Dự kiến 2025 mới thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng

0:00 / 0:00
0:00
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân từ lúc phát sinh đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý là vấn đề bức xúc, cấp thiết
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội,  ông Phan Xuân Dũng -  (Ảnh CTV)  Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng - (Ảnh CTV)

Tiếp tục phiên họp thứ 47, sáng 12/8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý  Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Sau thảo luận của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, một trong số các vấn đề mới được dư luận xã hội quan tâm là quy định tính chi phí phải trả dựa trên khối lượng, chủng loại chất thải phát sinh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật), ông Phan Xuân Dũng phản ánh, thảo luận tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể lộ trình bắt buộc thực hiện tính chi phí phải trả dựa trên khối lượng, chủng loại rác thải rắn phát sinh để bảo đảm tính khả thi.

Theo cơ quan thẩm tra, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân từ lúc phát sinh đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý là vấn đề bức xúc, cấp thiết đặt ra đối với hầu hết các khu vực đô thị và nông thôn hiện nay.

"Đây là những nội dung quy định mới, tiến bộ về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong Dự thảo Luật được nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ, dư luận quan tâm"- ông Dũng nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, các quy định về phân loại, tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại nhằm khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; bảo đảm công bằng trong việc chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý theo hướng phát sinh nhiều thì trả tiền nhiều, không cào bằng, bình quân theo đầu người như hiện nay. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy sẽ cần một thời gian nhất định để các quy định này được áp dụng và vận hành ổn định. Vì vậy cần phải có lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, khu vực.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác) và căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác.

Dự thảo cũng đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.

Về lộ trình thực hiện, dự thảo luật giao uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 01/01/2025 .

"Đây là nội dung bắt buộc phải làm của một quốc gia tiên tiến, văn minh, để thực hiện quy định này phải thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên cần có quyết tâm chính trị cao", ông Dũng  nhấn mạnh.

Từ phân tích trên, điều 80 dự thảo quy định, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý, còn chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân được quản lý như đối với chất thải rắn có khả năng tái chế.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.

Phát biểu sau đó, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết quan điểm của ông ngược lại với dự thảo: không những dân không phải trả phí mà thậm chí người dân có thể bán chất thải, công ty chuyên thu gom vận chuyển là người mua rác thay vì bắt dân trả tiền thì người dân mới nhiệt tình phân loại. Còn nhà nước có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này về thuế, ông Phúc phân tích.

Ủng hộ quy định quản lý chất thải rắn như Chính phủ trình, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là nội dung mới, tiến bộ, nhưng phải có cơ chế  phù hợp để thực hiện.

Hộ gia đình có thể bán chất thải rắn có khả năng tái chế, nhưng anh thải ra nhiều chất thải rắn sinh hoạt thì anh cũng vẫn phải trả phí nhiều, nếu không phải trả thì sẽ khuyến khích người ta xả nhiều, Phó chủ tịch nêu quan điểm.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020). 

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục