Dự kiến CPI tháng 2 sẽ tiếp tục tăng cao

Theo Tổng cục Thống kê, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 1/2013 đạt 209.526 tỉ đồng (tăng 2,15% so với tháng trước).

Trong đó, mức tăng chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thương nghiệp và khách sạn nhà hàng do nhu cầu hàng Tết, liên hoan cuối năm bắt đầu tăng. So với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ tháng 1.2013 chỉ tăng 8,11% (đây là mức tăng khá thấp) do dịp tiêu dùng cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Thìn nằm hoàn toàn trong tháng 1, trong khi dịp cao điểm Tết Nguyên đán Quý Tỵ sẽ tập trung vào đầu tháng 2/2013, giá cả hàng hóa tiêu dùng nói chung không có sự chênh lệch lớn so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương), trong tháng 1, giá các mặt hàng tiêu dùng không có nhiều biến động, ngoại trừ một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, thịt gia súc, gia cầm…Tuy nhiên, hàng hóa thực phẩm bắt đầu tăng giá do ảnh hưởng của thời tiết và các đơn vị cung ứng đang tập trung để đưa ra vào dịp Tết Nguyên đán nên nguồn cung trong giai đoạn này có phần bị thu hẹp.

Giá một số mặt hàng thực phẩm chế biến phục vụ Tết bắt đầu nhích lên. Đa phần các mặt hàng thiết yếu khác như xăng dầu, LPG, phân bón, thép xây dựng, xi măng giá tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ. Mặc dù mức tăng CPI tháng 1.2013 được đánh giá là không quá cao so với các năm gần đây (so với tháng liền trước CPI tháng 1. 2012 tăng 1%; năm 2011 tăng 1,74%; năm 2010 tăng 1,36%) tuy nhiên trong bối cảnh cầu yếu, sức mua trên thị trường chưa tăng cao, cũng là dấu hiệu cho thấy nếu không có các giải pháp điều hành đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu năm thì mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay là rất khó khăn.

Dự báo, trong thời gian tới, các mặt hàng thiết yếu thị trường trong nước sẽ sôi động do các hoạt động mua sắm Tết, ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu tính CPI tháng 2. Đồng thời, nếu các địa phương tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong thời gian trước và sau Tết thì CPI sẽ tiếp tục tăng cao.


Tin cùng chuyên mục