Du lịch khấp khởi chờ ngày hồi sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa ban hành kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành từ cuối năm 2021, gieo hy vọng mới cho doanh nghiệp trong ngành.
Ngành du lịch kỳ vọng sớm "đông vui" trở lại. Ngành du lịch kỳ vọng sớm "đông vui" trở lại.

Rục rịch chuẩn bị cho ngày mở cửa

Ngày 10/9/2021, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang).

Theo đề xuất của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc sẽ triển khai trong thời gian 6 tháng, dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2021, có thể điều chỉnh mốc thời gian theo tình hình thực tế.

Sau khi phương án này được Chính phủ chấp thuận, tỉnh Kiên Giang đang cùng các bộ, ngành và TP. Phú Quốc gấp rút chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại. Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, đây là động thái tích cực, mở ra cơ hội hồi sinh cho ngành du lịch.

Với trên 50% dân số sẽ được tiêm hai mũi vắc-xin, những tỉnh, thành phố du lịch trọng điểm sẽ đạt tỷ lệ đón khách 90 - 100% so với trước kia.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel

“Chúng tôi hy vọng từ nay đến cuối năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ được kiểm soát trên cả nước. Đồng thời, với trên 50% dân số sẽ được tiêm hai mũi vắc-xin như mục tiêu của Chính phủ, không còn giãn cách xã hội, những tỉnh, thành phố du lịch trọng điểm sẽ đạt tỷ lệ đón khách 90-100% so với trước kia”, bà Phương Hoàng nói.

Thời điểm này, hầu hết các quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã và đang chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Thay vì chỉ tập trung vào việc chống dịch, chính phủ các nước đang nỗ lực mở cửa nền kinh tế khi vắc-xin được tiêm cho đa số người dân. Các doanh nghiệp lữ hành sau một thời gian dài ngủ đông đang rục rịch hoạt động trở lại.

Vietravel đã chuẩn bị sẵn các kịch bản cho ngày mở cửa ngành du lịch. “Chỉ cần Chính phủ và ngành thống nhất phương án, có văn bản hướng dẫn cụ thể thì doanh nghiệp có thể kích hoạt ngay các kế hoạch này”, lãnh đạo Vietravel cho biết.

Được biết, ngoài việc phục vụ du khách Việt Nam đi du lịch trong nước, đối với mảng du lịch nội địa, Vietravel sẽ triển khai dịch vụ đón chuyên gia, Việt kiều hồi hương và khách quốc tế thuộc “vùng xanh”… - những nhóm đối tượng đủ điều kiện nhập cảnh theo quy định.

Công ty sẽ triển khai đào tạo lại đội ngũ nhân sự; rà soát hệ thống dịch vụ, đội ngũ nhân sự phục vụ của đối tác, các nhân sự phải được tiêm đủ hai mũi vắc-xin ngừa Covid-19 để bảo đảm an toàn cho du khách; phối hợp với nhà hàng, khách sạn xây dựng chính sách giá cạnh tranh…

Công ty cũng dự kiến đưa vào phục vụ các sản phẩm phù hợp với xu hướng hậu Covid-19 như du lịch gần gũi với thiên nhiên, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, golf...

Vietravel Airlines, hãng hàng không cùng hệ sinh thái với Du lịch Vietravel hiện đã có giấy phép bay quốc tế và theo tiết lộ của bà Phương Hoàng, tới đây, Công ty sẽ thực hiện các chuyến bay thuê bao ra quốc tế.

Những ngày đầu tháng 9, Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch và Thương mại TST (TST Tourist) đã rục rịch chuẩn bị cho việc mở cửa văn phòng trở lại.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và marketing TST Tourist cho biết, hiện 100% nhân sự của Công ty tại TP.HCM đã tiêm vắc-xin mũi 2, đủ tiêu chuẩn để hoạt động. Công tác đào tạo nhân sự trực tuyến đang được triển khai. Công ty đã chuẩn bị bộ sản phẩm du lịch trong nước và quốc tế, “chính quyền cho phép mở cửa tới đâu, các sản phẩm sẽ được mở ra tới đó”.

Theo ông Lê Công Năng, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Wondertour, Công ty đang chuẩn bị cho kế hoạch đẩy mạnh dịch vụ đón chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam và thương mại điện tử vé máy bay và phòng khách sạn phục vụ nhu cầu riêng lẻ của khách quốc tế. Hiện Wondertour đã làm việc với nhiều tập đoàn, thương hiệu quốc tế tại Việt Nam để nắm bắt nhu cầu và cung cấp dịch vụ.

Các doanh nghiệp du lịch đang dõi theo kế hoạch thí điểm đưa khách quốc tế đến Phú Quốc vào tháng 10 năm nay. Ông Mẫn cho biết, TST Tourist có thể triển khai đưa khách đến Phú Quốc vào tháng 11 tới, đồng thời chuẩn bị cơ sở dữ liệu khách hàng để phát triển các thị trường khác như Quảng Ninh, Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng…

Trước đó, có doanh nghiệp bày tỏ lo ngại khách quốc tế đến Việt Nam phải cách ly 7 ngày sẽ tạo ra rào cản trong việc thu hút khách. Tuy nhiên, theo ông Mẫn, các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore từng áp dụng chính sách này và đây không phải là trở ngại quá lớn với du khách quốc tế.

Cần chính sách hỗ trợ sớm để phục hồi

Các doanh nghiệp du lịch đang trong tình trạng vô cùng khó khăn sau hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19. Nếu như các đợt bùng phát dịch bệnh trước có mức độ nhẹ hơn, phạm vi lây nhiễm cũng hẹp hơn, nhiều nơi vẫn mở cửa cho hoạt động du lịch, các doanh nghiệp trong ngành vẫn có doanh thu thì đến đợt dịch lần thứ tư, các doanh nghiệp hoàn toàn đóng băng hoạt động.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings chia sẻ: “Vietravel rơi vào khủng hoảng chưa từng có, mảng kinh doanh lữ hành đóng băng, còn máy bay vừa về đã phải đắp chiếu nhiều tháng, doanh thu bằng 0. Trong 5 tháng TP.HCM thực hiện giãn cách, Công ty chịu áp lực chi phí không có cách nào giải quyết”.

Song song với các giải pháp kích cầu du lịch, Vietravel kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ, nhất là về tài chính để các doanh nghiệp du lịch có nguồn lực hoạt động trở lại khi dịch bệnh được khống chế.

Một trong những chính sách được các doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này là được cơ cấu lại khoản nợ, giãn nợ và không chuyển nhóm nợ để có thể được tiếp tục vay vốn mới duy trì hoạt động. Các chính sách hỗ trợ càng sớm đến được với doanh nghiệp càng sớm đưa nền kinh tế phục hồi.

Cùng quan điểm này, ông Mẫn cho rằng, Nhà nước nên xem xét giãn nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm xã hội trong thời gian 6 tháng, giảm thuế phí hoặc gia hạn đến tháng 6/2022 cho các doanh nghiệp du lịch, để các doanh nghiệp bồi đắp dòng tiền.

“Thông tin đến tháng 1/2022 mở cửa toàn bộ nền kinh tế tại TP.HCM như cái phao để chúng tôi bám vào xây dựng các kế hoạch phát triển”, ông Mẫn nói.

Các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng sẽ khôi phục được hoạt động vào giữa năm sau. Cơ sở cho kỳ vọng này là tốc độ tiêm vắc-xin đang được đẩy nhanh. Người dân sẽ dần trở lại với du lịch khi đã chuyển đổi từ trạng thái chống dịch từ 5K sang trạng thái 5K + vắc-xin. Du lịch Việt Nam sẽ sớm hồi sinh và có động lực để tăng trưởng mới.

Cục Hàng không đề xuất mở lại các chuyến bay nội địa

Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về dự thảo kế hoạch phục hồi hoạt động vận tải hàng không nội địa thích ứng an toàn với kiểm soát dịch Covid-19.

Theo đó, kế hoạch này áp dụng với hành khách có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ, chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 áp dụng thí điểm, thời gian mỗi giai đoạn trong hai tuần, hành khách là người thực hiện công vụ, lực lượng phòng chống dịch

Covid-19 và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển/tiếp nhận của các địa phương đi và đến... Giai đoạn 3 sẽ không hạn chế đối tượng hành khách được vận chuyển. Tần suất bay của các hãng hàng không trong giai đoạn 1 không vượt quá 50%, giai đoạn 2 không quá 70%, giai đoạn 3 không vượt quá tần suất tại thời điểm tuần đầu tiên của tháng 4/2021.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục