Dự cảm thị trường bảo hiểm 2017 và kế hoạch hành động của các “thuyền trưởng”

2017 vẫn là năm "gặt hái" cho các doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường vẫn là "miếng bánh lớn" đủ cho tất cả. Tất nhiên, những người đứng xung quanh, không phải ai cũng có phần bánh như nhau.
Dự cảm thị trường bảo hiểm 2017 và kế hoạch hành động của các “thuyền trưởng”

Cơ hội phát triển của thị trường bảo hiểm được nhận định là rất lớn trong những năm tới khi Việt Nam có dân số đông, tỷ lệ nhân khẩu học rất tiềm năng cho bảo hiểm, thu nhập và mức tiết kiệm bình quân đầu người đang tăng lên..., trong khi tỷ lệ thâm nhập của bảo hiểm tại Việt Nam hiện còn thấp.  

Đặc biệt, các doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực ra mắt các sản phẩm mới, đồng thời cải tiến các sản phẩm hiện tại, với các đặc tính và lợi ích nổi bật, đáp ứng nhu cầu khách hàng, mang lại các dịch vụ, tiện ích tốt nhất cho khách hàng. Ngọc Lan - Kim Lan - 

Tăng trưởng bền vững với phương châm kinh doanh: đổi mới - hiệu quả

Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt 

Năm 2017, với những dự báo thuận lợi về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ được dự kiến duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số, Bảo hiểm Bảo Việt đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững với phương châm kinh doanh: đổi mới - hiệu quả.

Để đạt những mục tiêu trên, Bảo hiểm Bảo Việt đã đưa ra những nhóm giải pháp trọng tâm như định vị chiến lược, giữ vững vị thế trên thị trường bảo hiểm. Theo đó, Công ty tiếp tục đặt mục tiêu nằm trong Top doanh nghiệp đứng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, giữ vững vị trí dẫn dắt trong lĩnh vực bảo hiểm cá nhân và hộ gia đình.

Thành công trong những năm gần đây của mô hình tập trung hóa đã phần nào khẳng định định hướng đúng đắn và hiệu quả của mô hình đó. Do đó, Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục đẩy nhanh việc chuyển đổi mô hình quản lý tập trung, xuyên suốt cho toàn bộ hệ thống Tổng công ty, từ trụ sở chính tới các đơn vị thành viên trực thuộc.

Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng, nâng cao tính tuân thủ nhằm hướng tới mục tiêu kinh doanh an toàn đi đôi với tăng cường quản lý rủi ro.

Ðổi mới các cách tiếp cận khách hàng tiềm năng

 Ông Anantharaman Sridharan, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam

Người dân Việt Nam ngày càng quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ, nhưng nhiều người gặp trở ngại khi tiếp cận bảo hiểm vì tính phức tạp của các điều khoản, thuật ngữ chuyên môn. Chính vì vậy, các công ty bảo hiểm nhân thọ cần đơn giản hoá hợp đồng bảo hiểm để người mua bảo hiểm dễ hiểu, nhất là giá trị mà họ sẽ nhận được.

Cùng với việc tối giản các điều khoản, quy định và loại trừ trong hợp đồng thì đơn giản hóa quy trình thẩm định là điều cần xem xét. Ngoài ra, “tương tác với khách hàng” là yếu tố quan trọng cần được đổi mới. Sau khi mua bảo hiểm, khách hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ không chỉ có tương tác khi đóng phí, khi cần chi trả…, mà hoạt động tương tác này cần thường xuyên, liên tục trong suốt thời gian họ tham gia bảo hiểm để mang lại nhiều lợi ích hơn cũng như tăng niềm tin giữa khách hàng và công ty.

Với FWD, chúng tôi còn tập trung vào việc mang lại sự thuận tiện cho khách hàng thông qua việc mở rộng “vùng miễn khám” cho người mua bảo hiểm.

Nhằm thay đổi cách tiếp cận và mang bảo hiểm đến gần hơn với mọi người, một trong những chiến lược quan trọng của FWD là cung cấp những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng và nỗ lực giảm thiểu các điều khoản loại trừ trong hợp đồng của khách hàng.

Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển nhanh nên kênh này trong tương lai sẽ rất thích hợp cho hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm. Chúng tôi sẽ đưa các ứng dụng công nghệ số xuyên suốt quy trình tư vấn và hỗ trợ khách hàng đăng ký tham gia bảo hiểm qua mạng Internet. Sau đó, chúng tôi sẽ tích hợp cả quy trình bồi thường bảo hiểm lên hệ thống điện tử, khách hàng có thể thao tác trên hệ thống này thay vì đến Công ty.

Chúng tôi tin rằng, cuộc sống của khách hàng chính là hiện tại và làm được những điều mình đang mong muốn thực hiện. Đây là một cách tiếp cận mới để định vị lại ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ, vẫn là sự bảo vệ nhưng theo hướng tích cực và chủ động hơn.

Phục vụ lâu dài chứ không chỉ tập trung bán sản phẩm

Ông Larry Madge, Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam 

Năm vừa qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm. Xu hướng tích cực này được duy trì trong năm 2016. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm Việt Nam là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô và vi mô thuận lợi. Càng tìm hiểu về Việt Nam, tôi càng cảm thấy lạc quan về triển vọng của thị trường và rất vui mừng khi Sun Life Việt Nam đang tăng cường đầu tư tại đây nhằm nâng cao mức độ an toàn tài chính cho thêm nhiều người dân Việt Nam, những người nổi tiếng làm việc cần cù và có thói quen chú trọng tích lũy cho tương lai.

Sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cho thấy người dân đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của các giải pháp tài chính trong việc đáp ứng các nhu cầu bảo hiểm, giáo dục, tích lũy, chăm sóc sức khỏe hoặc các chi phí đột xuất khác.

Người dân sẽ chỉ quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ nếu chúng ta có thể giúp họ hiểu rằng, các giải pháp của chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu của họ, không chỉ một lần mà trong suốt những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống.

Mục tiêu của chúng tôi là phục vụ khách hàng lâu dài, chứ không chỉ tập trung bán sản phẩm.

Khách hàng có thể chấm điểm phong cách phục vụ của chúng tôi

Dự cảm thị trường bảo hiểm 2017 và kế hoạch hành động của các “thuyền trưởng” ảnh 4

 Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam

Năm 2006 có thể được xem là một năm khá thành công của Generali Việt Nam. Công ty chúng tôi tiếp tục tăng trưởng cao với doanh thu phí khai thác mới dự kiến tăng khoảng 40% và đạt vị trí thứ 6 trên thị trường về phí quy năm của hợp đồng mới. Đây là những tín hiệu tốt và nền tảng vững chắc để chúng tôi bước vào năm tài chính mới với nhiều kế hoạch và mục tiêu lớn hơn. Đối với chúng tôi, sứ mệnh quan trọng nhất là thực hiện chiến lược “đơn giản hơn, hiệu quả hơn, thực sự lấy khách hàng làm trọng tâm".

Generali đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, đơn giản hóa quy trình và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Generali Việt Nam là doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất trong ngành có hệ thống đánh giá tức thì từ khách hàng (ICF - instant customer feedback). Hệ thống này cho phép khách hàng đánh giá từ 1 đến 5 sao về tất cả các trải nghiệm của họ tại bất kỳ điểm tiếp xúc nào với Công ty (hoạt động giống như đánh giá của Uber).

Generali cũng là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ duy nhất không yêu cầu khách hàng đến văn phòng nộp yêu cầu bồi thường bảo hiểm mà chỉ cần email bản sao các chứng từ để được chi trả cho các bồi thường về phẫu thuật/viện phí.

Cuối tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Generali và Microsoft ra tuyên bố hợp tác chiến lược nhằm xây dựng công nghệ tiên tiến để phục vụ cho việc kinh doanh và chăm sóc khách hàng của Generali trên toàn cầu. Chúng tôi tin rằng, việc hợp tác này sẽ mang lại nhiều trải nghiệm độc đáo cho khách hàng tại Việt Nam.

Trong năm 2017, Generali sẽ tiếp tục phát triển mạnh hệ thống Gencasa trên toàn quốc, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của kênh bancassurance với việc mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đối tác, duy trì sự phát triển đều đặn của bảo hiểm nhóm, đồng thời sẽ cho ra thị trường nhiều sản phẩm hấp dẫn hơn nữa. Thế mạnh của thương hiệu Generali trên toàn cầu sẽ được tận dụng triệt để tại Việt Nam.

Sẽ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ và hiện đại       

Dự cảm thị trường bảo hiểm 2017 và kế hoạch hành động của các “thuyền trưởng” ảnh 5

 Ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa dự báo, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tích cực trong trung hạn, mức tăng trưởng GDP dự kiến sẽ cải thiện lên 6,3% trong năm 2017 và 2018. Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ đem đến nhiều cơ hội.

Nền tảng kinh tế vĩ mô cộng với xu hướng tiêu dùng của người Việt ngày càng tập trung vào các giải pháp đem lại sự ổn định tài chính và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, đầu tư sinh lời sẽ khiến các công ty bảo hiểm phải đa dạng hóa danh mục sản phẩm để tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế. Tôi cho rằng, 2017 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm tiềm năng như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đầu tư.

2017 cũng sẽ là một năm có nhiều cơ hội cho Manulife Việt Nam. Hoạt động tại một thị trường có dân số trẻ và tỷ lệ sử dụng Internet trên 44%, mục tiêu dẫn đầu thị trường trong việc kết nối khách hàng thông qua kỹ thuật số, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ và hiện đại về bảo hiểm nhân thọ là cách để chúng tôi đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi của khách hàng.

Chúng tôi liên tục ra mắt những ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ đội ngũ tư vấn tài chính phục vụ khách hàng, ra mắt trang web đăng ký bảo hiểm trực tuyến và sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trên nền kỹ thuật số. Bên cạnh đó, Manulife đang tối ưu hóa các kênh phân phối truyền thống và kênh phân phối thông qua các đối tác để đem đến sự thuận tiện cho khách hàng trong mọi kênh giao dịch.

Không ngừng đưa ra các dịch vụ tiện ích mang đến giá trị gia tăng cho khách hàng

Ông Trương Quốc Lâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI 

Năm 2016, đối với Bảo hiểm PVI là năm thành công trong việc đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm và xây dựng kênh phân phối mới, đưa thương hiệu Bảo hiểm PVI đến với nhiều khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hơn.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, kinh doanh và nâng cao công tác quản trị minh bạch trong toàn bộ hệ thống.

Là một công ty bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, chúng tôi luôn cải tiến và không ngừng đưa ra các dịch vụ tiện ích mang đến giá trị gia tăng cho khách hàng, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tất cả những điều đó tạo nên bản sắc và thương hiệu PVI, giúp Bảo hiểm PVI phát triển bền vững trong thời gian tới.

Nỗ lực trên mọi khía cạnh để đồng hành với sự phát triển của thị trường

Ông Phan Quốc Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần, Bảo hiểm Bảo Long 

Thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng khởi sắc và phát triển lớn mạnh, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tổ chức kinh tế và đời sống người dân, bảo vệ tài chính cho nhà đầu tư, thúc đẩy hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế thông qua hoạt động bồi thường  bảo hiểm.

Tuy nhiên, mức độ thâm nhập của bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay mới đạt khoảng 2% GDP, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,55%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%).

Với chỉ tiêu đặt ra, tổng doanh thu ngành bảo hiểm đến năm 2020 đạt 3 - 4% GDP, tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm đến năm 2020 tương đương 3 - 4% GDP và đặc biệt, đến năm 2020 sẽ tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm do Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế ban hành, đòi hỏi sự nỗ lực tổng thể của doanh nghiệp trong toàn hệ thống và các cơ quan quản lý.

Theo đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, kênh phân phối bảo hiểm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm...

Là một thành viên trong thị trường, Bảo hiểm Bảo Long cam kết nỗ lực trên mọi khía cạnh để đồng hành với sự phát triển của thị trường và nền kinh tế. Để hiện thực hóa cam kết này, sau một thời gian tái cơ cấu, tập trung xây dựng, phát triển mạng lưới và củng cố nền tảng, Bảo Long bắt đầu chuẩn bị cho hành trình phát triển quy mô lớn, trong đó có việc tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng.

Nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng để đạt được các mục tiêu “tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở kiểm soát tốt rủi ro và hiệu quả”, song song đó là nâng cao chất lượng quản lý nghiệp vụ để đảm bảo các quy trình kinh doanh được vận hành một cách hiệu quả, giảm thiểu rủi ro và đáp ứng được yêu cầu của chiến lược kinh doanh đặt ra.

Tiếp tục cải tiến chất lượng sản phẩm và giá cả

Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo Minh 

Năm 2016, thị trường bảo hiểm có sự cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, trong mảng bảo hiểm xe cơ giới, nhiều doanh nghiệp mới muốn chiếm lĩnh thị phần nên hạ phí quá thấp, đẩy chi phí bán hàng lên cao. Tình hình tổn thất của mảng xe cơ giới và cháy nổ vẫn chưa giảm, tình hình xử lý nợ xấu về bảo hiểm chưa được cải thiện.

Tuy nhiên, với nỗ lực của toàn hệ thống, Bảo Minh vẫn giữ được mức tăng trưởng tương đối tốt trên thị trường về mảng xe cơ giới, mảng bảo hiểm con người, mặc dù mảng bảo hiểm cháy nổ có phần giảm sút do Bảo Minh kiểm soát chặt rủi ro. Chính vì vậy, Bảo Minh giữ được thị phần đứng thứ 3 trong khối phi nhân thọ, đạt lợi nhuận cao trong kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính. Ngoài ra, Bảo Minh đã được tổ chức xếp hạng quốc tế đánh giá xếp hạng năng lực tài chính cao.

Chuẩn bị bước vào kế hoạch kinh doanh năm 2017, Bảo Minh phấn đấu trong năm tới đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trên 10% so với năm 2016, đảm bảo phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu, ngoài việc đổi mới thường xuyên về mọi mặt thì chúng tôi sẽ tập trung vào các thị trường, nghiệp vụ tiềm năng, đặc biệt chú trọng vào công tác nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng, giảm thiểu chí phí doanh nghiệp để giảm giá cho khách hàng, giúp khách hàng được hưởng các quyền lợi cao nhất và giá cả phù hợp.

Nhiều thay đổi trong công tác quản trị, điều hành

Ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) 

Năm 2016 là năm có nhiều biến động với BIC, nhưng với các giải pháp kinh doanh đồng bộ và quyết liệt, Tổng công ty đã duy trì mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc không thấp hơn mức tăng trung bình của toàn thị trường, lợi nhuận tăng trưởng so với các năm trước.

Bên cạnh đó, BIC cũng đạt được nhiều kết quả ấn tượng ở các mặt hoạt động khác như: nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của A.M.Best lên mức “Tích cực” bên cạnh việc duy trì xếp hạng năng lực tài chính B+ và năng lực tổ chức phát hành bbb-; mở rộng mạng lưới hoạt động lên 26 công ty thành viên và 140 phòng kinh doanh; xếp hạng Top 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam, Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, 1 trong 100 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam…

Chuẩn bị cho kế hoạch năm 2017, BIC kiên định mục tiêu “tăng trưởng gắn với hiệu quả hoạt động”. Với lợi thế là thành viên của BIDV - một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam, BIC sẽ tận dụng tối đa sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ về nguồn lực khách hàng, mạng lưới, cơ sở vật chất, công tác truyền thông thương hiệu…, để đẩy mạnh quy mô doanh thu gắn với kinh doanh bảo hiểm.

Năm 2017 sẽ có sự đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật của nhà đầu tư chiến lược FairFax, chúng tôi xác định có nhiều thay đổi trong công tác quản trị, điều hành phù hợp với yêu cầu phát triển mới của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Với những lợi thế đó, BIC đang xây dựng nhiều giải pháp kinh doanh đồng bộ để gia tăng thị phần bảo hiểm hiểm gốc, song song với việc cân đối và giữ vững mục tiêu về hiệu quả và quản lý rủi ro. Ngoài ra, BIC sẽ tập trung phát triển hoạt động bán lẻ thông qua việc thúc đẩy các kênh phân phối bán lẻ, đặc biệt là kênh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) và áp dụng các chương trình công nghệ thông tin tiên tiến nhằm đáp ứng nhanh việc tạo ra các sản phẩm mới, kênh phân phối mới, kiểm soát chặt chẽ hoạt động bồi thường, nhất là bảo hiểm xe cơ giới.

Quản lý chi phí hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ

Ông Back Jong Kook, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam 

Sau 7 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Hanwha Life Việt Nam đang nỗ lực cho mục tiêu đạt mức hòa vốn và 1.000 tỷ đồng doanh thu phí mới trong năm 2016. Để đạt được mục tiêu đầy thách thức này, chiến lược kinh doanh của chúng tôi là tập trung phát triển kênh phân phối mới, xây dựng và phát triển hệ thống đại lý chủ chốt và đại lý ngôi sao, thực hiện các chính sách hỗ trợ quản lý chi phí hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đến nay, chiến lược mở rộng mạng lưới hoạt động của chúng tôi đã phát huy hiệu quả theo đúng như kế hoạch đề ra, với hệ thống gần 70 trung tâm phục vụ khách hàng trên cả nước tính đến tháng 12/2016. Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2020, mạng lưới đại lý của Hanwha Life Việt Nam sẽ phủ rộng khắp các thành phố, thị xã, phấn đấu để trong tương lai mỗi quận, huyện có ít nhất một điểm phục vụ nhằm chăm sóc khách hàng được tốt và thuận tiện hơn.

Việc đạt mục tiêu hòa vốn sẽ là cơ sở và nền tảng vững chắc để Tập đoàn Hanwha tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam, từ đó đẩy nhanh tiến độ và xúc tiến mạnh mẽ các dự án đầu tư khác trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, dịch vụ, nghỉ dưỡng, vốn là những thế mạnh của Hanwha tại thị trường Hàn Quốc.

Ngọc Lan - Kim Lan - Hồng Dung
Đặc san Toàn cảnh Thị trường Bảo hiểm Việt Nam 2016

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục