Dư địa cho cổ phiếu MBB

(ĐTCK) Dẫn lý do MB là một trong những ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả hoạt động năm 2015 với dự báo năm 2016, MB sẽ tiếp tục cải thiện hiệu quả, trong một bản phân tích gửi nhà đầu tư mới đây, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VIệt Nam (BSC) đưa ra khuyến nghị Mua đối với cổ phiếu này.
Dư địa cho cổ phiếu MBB

Quý I khả quan và dư địa tăng trưởng

3 lý do để BSC đặt kỳ vọng kết quả 2016 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) sẽ cải thiện.

Thứ nhất, Ngân hàng còn nhiều tiềm năng tăng trưởng tín dụng do tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng thấp (năm 2015 đạt 67%).

Thứ hai, nguồn vốn giá rẻ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn vốn huy động, chiếm 31% năm 2015 mang lại lợi thế và giúp Ngân hàng duy trì tỷ lệ NIM cao (3,61% - mức cao nhất trong 9 ngân hàng niêm yết - PV).

Thứ ba, MB là ngân hàng có dự phòng rủi ro chặt chẽ, với tỷ lệ bao nợ xấu cao đạt 101%. Theo đó, chuyên gia BSC cho rằng, chi phí trích lập dự phòng của MB có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Một yếu tố khác khiến MB được giới chuyên gia đặt niềm tin có kết quả khả quan năm 2016 là hiệu quả hoạt động quý I. Trong khi nền kinh tế nước ta trong quý I gặp nhiều khó khăn khách quan, tăng trưởng GDP đạt thấp hơn kế hoạch năm thì tại MB, đến 31/3/2016, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ (1,61% so với mức 1,62% vào cuối năm 2015) và lợi nhuận trước thuế đạt 862 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Những dự báo lạc quan của giới phân tích khá đồng điệu với thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước và một số cổ đông lớn khi chia sẻ dự cảm về Ngân hàng trong Đại hội đồng cổ đông MB cuối tháng 4 vừa qua.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN đặt niềm tin năm 2016, MB sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển lành mạnh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Phó thống đốc cũng cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN đã chấp thuận cho MB nới rộng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 20%, tạo điều kiện cho Ngân hàng chủ động triển khai kinh doanh, cho vay lĩnh vực sản xuất, góp sức hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

“Chúng tôi đánh giá, MB là ngân hàng huy động được nguồn vốn tốt, mở rộng tăng trưởng tín dụng lên 20%, MB có điều kiện giúp sức các DN trong nền kinh tế”, Phó thống đốc nói.   

Về phía nhà đầu tư, cổ đông đại diện cho Quỹ Caravel chia sẻ, Quỹ đã đầu tư vào MBB từ nhiều năm nay và sẵn sàng mua thêm cổ phiếu với giá trên mệnh giá khi MB thực hiện phát hành cho cổ đông hiện hữu.

Quan điểm của nhà đầu tư dựa trên một thực tế: MBB liên tục dẫn đầu về hiệu quả hoạt động trong khối các ngân hàng cổ phần kể từ năm 2012, với mức chia cổ tức hàng năm ổn định, cao hơn lãi suất ngân hàng.

Năm 2015, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) của MBB ở mức cao nhất trong khối các ngân hàng niêm yết với 1.902 đồng/CP, trong khi tại CTG chỉ tiêu này là 1.208 đồng/CP; ACB là 1.136 đồng/CP; BID là 1.434 đồng/CP; VCB là 1.626 đồng/CP, còn EIB chỉ có 33 đồng/CP...

Năm 2015, tỷ lệ thu nhập trên tổng tài sản (ROA) của MB cũng đạt mức cao nhất trong các ngân hàng niêm yết với 1,19%, trong khi ngân hàng ở vị trí thứ hai là CTG với 1,02%; vị trí thứ ba là BID/VCB với 0,85%. Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của MB cũng đứng cao nhất khối ngân hàng niêm yết với 3,61% trong khi ACB đứng thứ hai với 3,17%, các ngân hàng còn lại đều dưới 3%...

Về xử lý nợ xấu, trong khi nhiều ngân hàng đã và năm 2016 sẽ tiếp tục phải dành phần lớn lợi nhuận để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu thì Ban lãnh đạo MB cho biết, đến cuối quý I, tỷ lệ nợ xấu của MBB là 1,61%.

“MB luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định về trích lập dự phòng nợ xấu, nên kết quả kinh doanh các năm gần đây rất vững. Năm 2016, với xu hướng trích lập dự phòng theo chất lượng nợ, chúng tôi đang nỗ lực cải tiến chất lượng nợ để từ đó khoản trích lập dự phòng có căn cứ giảm dần”, ông Lê Công, Tổng giám đốc MB nói. 

Định hình mô hình tập đoàn, thêm mục tiêu cho các công ty con

Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch MB cho biết, kết thúc năm 2015, MB đã hoàn tất việc định hình mô hình tập đoàn tài chính đa năng khi triển khai thành lập và đưa vào hoạt động Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Life và Công ty Tài chính tiêu dùng MB Finance.

Cũng trong năm 2015, MB đã hoàn tất giai đoạn tái cấu trúc các công ty con (tập trung xử lý vấn đề về quản trị, bổ sung các nhân sự tốt), để năm 2016, các công ty con sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng, với mục tiêu lợi nhuận của khối công ty con năm 2016 tăng gấp đôi năm 2015, đóng góp vào kết quả chung của toàn Ngân hàng.

Với 2 công ty mới, Công ty tài chính MB (tiền thân là Công ty tài chính Sông Đà - SDFC), MB cho biết, do được trích lập dự phòng đầy đủ từ năm 2015, nên khi sáp nhập vào MB, Công ty này không gây áp lực lên nợ xấu hay hiệu quả hoạt động cho Ngân hàng. Dự kiến, Công ty Tài chính tiêu dùng MB sẽ khai trương hoạt động vào quý IV năm 2016. Trong năm hoạt động đầu tiên chưa đặt mục tiêu lợi nhuận, nhưng từ năm thứ hai trở đi, DN này sẽ phải có lãi để góp sức chung vào kết quả của Tập đoàn.

Về công ty bảo hiểm nhân thọ MB, Ban lãnh đạo MB cho biết, xuất phát từ thực tế tại Việt Nam, doanh số của mảng bảo hiểm nhân thọ còn quá thấp (2% GDP) trong khi lĩnh vực này dự kiến tăng trưởng khoảng 25%/năm tại Việt Nam, nên đây là mảng thị trường có cơ hội rất lớn nếu biết khai thác.

Công ty Bảo hiểm MIC của MB hiện đứng thứ 6 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng do nhân thọ và phi nhân thọ là hai lĩnh vực kinh doanh tách bạch nhau, nên MB quyết định thành lập Công ty bảo hiểm nhân thọ để khai thác cơ hội thị trường và hoàn tất chuỗi sản phẩm tài chính trong hệ thống MB. Sản phẩm của DN mới được định hướng sẽ bán qua tệp khách hàng của Tập đoàn, tuy chưa đặt mục tiêu cụ thể về hiệu quả, nhưng là DN có tiềm năng.

Một yếu tố nữa tạo dư địa cho MB năm 2016 là sự xuất hiện của cổ đông lớn Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC, với ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc SCIC vừa được bầu bổ sung vào HĐQT MB nhiệm kỳ đến 2017.

SCIC sở hữu 10% vốn điều lệ tại MBB với cam kết nắm giữ tối thiểu 5 năm. Sự xuất hiện của SCIC trong cơ cấu cổ đông lớn MB không chỉ thể hiện niềm tin của Bộ Tài chính, Chính phủ vào sự phát triển bền vững của Ngân hàng, mà còn tạo ra dư địa mới cho MB kể từ năm 2016 khi được khai thác tệp khách hàng rộng lớn của SCIC.

Năm 2016, MB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 17.100 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát dưới 2% với lợi nhuận trước thuế 3.611 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến khoảng 10%. Đến cuối năm 2015, Ngân hàng có 19.934 cổ đông, trong đó các cổ đông lớn như Viettel, SCIC, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Vietcombank, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Dragon Capital (sở hữu 4%)...

MBB: những câu hỏi nóng

Liên quan đến cổ phiếu MBB, ĐTCK ghi nhận phần trả lời của ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch MB với một số câu hỏi nóng nhà đầu tư đặt ra.

Dư địa cho cổ phiếu MBB ảnh 1

MB kinh doanh hiệu quả, phát triển vững mạnh và có khát vọng lớn, nhưng so với mặt bằng chung cổ phiếu ngành ngân hàng, vì sao giá cổ phiếu MBB không bật lên, thưa ông?

Giá cổ phiếu được quyết định bởi quan hệ cung cầu thị trường. So với mặt bằng giá chung trên thị trường, cổ phiếu MBB ở mức độ trung bình.

Để nhà đầu tư có thêm căn cứ định giá đúng giá trị thực của MB, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện công bố thông tin rõ ràng, minh bạch theo quy định pháp lý, bên cạnh nhiệm vụ quan trọng nhất là duy trì hiệu quả kinh doanh vững vàng, quản trị rủi ro chặt chẽ và trả cổ tức đúng kế hoạch.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến công tác làm thương hiệu, xây dựng hình ảnh Ngân hàng thân thiện, hiện đại và hiệu quả trong mắt khách hàng và công chúng đầu tư.

Năm 2015, lợi nhuận MB vẫn dẫn đầu khối ngân hàng TMCP tại Việt Nam, nhưng tỷ suất ROE, ROA không đạt kế hoạch như dự kiến. Xin ông cho biết vì sao?

Năm 2015, MB thực hiện tăng vốn điều lệ từ 11.000 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng, tức là tăng 38%. Vốn điều lệ tăng quá nhanh trong khi lượng vốn mới tăng thêm cần có thời gian để tạo ra giá trị mới cho Ngân hàng, là nguyên nhân chính khiến ROE, ROA của MB năm 2015 thấp hơn so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, từ năm 2016, chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực kinh doanh hiệu quả, đạt các mục tiêu tài chính mà Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.

MB có tính đến việc sử dụng lợi nhuận để lại để phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông không, thưa ông?

Lợi nhuận để lại của Ngân hàng đến cuối năm 2015 là 330 tỷ đồng. Hiện tại, quy mô các quỹ của MB so với một số ngân hàng khác thì chỉ ở mức trung bình. Cụ thể, một số ngân hàng có tỷ lệ các quỹ khoảng 12-13% vốn chủ sở hữu, trong khi tại MB, con số này ở mức 7-8% vốn chủ sở hữu.

Đây là lý do chúng tôi chưa tính đến việc sử dụng thặng dư vốn của Ngân hàng để chia cho cổ đông. Tuy nhiên, trong tương lai, bài toán này sẽ được HĐQT tính đến khi điều kiện tài chính phù hợp.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục