Dư địa lớn từ thị trường Anh cho các ngành hàng xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường Anh có nhu cầu nhập khẩu mỗi năm trên 700 tỷ USD hàng hóa. Đây là dư địa lớn cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, với động lực từ “đường cao tốc hai chiều” - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, Bắc Ailen (UKVFTA).

Việt Nam xuất siêu gần 5,3 tỷ USD sang Anh năm 2022

Việc thực thi hiệu quả UKVFTA đã nâng thương mại 2 chiều Việt Nam - Vương quốc Anh năm 2022 lên con số 6,84 tỷ USD, tăng 3,4% so với năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 6,07 tỷ USD, tăng 5,2%; nhập khẩu đạt 771 triệu USD, giảm 9,2%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường Anh đạt gần 5,3 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư 4,8 tỷ USD của năm 2021.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương đi vào thực thi tạm thời từ đầu năm 2021 đã mở ra cơ hội cho người dân hai nước tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của nhau nhiều hơn, xuất khẩu hàng hóa sang Anh được tiếp sức mạnh mẽ.

Giai đoạn đại dịch Covid-19 cao điểm, hoạt động logistics gặp khó khăn hơn, nhưng hàng Việt sang Anh vẫn tăng trưởng cao, cho thấy hiệp định này là “đường cao tốc hai chiều”, giúp thúc đẩy thương mại song phương theo hướng ngày càng cân bằng hơn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh năm 2022 đạt 6,06 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021. Trong đó, dẫn đầu là nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, đạt 1,13 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; hàng dệt may; giày dép.

Ngoài ra, các nhóm mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao sang Anh trong năm qua còn có cà phê; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; đá quý, kim loại quý và sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dây điện và dây cáp điện…

Quý I/2023, xuất khẩu sang Anh giảm 2,5% so với cùng kỳ, đạt gần 1,4 tỷ USD. Tuy có sự sụt giảm, nhưng mức giảm này thấp so với nhiều thị trường khác đang chịu tác động nặng nề từ lạm phát và suy giảm kinh tế.

“UKVFTA chính là động lực để thúc đẩy thương mại dịch vụ hàng hóa tăng trưởng cao hơn nhiều so với kết quả những năm trước khi có Hiệp định, đang mở ra những cơ hội mới, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp 2 nước”, Nghị sỹ Graham Stuart, Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia chia sẻ.

Kỳ vọng thương mại hai chiều sớm chinh phục mốc 10 tỷ USD

Ông Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Việt Nam tại Anh cho biết: “Hợp tác thương mại và đầu tư, một trong những trụ cột chính của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Anh, đã đạt nhiều kết quả tích cực. Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu và là thị trường xuất khẩu thứ 9 của Việt Nam”.

Trong 2 năm đầu tiên thực hiện UKVFTA, mặc dù chịu tác động của Covid-19, thương mại hai chiều liên tục tăng ở mức 16,4% (năm 2021) và 6,5% (năm 2022), đạt trên 6,8 tỷ USD trong năm 2022, gấp 3 lần so với năm 2010, khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Thương mại song phương Việt - Anh đang có nhiều cơ hội để sớm chinh phục mốc 10 tỷ USD. Thị trường Anh có nhu cầu nhập khẩu mỗi năm trên 700 tỷ USD hàng hóa, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể khai thác dư địa lớn này để tăng xuất khẩu.

Ngoài ra, việc Chính phủ Anh tiếp tục đẩy mạnh triển khai chiến lược thương mại “Global Britain” (nước Anh toàn cầu) nhằm thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức “có đi có lại” với các đối tác nước ngoài thông qua FTA sẽ tạo lợi thế đáng kể cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Về mặt thực thi, ngay năm đầu tiên sau khi UKVFTA chính thức có hiệu lực, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Anh khá cao. Hàng Việt đang dần quen thuộc hơn với người tiêu dùng Anh.

Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ, nếu như trước đây, người Anh, doanh nghiệp Anh ít nghe đến Việt Nam hoặc là ít nghe đến sản phẩm Việt Nam, thì hiện giờ, họ tăng tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, nhập hàng hóa của Việt Nam để phân phối cho thị trường Anh.

Yêu cầu cao hơn với các doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Anh lúc này là đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường với từng ngành hàng cụ thể. Theo Bộ Công thương, các quy trình thủ tục đối với thương mại xuất khẩu vào Anh khác với EU. Nhãn hiệu UKCA (UK Conformity Assessed) là yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết các sản phẩm công nghiệp lưu thông và sử dụng tại Anh kể từ ngày 1/1/2023.

Ngoài ra, các nhà xuất khẩu trong nước cần lưu ý về Chương trình Thương mại với các nước đang phát triển của Anh, có hiệu lực từ đầu năm 2023 và áp dụng với 65 quốc gia, đưa ra mức thuế thấp hơn và các yêu cầu về quy tắc xuất xứ đơn giản hơn để xuất khẩu sang Vương quốc Anh. Việc này có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam (ưu đãi thuế theo UKVFTA).

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục