Nhiều giai thoại
Ở phố cổ Gia Hội, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế có rất nhiều công trình cổ gắn với các giai thoại như chùa Diệu Đế, phủ Thọ Xuân, phủ Thoại Thái Vương, Thanh Bình tư đường…
Tương truyền, vùng đất xây chùa Diệu Đế ở đường Bạch Đằng (TP. Huế) là nơi vua Thiệu Trị ra đời và cũng là nơi Vua ở trước khi lên ngôi, nên sau khi lên ngôi, vào năm 1844, vua Thiệu Trị đã cho xây dựng chùa và đặt tên là Diệu Đế với mục đích cầu cho quốc thái dân an.
Diệu Đế chính là ngôi Quốc tự thứ ba ở Huế và được vua Thiệu Trị liệt hạng là một trong “Thần kinh nhị thập cảnh”. Vua Thiệu Trị mong muốn nơi đây sẽ là địa điểm “Vua quan ngày ngày chiêm ngưỡng, càng tăng thêm màu sắc tươi thắm của chốn phồn hoa; xe qua thuyền ghé tấp nập, chen nhau như gấm dệt; mục đích vẫn thức tỉnh những tâm hồn hiếu lợi mê hoặc, vẫn lấy điều thiện làm căn bản”.
Nhà sư tại chùa Diệu Đế trong dịp chuẩn bị Lễ Phật đản. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn
Còn trên đường Chi Lăng có phủ Thọ Xuân của Thọ Xuân Vương (1810 - 1886). Thọ Xuân Vương là con trai thứ ba của vua Minh Mạng. Ông nổi danh về thơ và ứng đối. Giai thoại kể lại rằng, năm 1842, Thọ Xuân Vương được theo vua Thiệu Trị ra Bắc làm lễ tuyên phong. Ngày chánh lễ, sứ nhà Thanh đi kiệu vào thẳng cửa Chu Tước, các quan đón tiếp không ngăn được, Thọ Xuân Vương nghiêm sắc mặt thét bảo đứng lại, sứ nhà Thanh mới xuống ngựa thong thả đi vào. Về Huế, ông được vua Thiệu Trị ban tặng cho một viên ngọc để đeo, trên có khắc 4 chữ “Đặc dị quyền hưu”, nghĩa là yêu thương che chở đặc biệt.
Trên đường Chi Lăng còn có giai thoại về phủ Thoại Thái Vương. Tên thật của Thoại Thái Vương là Hồng Y (1833 - 1872), con thứ tư của vua Thiệu Trị. Lúc nhỏ ông thông minh, đĩnh ngộ khác thường, lớn lên giỏi thơ văn nên được vua cha rất thương yêu. Có giai thoại kể lại rằng, vua Tự Đức rất tự hào về tài năng của mình, nhưng đã phải thú nhận khi so sánh với Thoại Thái Vương rằng: “Thẹn rằng ta chẳng ngang bằng, Nhờ hơn bốn tuổi mà thành ta anh”. Thoại Thái Vương chính là cha của vua Dục Đức, cháu nội và chắt nội của ông là vua Thành Thái và vua Duy Tân.
Ở kinh thành Huế còn có di tích Thanh Bình từ đường nằm sâu 50 m trong kiệt 281, đường Chi Lăng, TP. Huế. Ngôi từ đường này được xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia từ năm 1992. Theo người dân địa phương, ngày xưa, Thanh Bình Thự rất rộng, hầu như bao trọn cả kiệt 281 Chi Lăng. Xóm Thanh Bình cũng được gọi là “xóm Hát Bội”.
Hát bội tại Thanh Bình từ đường. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn
Ông Trần Ngọc Lợi (89 tuổi), người giữ hương khói ngôi từ đường đã hơn 60 năm nay cho biết, Thanh Bình Thự được xây dựng vào năm Minh Mạng nhị niên (1821) để dùng làm nơi luyện tập cho những nghệ nhân thuộc Đội hát bội Việt Tường trong cung cấm. Khó có ngôi từ đường nào ở Việt Nam có một hệ thống thờ cúng tâm linh phong phú và đa dạng như ở ngôi từ đường này.
Đầu tiên, ở gian chính giữa vách tường sau từ đường là bàn thờ Tam vị thánh tổ có công khai hóa nền văn hóa dân tộc và các vị đại vương tiền khai canh, hậu khai canh. Bên trái của các vị thần này lần lượt là bàn thờ Cửu thiên huyền nữ, Ngũ vị sơn thần và bên trái lần lượt là bàn thờ Ngũ Thánh, Tổ ngành tuồng. Hai bên tả hữu trong ngôi từ đường là nơi thờ 12 vị tổ nghề (mỗi bên 6 vị). Đó là các tổ thợ rèn, thợ may, thợ nông nghiệp (2 vị), thợ nề, thợ mộc, thợ kinh doanh, buôn bán, làm ăn (2 vị), thợ máy (2 vị), thợ vàng, thợ bạc (Cao Đình Độ, Cao Đình Hương). Chính giữa từ đường là bàn thờ vị Tổ anh hùng có công với dân tộc và các vị tổ ngành xướng ca của cả nước (chèo, cải lương, hát bội…).
Ông Lợi kể giai thoại về vị Tổ anh hùng có công với dân tộc ở bàn thờ chính từ đường với cách biểu đạt rất hùng hồn lẫn bi tráng. Ông kể, vị Tổ anh hùng dân tộc là một vị tướng Việt Nam đã qua thi võ bên Tàu. Vua Tàu đã hống hách ra một điều kiện: Nếu đánh thắng võ sĩ của của ông ta thì sẽ được làm phò mã, hưởng vinh hoa phú quý. Ngược lại, nếu thua thì sẽ bị chém đầu trước sân rồng nhằm hạ nhục người nước Nam. Vị Tổ anh hùng nhận lời và đã nhấc tên võ sĩ Tàu lên qua vài thế võ, quay võ sĩ này như quay dế và xé ra làm hai mảnh. Sau đó, vì không về được quê hương, ông đã tự tử ở sông Hàn Giang, một nhánh của sông Dương Tử, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).
Cần được đầu tư để khai thác du lịch
Không huyền bí như những giai thoại trên thế giới, vốn thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm như quái vật hồ Loch Ness ở Scotland, Người Tuyết ở Nepal và Tây Tạng (Trung Quốc), Dracula ở Romania…, nhưng những giai thoại của khu phố cổ Gia Hội thú vị không thua gì những giai thoại ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) hay ở phố cổ Hội An (Quảng Nam), những nơi có đông đảo du khách đến tham quan mỗi năm.
Làng cổ Đường Lâm là nơi sinh thành của vua Ngô Quyền và Bố Cái Đại vương Phùng Hưng. Chính vì vậy, Đường Lâm còn được gọi là “đất hai vua”. Giai thoại còn kể rằng, đình Mông Phụ ở làng cổ Đường Lâm được đặt trên đầu một con rồng, mà giếng làng là hai mắt của con rồng. Chính điều này càng hấp dẫn du khách thập phương đến đây.
Còn phố cổ Hội An có chùa Cầu với bộ lưỡng tượng “Linh Khuyển” và “Linh Hầu” ở 2 đầu cầu. Hai linh vật này được thờ theo tín ngưỡng vật tổ của người Nhật Bản để che chở cho con người. Giai thoại kể lại rằng, Namazu (người Việt gọi là con cù, người Hoa gọi là con câu long), là một con cá trê khổng lồ trong thần thoại Nhật Bản, là nguyên nhân gây ra động đất. Con vật này có đầu ở Nhật Bản, đuôi nằm ở Ấn Độ và lưng vắt qua khe nước ở Hội An, nơi Chùa Cầu bắc qua. Mỗi khi con thuỷ quái ngóc đầu lên, nước Nhật bị động đất, Hội An cũng rung chuyển, dân chúng không thể bình yên làm ăn buôn bán. Điều thú vị là khoảng năm 1960, “Linh Khuyển” đột ngột biến mất. Kỳ lạ hơn, thời gian này, Hội An liên tiếp bị nhấn chìm trong mưa gió, bão lũ mà điển hình là đại họa lịch sử năm 1964. Từ đó người tin rằng, chính việc mất tích của “Linh Khuyển” đã khiến bùa trấn thủy quái con cù mất tác dụng khiến cù trở mình động đậy trở lại sau hàng trăm năm.
Càng kỳ lạ hơn, khoảng 20 năm sau, tức những năm 1980, khi tìm được lưỡng tượng này về thì vùng đất mới trở lại như xưa.
Cách đây không lâu, đã có tour “Lăn bánh cùng Huế” do Sở Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với Beebeetravel tổ chức vào đầu tháng 9/2018. Du khách đã được khám phá một khu cảng thương mại huy hoàng thời xưa trên chiếc xe xích lô ba bánh và lắng nghe nhiều giai thoại về Chi Lăng - Gia Hội, tham quan chùa Diệu Đế, Hội quán Phúc Kiến - Triều Châu và dừng chân tại Mè Xửng Thiên Hương, nhãn hiệu đặc sẵn đã mang Huế đến với thế giới.
Điều đó cho thấy, nhu cầu về du lịch giai thoại của du khách là rất lớn, nên nếu được quan tâm, đầu tư hiệu quả về mặt du lịch và bảo tồn, chắc hẳn phố cổ Gia Hội sẽ là “mỏ vàng” để nâng tầm du lịch Huế.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com