạng xã hội. Nâng cao năng lực và tăng cường vai trò của các doanh nghiệp lữ hành. Phối hợp xây dựng sản phẩm để mỗi điểm du lịch cộng đồng khác biệt, không trùng lặp.

Ngoài ra, Đồng Tháp chú trọng nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhằm thích nghi và ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro trong hoạt động du lịch. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước; xây dựng cơ chế thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch.

Cơ cấu lại thị trường khách, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng cho nhiều thị trường khách Bắc - Trung - Nam nhằm giảm rủi ro khi phụ thuộc vào một thị trường. Ðổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo môi trường đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Củng cố tổ chức bộ máy đủ năng lực tham mưu, định hướng khôi phục hoạt động phát triển du lịch thích ứng với Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Tham quan đầm sen, thưởng thức các sản phẩm từ sen là đặc trưng của du lịch Đồng Tháp
Tham quan đầm sen, thưởng thức các sản phẩm từ sen là đặc trưng của du lịch Đồng Tháp

Xây dựng điểm đến an toàn

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, chủ đầu tư Khu du lịch vui chơi Happy land Hùng Thy (TP. Sa Đéc) cho biết, để đảm bảo cho du khách trong điều kiện Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Khu du lịch Hùng Thy đã trang bị khẩu trang cho tất cả nhân viên, tăng cường nước sát khuẩn, thường xuyên nhắc nhở khách khai báo y tế và đeo khẩu trang, đồng thời tạo thêm các sản phẩm, mô hình mới hấp dẫn du khách vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.

Tương tự, bà Lê Ngọc Kiều Oanh, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) thông tin: “Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng đã và đang thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển du lịch, thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ðồng thời liên tục vệ sinh môi trường, xây dựng điểm đến an toàn; tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ; kết nối với các hãng lữ hành để đưa du khách đến với Gáo Giồng. Nhờ các biện pháp đó, từ đầu tháng 3 đến nay, khách nội địa đã quay trở lại”.

Tiềm năng du lịch Đồng Tháp đang được đánh thức và phát triển mạnh mẽ, du lịch tiếp tục được xác định là ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực phát triển địa phương.

Theo Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường, gia tăng trải nghiệm cho khách. Hình thành các tour, tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh. Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp về phát triển bền vững. Tăng cường hợp tác, liên kết và tạo cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, tiện nghi và chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có.

Tiếp tục triển khai dự án kết nối giao thông phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển du lịch. Tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch dẫn đến các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh để xây dựng các tuyến du lịch, tour du lịch khép kín, ưu tiên các tuyến đường dẫn đến các điểm du lịch trọng yếu như: Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quýt, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Vườn quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Ðéc, Khu Du lịch - Văn hóa Phương Nam và các tuyến giao thông kết nối các tỉnh, thành phố trong khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp nông thôn kết hợp trải nghiệm làng nghề, du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch sự kiện/MICE kết hợp mua sắm. Hoàn thiện và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng từng khu di tích điểm du lịch theo định vị của Ðề án Phát triển du lịch tỉnh. Xây dựng các điểm nhấn đặc trưng tại các khu di tích, điểm du lịch Gáo Giồng, Xẻo Quýt, Tràm Chim, Làng hoa Sa Ðéc để thu hút khách và tạo sự khác biệt.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt danh sách 14 điểm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh năm 2021. Theo đó, TP. Sa Đéc có 5 điểm được công nhận gồm: ẩm thực hoa hồng Thi Thơ; điểm tham quan, du lịch du thuyền vượt cạn; điểm tham quan, du lịch sinh thái Hương Quê; điểm dừng chân bán hàng đặc sản và homestay Lối Xưa; điểm tham quan vườn kiểng Mai Vàng.

TP. Hồng Ngự có 2 điểm được công nhận gồm: Khu ẩm thực và homestay Hoàng Yến; Homestay Tư Lù; Khu sinh thái Ao Nhà. Huyện Hồng Ngự có 2 điểm được công nhận gồm: điểm du lịch sinh thái Tiên Định; điểm tham quan du lịch vườn nho Ba Tuấn.

Các điểm được công nhận còn lại gồm: Homestay Hoàng Anh Tam Nông (Tam Nông); du lịch sinh thái Vườn Dừa (Tân Hồng); điểm tham quan vườn cây ăn trái Phú Bình (Châu Thành); điểm tham quan du lịch sinh thái Hòa Đồng (Tháp Mười).

Hiện Đồng Tháp đang tập trung chỉ đạo các cơ sở lưu trú du lịch, các điểm tham quan trên địa bàn đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 theo hướng dẫn tại Công văn số 4159/BVHTTDL-TCDL ngày 9/11/2020 của Bộ VHTTDL.

Hướng tới du lịch về làng, du lịch số

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh cho biết, tiềm năng du lịch Đồng Tháp đang được đánh thức và phát triển mạnh mẽ, du lịch tiếp tục được xác định là ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực phát triển địa phương, đồng thời yêu cầu ngành du lịch cần quyết tâm cao hơn, đổi mới hơn, sáng tạo hơn. Cụ thể:

Về phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020, khi du lịch đã có bước phát triển khởi sắc thông qua 2 chỉ tiêu quan trọng là tổng thu từ du lịch và tổng lượt khách đều đạt tốc độ tăng trưởng cao và vượt so với kế hoạch đề ra. Đến năm 2019, ngành du lịch Đồng Tháp đã tổ chức đón và phục vụ trên 3,9 triệu lượt khách, tổng thu đạt 1.050 tỷ đồng. So với trước khi có Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020, lượng khách tăng gấp đôi, doanh thu tăng gấp 3 lần, vượt xa chỉ tiêu Đề án đề ra.

“Du lịch Đồng Tháp đi từ không đến có, đã có thành quả quan trọng thì cần vun đắp cho đẹp hơn, sang trọng hơn, đẳng cấp hơn”, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Mục tiêu dự kiến đến năm 2025, Đồng Tháp thu hút 5,2 triệu lượt khách tham quan, du lịch; trong đó có 126.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 5%/năm. Tổng thu du lịch đạt 1.700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 7%/năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, bên cạnh sự tham mưu đề xuất có hiệu quả và trọng tâm của ngành du lịch tỉnh, sự đồng tình quyết tâm của đơn vị, doanh nghiệp và người làm du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm Xúc tiến thương mại, Du lịch và Đầu tư có thêm các giải pháp và đổi mới cách tiếp cận, đánh giá các mô hình, sản phẩm du lịch thời gian qua, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng, độc đáo, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch và có khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt chú ý đào tạo nguồn nhân lực quản trị kinh doanh du lịch và kỹ năng nghề; thu hút đầu tư xã hội hoá lĩnh vực du lịch; xác định các chuyên đề du lịch, đặc biệt quan tâm du lịch nông nghiệp.

Ngoài ra, cần khai thác du lịch sông nước trên sông Tiền, du lịch về làng (tham quan các làng nghề, văn hóa truyền thống), du lịch số (ứng dụng công nghệ thông minh trong du lịch)...

Huy Tự
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục