Dự báo sớm tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn chỉ tiêu

(ĐTCK) Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% mà ngành ngân hàng hướng đến năm nay được cho là khó đạt, cho dù kết thúc hai quý đầu năm dư nợ đã tăng đến 7,33%. 
ACB đã được nới room tăng trưởng tín dụng từ 13% lên 17%.

Room được nới

Trong 6 tháng đầu năm 2019, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng khá mạnh so với mặt bằng chung toàn hệ thống - tín dụng cả ngành tăng 7,33% trong 6 tháng. Chẳng hạn, OCB tăng trưởng tín dụng đến 20%, cạn room được cấp; VIB tăng trưởng cho vay trong nửa đầu năm hơn 19%; TPBank tăng 15%; VPBank, SHB hay HDBank cũng ghi nhận tăng tín dụng trên 10%...

Trong số này, những ngân hàng hoàn tất việc đáp ứng chuẩn quốc tế Basel II đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nới room. Cụ thể, NHNN đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 cho ACB từ 13% lên 17% (6 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng của ACB tăng 9% theo báo cáo tài chính công bố), VPBank từ 12% lên 16%, Techcombank từ 13% lên 17%, MB từ 13% lên 17%.

Hiện có 5 ngân hàng khác đã áp dụng chuẩn Basel II gồm Vietcombank, VIB, OCB, TPBank và MSB, song đến nay vẫn chưa có thông tin nới room.

Ghi nhận từ Vietcombank, ngân hàng này có dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 9%, nhưng một lãnh đạo cấp cao Vietcombank cho hay, Ngân hàng không xin tăng room. Còn với OCB, VIB cũng đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm nay lần lượt ở mức 30% và 35%, hiện chưa có thông tin nới room, nhưng với mức tăng trưởng kế hoạch khá cao thì việc được mở rộng hạn mức sẽ tương đối khó khăn.

Room tăng trưởng tín dụng được coi là một trong các công cụ điều hành của NHNN và để có mức tăng trưởng cao, các ngân hàng phải thỏa mãn các điều kiện mà NHNN đề ra.

Ðây cũng là lý do khiến một số nhà băng “hy vọng” NHNN mở cửa, dù chưa đáp ứng được chuẩn mực Basel II. Sacombank là trường hợp như vậy, năm 2019, ngân hàng này được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng khá thấp 7% và đến nay gần cạn. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, ông Dương Công Minh,  Chủ tịch HÐQT Sacombank đã có đề xuất lên Thống đốc NHNN theo hướng xin được nâng room tín dụng giai đoạn 2018-2020 từ 18-20%. Năm 2019, Sacombank mong muốn hạn mức được cấp là 19% sau khi NHNN chấp thuận cho Ngân hàng được hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân.

Room tăng trưởng tín dụng được coi là một trong các công cụ điều hành của NHNN và để có mức tăng trưởng cao, các ngân hàng phải thỏa mãn các điều kiện mà NHNN đề ra   

Tương tự, HDBank cũng kỳ vọng được tăng thêm room tín dụng cho năm nay do đang trong quá trình hoàn tất sáp nhập PGBank. Thế nhưng, thông tin về room tín dụng của hai ngân hàng này đến nay vẫn chưa có gì thay đổi so với đầu năm.

Theo dự báo của TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay, nhiều ngân hàng sẽ đụng trần hạn mức tăng trưởng khi hết quý III/2019. Và với cách thức điều hành linh hoạt của NHNN thì có thể đến cuối quý III này, NHNN sẽ thêm một lần rà soát lại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để điều chỉnh, vì quý IV thường là quý có tốc độ tăng trưởng cho vay mạnh mẽ nhất do phục vụ tiêu dùng cuối năm.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc nới room là có chọn lọc và không nên lo lắng thái quá đối với việc NHNN có nới thêm room tín dụng cho một số ngân hàng sẽ phá vỡ chỉ tiêu chung.

NHNN với tư cách là cơ quan quản lý ngành phải tính toán kỹ khi cấp room tín dụng cho các ngân hàng, đảm bảo không để vượt quá mục tiêu 14% mà cơ quan điều hành đặt ra từ đầu năm với toàn ngành, trong đó có cân nhắc tới hệ số an toàn vốn từng ngân hàng.

“Nếu tín dụng tăng, trong khi vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ lại tăng trưởng không tương xứng thì chắc chắn hệ số an toàn vốn (CAR) càng ngày càng mỏng đi, rủi ro là hiện hữu”, TS. Lực cho biết.

Có tăng cao?

Theo tiết lộ của lãnh đạo NHNN từ cuối năm ngoái, việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng năm 2019 theo định hướng những ngân hàng áp dụng chuẩn Basel II sẽ có được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mặt bằng chung. Những ngân hàng đủ vốn, nợ xấu thấp, mức tăng trưởng tín dụng cũng ở mức tương đương với mức tăng trưởng chung toàn ngành và ngược lại.

Mặc dù vậy, những dự báo cập nhật mới nhất cho thấy, tăng trưởng tín dụng chỉ là câu chuyện riêng lẻ tại một số ngân hàng có mong muốn đẩy nhanh quy mô tài sản, còn với toàn ngành, đây không là vấn đề cần phải quan tâm.

Trong một báo cáo mới đây, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, nếu không tính Vietcombank thì 8 ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II có tổng dư nợ khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. Và nếu cả 8 ngân hàng này được nâng hạn mức tín dụng lên mức kỳ vọng thì số dư nợ tăng thêm so với hạn mức cũ là khoảng 46.000 tỷ đồng, tức chỉ khoảng 0,6% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ðầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) vừa cập nhật ngành ngân hàng trong báo cáo nửa cuối năm 2019. Theo BSC, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm đạt 7,33%, cơ cấu cho vay vẫn tập trung chủ yếu vào nông nghiệp và xây dựng với mức tăng 9,1%; công nghiệp và xây dựng tăng 29,5%; thương mại tăng 21,9%. Ðây là các lĩnh vực được ưu tiên cho vay của Chính phủ.

Về triển vọng nửa cuối 2019, BSC đánh giá, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể sẽ chỉ đạt 12-13%, chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm ở nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn (bất động sản, thép,...), nhu cầu tín dụng mảng khách hàng cá nhân có thể bị ảnh hưởng do nền kinh tế đang giảm tốc.

Chênh lệch lãi suất cho vay và huy động (NIM) toàn ngành giảm nhẹ do áp lực tăng từ lãi suất huy động, lãi suất cho vay ổn định. Các ngân hàng có lợi thế về nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giá rẻ cùng việc tập trung phát triển ngân hàng số sẽ có lợi nhuận tích cực.

Ghi nhận trực tiếp tại một số ngân hàng thì việc chủ động kìm chế tín dụng là điều đang xảy ra. Ngoại trừ trường hợp Vietcombank đã đề cập, thì tại một ngân hàng có dư nợ cho vay đạt mức trên triệu tỷ/năm là Agribank cũng cho biết, mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế của Ngân hàng tăng tối đa 12% trong năm nay, thực hiện công tác tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục