Dự báo xu hướng “chi tiền”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2024, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những quyết định quan trọng về chi tiêu và đầu tư.
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ giúp duy trì chi tiêu của người tiêu dùng Việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ giúp duy trì chi tiêu của người tiêu dùng

Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Mastercard, năm 2024, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những quyết định quan trọng về chi tiêu và đầu tư. Trong đó, chênh lệch giá cả và lãi suất sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, cũng như thông tin ra quyết định bằng các nguồn lực sẵn có.

Mặc dù kinh tế toàn cầu có thể “bình thường” hơn trong năm mới so với 3 năm trước, nhưng nhiều khả năng vẫn đang tìm kiếm sự cân bằng, đó là sự cân đối, cân bằng giữa lãi suất, tiền lương và giá cả so với mức trước đại dịch Covid-19. Bối cảnh có thể nghiêng về phương án trao quyền cho người tiêu dùng với lạm phát vừa phải, tăng trưởng kinh tế thực ổn định, với việc các thành viên thị trường thúc đẩy tìm kiếm những động lực tăng trưởng ở các khu vực khác nhau.

Số liệu phân tích từ 45 thị trường trên khắp thế giới đưa ra dự báo về 4 xu hướng lớn.

Thứ nhất, chi tiêu được ưu tiên theo nhu cầu và mong muốn, chứ không phải theo sự thúc đẩy. Ngay cả khi lạm phát khiến người tiêu dùng chiếm phần lớn chi tiêu cho những thứ thiết yếu, họ sẽ ưu tiên chi tiêu cho những nhu cầu được coi là quan trọng nhất, trong đó du lịch và sự kiện vẫn là những lựa chọn phổ biến.

Thứ hai, người tiêu dùng có việc làm là người được “trao quyền”. Người tiêu dùng vẫn kiên cường - các nhà phân tích đã nghe điều đó cả năm 2023 và có thể sẽ lặp lại trong năm 2024, khi thị trường lao động mạnh mẽ góp phần củng cố sức mua của người tiêu dùng. Trong một số trường hợp, điều này được phản ánh rõ nhất qua mức lương được nâng lên cao hơn mức lạm phát, như ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, nơi tiền lương vào tháng 9/2023 tăng 4,7% so với năm 2022, trong khi lạm phát ở mức 4,3%. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ giúp duy trì chi tiêu của người tiêu dùng trong các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất.

Thứ ba, áp lực lạm phát bắt đầu giảm khi chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang đi đúng hướng. Các ngân hàng trung ương đang cho thấy khả năng đạt hoặc gần đạt mức lãi suất cao nhất. Có thể sẽ có một số nới lỏng trong năm mới, khi lạm phát hạ nhiệt, trong khi tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, dẫn đến việc bình thường hóa một phần chính sách tiền tệ.

Trên toàn cầu, Viện Kinh tế Mastercard dự báo, lạm phát sẽ ở mức vừa phải, 4,9% năm 2024, thấp hơn so với mức 6% năm 2023, nhưng vẫn cao hơn so với mức 2,7% trước đại dịch. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể tương tự năm 2023, GDP được điều chỉnh theo lạm phát dự kiến tăng 2,9%.

Thứ tư, thương mại điện tử vượt trội trở lại so với cửa hàng truyền thống.

Số liệu của 10 nền kinh tế cho thấy, tỷ lệ lợi nhuận cho các giao dịch trực tuyến tăng từ năm 2019 đến năm 2023, nhưng tỷ lệ này tại các cửa hàng hầu như không thay đổi. Ở Tây Ban Nha, điều này đặc biệt rõ rệt, với tỷ lệ lợi nhuận thương mại điện tử tăng 9,8% từ năm 2019 đến năm 2023, trong khi đối với cửa hàng truyền thống, con số này chỉ tăng 0,1%.

Như mọi năm mới, nhiều rủi ro vẫn có thể xảy ra, như căng thẳng xã hội và chính trị, xung đột địa chính trị, sự bất ổn về chi phí sinh hoạt, sự mất giá của tiền tệ, bất kỳ yếu tố nào trong số đó đều có khả năng làm giảm hoặc xác định lại triển vọng của nền kinh tế.

Linh Hương
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục