Du lịch cần chính sách đột phá để phục hồi và phát triển

0:00 / 0:00
0:00
Là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, du lịch đang rất cần chính sách đột phá để phục hồi và phát triển.
Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta

Đình trệ chưa có tiền lệ

Cuối tuần qua, Hội thảo “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An tổ chức đã diễn ra với sự tham dự của khoảng 300 khách mời là các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước.

Đây là sự kiện đã có quá trình chuẩn bị từ tháng 8/2021, với mục đích tạo diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức về du lịch trong nước và quốc tế trao đổi, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới.

Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam từng đóng góp trực tiếp 9,2% GDP quốc gia, đem lại doanh thu lên tới 32,8 tỷ USD và 2,5 triệu việc làm trong năm 2019.

Thế nhưng, hiện tại, theo khái quát của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, du lịch Việt Nam đang ở trong trạng thái đình trệ chưa có tiền lệ, các chỉ tiêu phát triển đều sụt giảm nghiêm trọng. Ước tính thiệt hại từ du lịch của Quảng Nam trong năm 2021 là hơn 15.000 tỷ đồng, Đà Nẵng khoảng 27.300 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế hơn 8.000 tỷ đồng, Quảng Ninh hơn 2.000 tỷ đồng...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cũng cung cấp những thông tin không vui: năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 78,7% so với năm trước, năm 2021 không đón khách quốc tế, du lịch nội địa gần như “đóng băng”, 85% doanh nghiệp lữ hành phải ngừng hoạt động.

Trước bức tranh màu xám này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu nhiều đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để ngành du lịch sớm phục hồi và “đưa du lịch phát triển sang trang mới, lên tầm cao mới”. Theo đó, bên cạnh thông thoáng về visa, hộ chiếu vắc-xin, Bộ trưởng còn kiến nghị coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023.

Theo Thứ trưởng Võ Thành Thống, trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội có nhiều nhóm giải pháp, chính sách, bao gồm các chính sách liên quan đến lĩnh vực du lịch. Trong đó, dự kiến có các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng cho các doanh nghiệp, hỗ trợ giá điện, tiền điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023...

Thứ trưởng Võ Thành Thống cũng thông tin, theo quyết định của Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, vốn ngân sách Trung ương cho lĩnh vực du lịch của các địa phương là hơn 5.500 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, các địa phương cần ưu tiên bố trí và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.

Tăng mạnh tỷ lệ chi ngân sách

Khẳng định đại dịch Covid-19 tác động rất mạnh và làm thay đổi căn bản ngành du lịch, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhấn mạnh điều “rất tiếc”. Đó là đến nay cũng chưa có tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm, đánh giá tác động của Covid-19, nhìn nhận xu hướng, tiềm năng, từ đó cập nhật, điều chỉnh, định hướng chiến lược quản lý và phát triển du lịch một cách đồng bộ, bài bản.

“Đây có lẽ là thời điểm rất thích hợp để làm việc này”, nhóm chuyên gia nhấn mạnh.

Về giải pháp trung và dài hạn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch hàng năm hiện nay, từ mức 1,4%, lên 3-4% tổng chi ngân sách nhà nước như một số quốc gia trong khu vực. Giải pháp này được cho là góp phần bảo đảm gia tăng năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam so với các quốc gia phát triển trong khu vực như Thái Lan, Singapore.

Nhóm nghiên cứu từ BIDV cũng khuyến nghị Chính phủ có thể xem xét nghiên cứu thực hiện đầu tư công trực tiếp vào kết cấu hạ tầng các khu vực phát triển du lịch, kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên kết vùng, bảo tồn di tích. Nhiệm vụ chính của nguồn vốn ngân sách vẫn đóng vai trò là vốn “mồi”, nhóm nghiên cứu gợi ý.

Một giải pháp nữa được các chuyên gia ngân hàng gợi ý là nghiên cứu phát triển trái phiếu du lịch, trái phiếu xanh, đẩy mạnh cổ phần hóa ngành du lịch, thúc đẩy quá trình niêm yết doanh nghiệp du lịch lên thị trường chứng khoán để tăng khả năng huy động vốn, tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp của doanh nghiệp.

Bên cạnh chính sách tài khoá, không ít kiến nghị gửi tới hội thảo cho rằng, cần sử dụng cả chính sách tiền tệ. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp du lịch theo hướng lãi suất cho vay không cao hơn 2% so với lãi suất huy động tiền gửi.

Tuy nhiên, theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì cần tăng cường mở rộng chính sách tài khoá trên cơ sở có tính toán đến các rủi ro vĩ mô của nền kinh tế, thận trọng hơn với chính sách tiền tệ. Bởi dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp trong điều kiện rủi ro lạm phát gia tăng và dịch bệnh Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ tăng nợ xấu, lạm phát năm 2022 đối mặt với nhiều áp lực.

“Dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn, cần có chương trình phục hồi kinh tế toàn diện, trong đó chính sách giữ vai trò dẫn dắt hỗ trợ những ngành, lĩnh vực có sự lan tỏa lớn và những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, trong đó có ngành du lịch”, Phó thống đốc nêu quan điểm.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thông tin, tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện theo thẩm quyền, số tiền phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là gần 120.000 tỷ đồng.

Nghiêng về tài khóa, tiền tệ để nền kinh tế, trong đó có ngành du lịch có thể phục hồi và phát triển, câu trả lời sẽ rõ ràng hơn khi gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sẽ được Quốc hội quyết định tại kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2022.

Chuyển đổi số là yếu tố sống còn

Theo ông Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh của Sun World (Sun Group), nếu không muốn bị tụt hậu, thậm chí xóa sổ khỏi thị trường du lịch, Chính phủ và doanh nghiệp phải quan tâm đến chuyển đổi số.

“Bất kể Covid-19 sẽ dẫn chúng ta đến đâu thì ngành du lịch không thể cứ đóng cửa mãi, mà cần những cuộc cách mạng, cải tổ. Quá trình chuyển đổi số là một trong những cuộc cách mạng không thể không làm”, ông Nguyện nói.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục