Dồn sức chuẩn bị thanh khoản đáp ứng cầu vốn tăng cao
Kết quả điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các ngân hàng do Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) cho thấy, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng tiếp tục được cải thiện.
Cụ thể, có 85% ngân hàng nhận định thanh khoản của đơn vị mình ở trạng thái “tốt” đối với cả VND và ngoại tệ; 12% nhận định ở trạng thái ổn định. Huy động vốn toàn hệ thống cũng được kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn trong quý IV, bình quân đạt 5,32%, cao hơn mức tăng thực tế 3,74% của cùng kỳ năm trước. Cả năm 2017, các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn sẽ tăng khoảng 16,03%.
Nhờ thanh khoản dồi dào, các ngân hàng cho rằng, dư nợ tín dụng cho nền kinh tế sẽ tăng tốc trong quý cuối năm, bình quân tăng trưởng 6,07% trong quý IV và 17,02% cả năm. Lãi suất cho vay cũng được dự báo sẽ tiếp tục giảm bình quân 0,22%/năm trên toàn hệ thống, thậm chí nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho rằng lãi suất cho vay có thể giảm đến 0,45%/năm.
Theo NHNN, với triển vọng của nền kinh tế trong năm 2017, các chính sách điều hành của Chính phủ và cơ quan này là tiếp tục tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ tích cực việc tiếp cận nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu đề ra.
Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cũng cho thấy, các ngân hàng đang không ngừng chuẩn bị thanh khoản để đẩy mạnh cho vay trong quý còn lại của năm, dù tăng trưởng tín dụng đã đạt mức cao trong những tháng đầu năm.
Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, room tín dụng năm 2017 đã được tăng lên mức 21%, nhưng Ngân hàng vẫn muốn NHNN cho phép nâng lên tới 30% vào tháng 11 tới nhằm đáp ứng nhu cầu vay tăng cao. Hiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn của LienVietPostBank vào khoảng 43% và sẽ giảm dần theo quy định tại Thông tư 06/2017/TT-NHNN.
Tại OCB, room tín dụng đã được NHNN cho phép nới lên 21% để phục vụ việc cho vay trong những tháng cao điểm cuối năm. Lãnh đạo OCB cho biết, quý IV luôn là thời điểm tốt để kinh doanh vốn, nên việc chuẩn bị tốt thanh khoản đã được Ngân hàng thực hiện ngay từ giữa năm.
Tương tự, hạn ngạch tín dụng của ACB và VIB cũng đã được nâng lên 24%.Các ngân hàng kỳ vọng, việc tín dụng cải thiện và nhu cầu vốn tăng cao các tháng cuối năm giúp hoạt động kinh doanh vốn khởi sắc hơn, từ đó gia tăng lợi nhuận.
Trong bối cảnh các ngân hàng “vào mùa” kinh doanh, theo chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, để dòng vốn tín dụng chảy mạnh và tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thì lãi vay cần được điều chỉnh giảm thêm, đặc biệt là lãi suất cho vay trung-dài hạn.
Kỳ vọng lợi nhuận 2017 sẽ cải thiện mạnh mẽ
Dự báo về diễn biến lãi suất trong quý cuối năm, Vụ Dự báo thống kê cho biết, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước kỳ vọng giảm đối với cả lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi (từ 0,06-0,15 điểm phần trăm), nhóm ngân hàng cổ phần lớn kỳ vọng lãi suất cho vay giảm mạnh nhất (0,45 điểm phần trăm) và lãi suất tiền gửi tăng cao nhất (0,57 điểm phần trăm).
Về mặt bằng lãi suất trong năm 2017 so với cuối năm 2016, hai hóm ngân hàng cổ phần lớn và nhỏ kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay giảm tương ứng là 0,09 và 0,03 điểm phần trăm. Bình quân toàn hệ thống trong quý IV/2017, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng giảm 0,22 điểm phần trăm đối với lãi suất cho vay và tăng 0,17 điểm phần trăm đối với lãi suất tiền gửi.
“Nhìn chung, các tổ chức tín dụng tiếp tục vững tin về triển vọng của nền kinh tế trong năm 2017, đồng thời kỳ vọng sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra khi cơ quan quản lý tiếp tục tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng”, đại diện Vụ Dự báo thống kê cho hay.
Tại Sacombank, kết quả hoạt động kinh doanh trong gần 9 tháng đầu năm 2017 của Ngân hàng cho thấy đà tăng trưởng ổn định, hầu hết các chỉ tiêu đều bám sát kế hoạch đề ra. Cụ thể, tính đến ngày 22/9, tổng tài sản đạt gần 360.000 tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm.
Tổng tín dụng và nguồn vốn huy động lần lượt đạt 221.000 tỷ đồng và 330.700 tỷ đồng, tăng 13,4% và 9,2% so với đầu năm, giúp nâng cao nguồn thu chính của Ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất cho vay khá ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tái cơ cấu danh mục tín dụng và xử lý nợ xấu tiếp tục chuyển biến tích cực, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận. Kết quả, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 của Sacombank ước đạt 900 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 1.100 tỷ đồng.
Về vấn đề xử lý nợ xấu, Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã xử lý được 6.000 tỷ đồng nợ xấu trên con số dự kiến xử lý trong năm là 20.000 tỷ đồng và hiện đang nỗ lực giải quyết phần còn lại trong những tháng cuối năm.
“Nhờ Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội, cũng như sự hỗ trợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), chúng tôi kỳ vọng mục tiêu trên sẽ hoàn thành, qua đó sớm hoàn tất Đề án tái cơ cấu Sacombank. Hiện tại, về cơ bản, Ngân hàng đã phân loại nợ để tiến hành bán cho VAMC”, ông Minh nói và cho biết, trước đây, lợi nhuận trước thuế bình quân Sacombank tạo ra đạt khoảng 100 tỷ đồng/tháng, nhưng kể từ khi bộ máy lãnh đạo mới điều hành, con số này đã tăng lên khoảng 150 tỷ đồng/tháng. Do vậy, khả năng hoàn thành mục tiêu 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2017 mà Đại hội đồng cổ đông giao phó là hoàn toàn có thể, thậm chí sẽ vượt chỉ tiêu.
Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết, 9 tháng đầu năm, Ngân hàng ước lãi 1.450 tỷ đồng, xấp xỉ so với mục tiêu đưa ra cho cả năm nay là 1.500 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2017, tổng tài sản đạt 150.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 97.000 tỷ đồng, huy động vốn trên thị trường I đạt hơn 129.700 tỷ đồng, tăng so với mức 108.000 tỷ đồng vào cuối quý II.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt trên 11%. Tại thời điểm 30/9/2017, tỷ lệ nợ xấu là 1,16%, giảm so với con số 1,28% vào cuối tháng 6/2017, riêng tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng là 1,3%; Ngân hàng đã trích dự phòng 740 tỷ đồng trên 1.650 tỷ đồng trái phiếu.
Kết quả kinh doanh tích cực tại nhiều ngân hàng cũng phù hợp với điều tra của Vụ Dự báo thống kê. Cụ thể, 89% ngân hàng thương mại kỳ vọng lợi nhuận trước thuế 2017 của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016, với mức tăng trưởng toàn hệ thống bình quân kỳ vọng đạt 13,63%.
Trong đó, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ kỳ vọng tăng 18,53%, thu nhập ròng từ hoạt động tự doanh dự kiến tăng 9,76%. Tỷ lệ ngân hàng lo ngại nguy cơ rủi ro từ khách hàng “tăng” trong quý IV và cả năm cũng đã giảm đáng kể so với các kỳ điều tra trước đây.
Tích cực là vậy, song theo các chuyên gia tài chính, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 21-22%, các ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng để hạn chế tình trạng nợ xấu tái tăng.