Du lịch canh nông tạo giá trị bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển mô hình du lịch canh nông, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần tạo giá trị bền vững.
Du lịch canh nông tạo giá trị bền vững

Mô hình du lịch “hái ra tiền”

Việt Nam có lợi thế cốt lõi về phát triển du lịch canh nông với hệ sinh thái tự nhiên và nông nghiệp rất đặc sắc lẫn đời sống thực hành văn hóa nông thôn độc đáo. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng du lịch được cải thiện đáng kể, việc tiếp cận và thụ hưởng các giá trị du lịch tại vùng nông thôn ngày càng thuận tiện và dễ dàng. Các chương trình nâng cao sản xuất và chế biến sản phẩm được nảy sinh, tiêu biểu là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đặc biệt, lượng hàng hóa nông nghiệp đã dần được cải thiện về bao bì, mẫu mã; quy trình chất lượng được đảm bảo là “cơ hội vàng” cho du lịch canh nông cất cánh.

Đến với du lịch canh nông, du khách sẽ được trải nghiệm với nhiều hình thức và cấp độ khác nhau. Mức thấp nhất là du khách tới xem hiện vật, quan sát quá trình sản xuất và hưởng thụ sản phẩm ngay tại nơi sản xuất, như xem làm hồng gió treo, làm kẹo dừa, bánh tráng…

Mức độ cao hơn là du khách trải nghiệm thực tế ở một vài công đoạn, cùng tham gia sản xuất, như cùng nông dân thu hoạch hoa tươi trong nhà kính ở Đà Lạt, cùng trồng rau ở làng rau Trà Quế (Hội An), cùng hái nho tại vườn nho sữa Thái Hòa (Nghệ An)…

Mức độ cao nhất là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” trong vài ngày. Du khách trở thành một thành viên của cộng đồng, được sinh sống, trải nghiệm trong môi trường thường nhật mà cộng đồng ấy trải qua…

Hiện nay, các tour du lịch canh nông chỉ mới dừng ở mức 1 và 2, riêng tỉnh Lâm Đồng có đến mức 3, mức mà các du khách, nhất là khách nước ngoài vô cùng thích thú. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn, ở dài ngày hơn cho các trải nghiệm thực tế.

Tại Hà Nội, Hội Nông dân huyện Đan Phượng có nhiều sản phẩm được định hướng làm du lịch canh nông như mô hình trồng hoa, trồng cây ăn quả, trồng rau màu, làm rượu… Nhận thấy tiềm năng kinh tế kép từ những vườn nho hạ đen, nhiều hộ nông dân Đan Phượng đã chuyển đổi những thửa đất nông nghiệp kém hiệu quả thành những vườn nho hạ đen mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu để nâng cao mức trải nghiệm du lịch nhằm thu hút đông đảo du khách đến các nông trại”.

Cơ hội của các địa phương

Du lịch canh nông mang tính trải nghiệm sản xuất, thưởng thức nông sản, chiêm ngưỡng cảnh quan, trao đổi tri thức văn hóa, giáo dục và khoa học. Đồng thời thúc đẩy hoạt động giao thương nông sản nhằm khai thác giá trị tổng hợp từ sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho tổ chức và cá nhân từ các hoạt động nông nghiệp.

Tiến sĩ Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Việc kết hợp du lịch với nông nghiệp không những góp phần tăng nguồn thu nhập cho người dân mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch mới, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho khách du lịch.

Với khí hậu mát mẻ, cùng hơn 14.600 ha đất sản xuất rau, hoa và cây trái đặc sản canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch canh nông.

Ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt đánh giá: “Du lịch canh nông là một lợi thế của Đà Lạt. TP. Đà Lạt khuyến khích và tạo điều kiện để người dân phát triển mô hình này. Ngoài việc du khách được trải nghiệm thực tế công việc đồng áng, qua đây, còn quảng bá, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Thời gian qua, có 5 đơn vị đề xuất thực hiện dự án đầu tư du lịch canh nông tại Lâm Đồng. Đến nay, có 2 đơn vị được cấp quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư, gồm Công ty TNHH Du lịch canh nông Đà Lạt Ong Vàng với Dự án Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông Thảo Nguyên và Công ty TNHH Anpha Farm với Dự án Điểm du lịch canh nông Anpha Farm.

Tương tự Lâm Đồng, nhờ kết hợp giữa du lịch và canh tác nông nghiệp mà đời sống của người dân khu vực làng rau Trà Quế và nhiều khu vực vùng ven phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã giàu lên nhanh chóng.

Làng rau Trà Quế mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách quốc tế đến trải nghiệm cách trồng rau, bón phân, tưới nước và học nấu những món ăn địa phương. Nhiều người dân cho biết, nhờ phát triển du lịch, họ có thể canh tác và làm giàu ngay trên mảnh đất nông nghiệp của gia đình. Bên cạnh làng rau Trà Quế, nhiều địa phương khác tại vùng ven phố cổ Hội An cũng đã và đang phát triển mạnh các hoạt động du lịch cộng đồng trên đất nông nghiệp.

Vực dậy kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương là những gì du lịch canh nông đã và đang mang lại cho nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây cũng được coi là hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp.

Linh Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục