Theo ông Lê Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc, người công bố thông tin của CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF), chiều ngày 13/9, HĐQT VCF sẽ họp để thống nhất ý kiến về đề nghị chào mua công khai của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer). Đơn vị tư vấn chào mua cho Masan Consumer là CTCK Bản Việt, do ông Tô Hải làm Tổng giám đốc, đồng thời là một trong 7 thành viên HĐQT của VCF. Ông Hải không sở hữu cổ phiếu VCF.
Theo đề nghị chào mua công khai Masan Consumer gửi đến, công ty này dự kiến chào mua công khai 13.320.000 cổ phiếu VCF, tương đương 50,11% vốn điều lệ VCF từ ngày 12/9/2011 đến ngày 11/10/2011. Giá chào mua của Masan Consumer là giá bình quân 60 ngày trước ngày đăng ký chào mua, được xác định là 80.000 đồng/cổ phần. Vào thời điểm 31/8/2011, trước khi chào mua, Masan Consumer chưa sở hữu cổ phiếu nào của VCF.
VCF hiện có vốn điều lệ hơn 265 tỷ đồng (tương đương 26,5 triệu cổ phiếu), trong đó cổ đông lớn là Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) sở hữu 37%, Quỹ đầu tư Beta sở hữu khoảng 8,64%, cổ đông Trần Quang Lộc sở hữu 7,7%.
Trong tháng 5/2011, Vinacafe đã bán 3,445 triệu cổ phiếu VCF theo phương thức thỏa thuận, giảm tỷ lệ sở hữu từ 50,26% (13.359.375 cổ phiếu) xuống 37% (9.914.375 cổ phiếu). Phương án lý tưởng nhất là Masan Consumer thông qua bên thứ ba, chính là bên mua thỏa thuận số cổ phiếu này và tiếp tục đạt được thỏa thuận mua lại toàn bộ cổ phiếu VCF từ cổ đông Vinacafe. Số lượng cổ phiếu VCF chào mua cũng vừa bằng số cổ phiếu Vinacafe đã nắm giữ ở VCF (là hơn 13,3 triệu cổ phiếu).
Trong trường hợp Vinacafe không chuyển nhượng vốn góp, để chào mua thành công hẳn Masan Consumer đã có sự chuẩn bị trước từ rất lâu. Tại ĐHCĐ năm 2010 của VCF, các cổ đông gồm Vina Capital, VF1, Quỹ Vietcombank, Vietnam Holding và ông Lộc nắm giữ gần 30% cổ phần của VCF. Chính nhóm cổ đông này đã đề cử ông Tô Hải làm thành viên HĐQT của VCF trong nhiệm kỳ 2010 - 2015. Trước khi VCF niêm yết, các tổ chức đầu tư này đã bán toàn bộ cổ phiếu VCF.
Như vậy, từ giữa năm 2010 đến nay, nếu bên chào mua bắt tay thực hiện kế hoạch của mình bằng cách thông qua nhà môi giới mua cổ phiếu của các tổ chức đầu tư nói trên, mua một phần trên sàn và tiếp tục đạt được thỏa thuận với các cổ đông lớn như Quỹ đầu tư Beta và ông Lộc thì vẫn có thể thành công trong việc chào mua công khai VCF.
Khi nắm giữ đủ 50,11%, Masan Consumer không khó để chi phối hoạt động của VCF, công ty có thị phần cà phê hòa tan lớn nhất cả nước (khoảng 40% thị phần) và thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở trong nước, mà ở nhiều nước trên thế giới.
Theo báo cáo thường niên 2010, mục tiêu dài hạn của VCF là trở thành 1 trong 10 công ty hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm có giá trị vốn hóa lớn nhất Việt Nam vào năm 2015. Mục tiêu trong năm 2011 là tăng 19% về khối lượng hàng hóa tiêu thụ, tăng 48% về doanh thu, đạt 1.927 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 139 tỷ đồng.
Ông Dũng cho biết, tình hình sản xuất - kinh doanh của VCF đang thuận lợi, hàng sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó. VCF đang thực hiện chương trình quảng cáo lớn, cộng với các tháng cuối năm là tháng "mùa vụ" cho sản phẩm cà phê, giá cà phê xanh đang giảm nhẹ, nên dự kiến doanh thu và lợi nhuận trong các tháng cuối năm sẽ khả quan. Việc đầu tư nhà máy chế biến cà phê mới công suất 3.200 tấn/năm, nâng tổng công suất lên 4.400 tấn/năm đang được VCF triển khai, dự kiến máy móc sẽ được lắp đặt vào đầu năm sau. VCF không thiếu vốn để tiếp tục triển khai đầu tư nhà máy này.
Có lẽ vì thế mà ông Phạm Quang Vũ, Tổng giám đốc VCF nói: "Với những lợi thế của VCF, việc họ (Masan Consumer) muốn chào mua Công ty cũng là điều hiểu được".
Hồi tháng 4/2011, Masan Consumer đã bán cổ phần phát hành thêm, tương đương 10% vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài, thu về 159 triệu USD. Với khoản vốn này và lượng tiền mặt ròng tại Masan khoảng 500 triệu USD, Masan Consumer đủ khả năng tài chính để mua hơn 13,3 triệu CP VCF.