Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho rằng, Luật Đấu thầu đang sửa, sẽ có những cập nhật để phù hợp với bối cảnh mới, nhưng những khó khăn không phải hoàn toàn do luật.
“Người người bệnh không thể chờ thuốc, bệnh viện không thể chờ trang thiết bị y tế, rất mong Chính phủ đặt ưu tiên trong tháo gỡ khó khăn này, trước hết xử lý ngay các vấn đề trong thẩm quyền, rà soát, đánh giá và sửa đổi nhanh như ban hành các quy định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh”, ông Phan Đức Hiếu đề nghị khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư.
Theo đánh giá, những khó khăn trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu mua sắm thuốc thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Có thể do quy định, do thực thi, do năng lực chuyên môn của các đơn vị tổ chức đấu thầu, trong việc chuẩn bị nội dung mời thầu...
Về mặt thể chế, khi rà soát, có nhiều vướng mắc từ cấp nghị định, thông tư mà nếu sửa đổi kịp thời ngay thì có thể tháo gỡ được hoạt động này mà chưa cần sửa luật.
“Dư địa của các bộ, ngành trong tháo gỡ khó khăn trong đầu thầu thuốc, đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế là rất lớn, dù chưa giải quyết hoàn toàn”, ông Hiếu nhận định và nhắc tới một loạt nội dung theo ông có thể sửa ngay và có thể tháo gỡ được rất những vướng mắc lớn.
Ví dụ, quy định xây dựng giá gói thầu phải tham khảo vào giá sản phẩm tương tự đã trúng thầu trong 12 tháng trước; nếu trường hợp giá cao hơn thì phải có giải trình, thuyết minh cụ thể... trong Thông tư 14/2020/TT-BYT.
Hay Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế quy định trang thiết bị y tế phải được kê khai giá trước khi lưu hành và mua bán, đồng thời việc mua bán không được cao hơn giá kê khai, nhưng chưa có cơ quan chức năng nào thẩm tra giá kê khai tại thời điểm công bố có chính xác không... Chưa kể quy định này chưa phù hợp với pháp luật về đấu thầu...
“Cách quy định này đang tạo rủi ro pháp lý cho người thực hiện, không biết áp dụng thế nào là đúng, nhất là bối cảnh giá cả thị trường thay đổi rất lớn như hiện tại. Trong trường hợp đưa ra giá cao hơn, có giải trình, thì giải trình đó sau này, khi hậu kiểm, có được coi là hợp lý không”, ông Hiếu giải thích rõ.
Thực tế, thời gian qua, nhiều gói thầu không có nhà thầu tham dự hoặc không có nhà thầu nào trúng thầu cũng bởi lý do này.
Trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, những khó khăn trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế có được đề cập, nhưng chỉ ngắn gọn ở tình trạng chưa xử lý dứt điểm, còn nhiều vướng mắc, khó khăn.
“Tôi chưa thấy việc xác định rõ nguyên nhân nằm ở những văn bản nào, do thực thi thế nào... để có cơ sở cho các giải pháp trước mắt, giải pháp dài hạn”, ông Hiếu bình luận.
Trong phần giải trình trước Quốc hội chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã đề cập đến tình hình đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế.
Bộ trưởng cho biết đã thành lập các đoàn để kiểm tra, hỗ trợ cho các địa phương.
“Qua tổng kết, đánh giá trong thời gian vừa qua, mặc dù nguồn cung ứng thuốc trên thị trường được đảm bảo, tuy nhiên việc triển khai thực hiện trong quá trình thực tiễn có vướng mắc liên quan đến các quy định về đấu thầu, về các nội dung nằm ở trong các quy định của luật, của Nghị định, của Thông tư của các bộ, ngành có liên quan, chính vì vậy có những thời điểm tại một số cơ sở y tế có thiếu thuốc cục bộ”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan giải trình.
Nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện Bộ cũng đã rà soát, đánh giá. Nội dung nào thuộc cơ chế, chính sách, nội dung nào do tổ chức thực hiện để có những giải pháp tham mưu cho phù hợp.
Đến thời điểm này các giải pháp đang trong quá trình triển khai thực hiện đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 778 ngày 5/9/2022 để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị y tế.
Đồng tình với các giải pháp đang được thực hiện, song ông Hiếu cho rằng, tốc độ đang là yêu cầu lớn nhất. Về dài hạn, ông Hiếu cho rằng sẽ cần đánh giá, xem xét sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu, Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế... đảm bảo cơ chế hợp lý, khả thi, hiệu quả.