Dư địa để tăng trưởng bền vững

(ĐTCK) Điểm mấu chốt của động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam nằm ở cải thiện mức độ hiệu quả sử dụng nguồn lực nói chung và vốn đầu tư nói riêng. 
Dư địa để tăng trưởng bền vững

Kinh tế Việt Nam 2019: Thành công

Năm 2019, tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu giảm đáng kể so với năm 2018.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm, không đạt mục tiêu. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng rõ nét và diễn ra một cách toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực và khu vực địa lý.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, tác động tới thị trường tài chính - tiền tệ thế giới, khiến tỷ giá bất ổn. Mâu thuẫn và tranh chấp thương mại giữa các quốc gia xuất hiện nhiều hơn trước (ngoài Mỹ - Trung còn có Mỹ - EU, Nhật Bản - Hàn Quốc...).

Thuế quan giảm, nhưng các hàng rào phi thuế quan gia tăng và tinh vi hơn…

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng kiến một năm khá thành công. Cụ thể, 12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao đều đạt và vượt, trong đó tốc độ tăng GDP đạt trên 7%; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tăng trưởng kinh tế không còn phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng.

Ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, các yếu tố vĩ mô cơ bản được tăng cường, sức chống chịu của nền kinh tế được cải thiện; chỉ số lạm phát (CPI) được kiểm soát ở mức 2,7-3%; tài chính, tiền tệ ổn định;

Có thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối gia tăng, đạt mức cao kỷ lục; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 57% GDP; tổng tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn nợ xấu giảm còn 5,39%...

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế dần đi vào thực chất, đúng hướng; cơ cấu ngành kinh tế dịch chuyển tích cực; cơ cấu thành phần kinh tế có chuyển đổi rõ nét.

Kinh tế tư nhân đang gia tăng đáng kể về quy mô (chiếm khoảng 41% GDP, trong đó khu vực chính thức khoảng 11%); cùng với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đã hình thành, đang từng bước đầu mở rộng quy mô kinh doanh sang lĩnh vực chế tác, chế tạo và công nghệ cao, có năng lực cạnh tranh khu vực.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục tăng khá, ước đạt khoảng 11%; trong đó, vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng khoảng 17%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng vốn FDI.

Tổng đầu tư xã hội duy trì ở mức khá cao, khoảng 34% GDP, cao hơn so với năm ngoái và đạt mục tiêu đề ra.

Tăng trưởng xuất khẩu nhìn chung vẫn tích cực, ước tăng khoảng 8%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tăng khoảng 7,4%.

Thặng dư cán cân thương mại ước đạt 9 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,5 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,6 tỷ USD.

Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia có sự cải thiện trên nhiều lĩnh vực. Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0 tăng 3,5 điểm, tăng 10 bậc lên vị trí 67 trên bảng xếp hạng.

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng…

Một số vấn đề đáng lưu ý

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao, nhưng đang có dấu hiệu chững lại. Cách thức tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào gia tăng số lượng đầu vào của quá trình sản xuất, nhất là vốn đầu tư và lao động, hơn là dựa vào tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nhìn chung còn thấp, hệ số ICOR ở khoảng 6 so với 4 của Hàn Quốc thời kỳ 1961-2000, 3 của Nhật Bản thời kỳ 1955-1973.

Điều này cho thấy, nếu hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được cải thiện, đạt mức tương tự như 2 nước này, thì với lượng vốn đầu tư như hiện nay, tăng trưởng GDP của nước ta có thể đạt từ 8,5-11%/năm.

Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn dễ bị tổn thương trước các biến động từ bên ngoài. Độ mở của nền kinh tế ở mức cao, khoảng 190% GDP và đang gia tăng.

Cơ cấu xuất khẩu và nhập khẩu còn mất cân đối về thị trường; vẫn phụ thuộc vào một số thị trường và đối tác; thặng dư thương mại với Mỹ tăng, nhưng thâm hụt với thị trường Trung Quốc chưa được cải thiện. Đáng lưu ý, giải ngân vốn đầu tư chậm, nhất là đầu tư công.

Về chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế, trong khi kinh tế nhà nước giảm dần quy mô, thì kinh tế tư nhân trong nước, nhất là khu vực chính thức, gia tăng không đáng kể. Trong khi đó, khu vực FDI đang mở rộng nhanh chóng và có vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế nước ta.

Dư địa tăng trưởng phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng nguồn lực

Xem xét cơ cấu kinh tế và tốc độ tăng trưởng của các thành phần kinh tế, thì dư địa tăng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế còn rất lớn.

Tăng trưởng kinh tế có thể cao hơn nhờ tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực kinh tế nhà nước, chuyển dịch nguồn lực từ kinh tế nhà nước, chuyển dịch khu vực hộ cá thể sang kinh tế tư nhân. Vấn đề đặt ra là làm sao tận dụng, khai thác hiệu quả các nguồn lực chuyển dịch này để phát huy dư địa cho tăng trưởng trong thời gian tới?

Năm 2020, tình hình thế giới và khu vực chắc chắn vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Kinh tế thế giới và thương mại quốc tế dự báo sẽ suy giảm so với năm 2019, dự báo tương tự đối với các đối tác thương mại chính của Việt Nam, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản…

Hệ quả, cầu về nhập khẩu hàng hóa sẽ giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu của nước ta, nhất là với các sản phẩm chế tác, chế tạo.

Chính sách tiền tệ nới lỏng nhiều khả năng vẫn là xu hướng chủ đạo của chính phủ hầu hết các quốc gia. Mức độ và tốc độ toàn cầu hóa sẽ tiếp tục suy yếu.

Những trục trặc, mâu thuẫn trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa các quốc gia có thể gia tăng.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể không leo thang, nhưng khả năng hòa hoãn và hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại Mỹ - Trung không cao.

Trong nước, năm 2020 được coi là năm bản lề trong các hoạt động đối nội, đối ngoại, với nhiều sự kiện chính trị - xã hội trọng đại. Tuy nhiên, nội tại nền kinh tế vẫn tồn tại không ít bất cập trong cơ cấu tăng trưởng, trong khi tình hình thiên tai, dịch bệnh và tác động của biến đổi khí hậu gia tăng khó lường là những vấn đề cấp thiết đặt ra, đòi hỏi phải có các giải pháp căn cơ để khắc phục một cách hữu hiệu.

Tốc độ tăng GDP năm 2019 của Việt Nam tương đối cao trong bối cảnh khó khăn của kinh tế khu vực và toàn cầu.

Đối với nhiệm kỳ 2016-2020, tăng trưởng kinh tế có phục hồi nhất định so với giai đoạn 2011-2015.

Tuy vậy, xét cả thời kỳ đổi mới, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức thấp, cao nhất cũng chỉ quanh mức 7%. Bởi vậy, để GDP tăng trưởng cao hơn là một thách thức không dễ vượt qua.

Xét về yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, tổng đầu tư xã hội luôn ở mức 33-34% là mức cao so với thông lệ chung trong quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia; số lượng lao động tăng thêm hàng năm giảm dần và giảm khá nhanh; tài nguyên khoáng sản, chủ yếu là dầu mỏ và than đá, một số loại khoáng sản khác hầu như đã tới hạn và đang giảm sút về mức độ quan trọng.

Dư địa huy động thêm vốn đầu tư cả trong và ngoài nước cũng không còn nhiều.

Do đó, điểm mấu chốt của động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ nay là phải cải thiện mức độ hiệu quả sử dụng nguồn lực nói chung và vốn đầu tư nói riêng.

Điều đó cũng phù hợp với giai đoạn phát triển hiện tại của nền kinh tế. Các chính sách, giải pháp duy trì và gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế phải tạo được động lực khuyến khích người dân, doanh nghiệp không chỉ “làm nhiều hơn”, mà quan trọng hơn là “làm hiệu quả hơn”.

Nói cách khác, để tăng trưởng GDP cao hơn 7% và hơn nữa, thì không có cách nào khác là phải liên tục cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực, nhất là vốn đầu tư xã hội.

Khung khổ chính sách quản trị và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ có thể không cần thay đổi nhiều, đó là ổn định kinh tế vĩ mô.

Trên cơ sở đó, thực hiện hàng loạt cải cách vi mô theo hướng “thị trường, thị trường và thị trường hơn”, làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tổ sản xuất, vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn, đóng vai trò chủ yếu, quyết định trong huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, khác biệt nằm ở quy mô, tốc độ, tính quyết liệt và nhất quán của các cải cách thể chế chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Theo đó, cần tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, thúc đẩy huy động thêm vốn cho nền kinh tế; đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ thế chế chính sách, tiếp tục sửa đổi quy định pháp luật có liên quan, gỡ bỏ các rào cản bất hợp lý, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, cũng như tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực vốn tín dụng, đất đai… để doanh nghiệp có điều kiện tốt cho sản xuất - kinh doanh và phát triển.

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Báo tết âm lịch

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục