Dự báo hướng chảy của dòng tiền 2017

(ĐTCK) Năm 2017 sẽ tiếp tục là năm TTCK chứng kiến các yếu tố tốt xấu đan xen, đòi hỏi sự ứng biến linh hoạt của nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, điều cần thiết là chọn lọc và theo dõi sát sao các nhóm ngành có khả năng tạo ra đột biến, khả năng tạo ra cơ hội. Đây sẽ là những ngành chủ đạo, đón nhận dòng chảy của vốn đầu tư trên TTCK năm 2017.
Năm 2017, dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại, khoảng 16% và  lãi suất khó có thể giảm thêm Năm 2017, dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại, khoảng 16% và lãi suất khó có thể giảm thêm

Dự báo nền kinh tế Việt Nam 2017

Các chỉ báo cho thấy khá rõ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm tốc trong năm 2016. Trong bối cảnh cầu tiêu dùng và cầu đầu tư nội địa chưa có sự bứt phá, động lực tăng trưởng trong thời gian qua vẫn phụ thuộc nhiều vào ngoại lực (khối FDI), khai thác tài nguyên thiên nhiên và đầu tư công.

Theo đó, khi gặp những diễn biến bất lợi trên thị trường thế giới kết hợp với việc giải ngân ngân sách gặp một số vướng mắc, việc tăng trưởng kinh tế chậm lại là khó tránh khỏi.

Một số các nhóm ngành đáng xem xét trong năm 2017: ngân hàng, bất động sản, thép, nhựa, gạch, thủy điện, xây dựng, công nghệ thông tin và điện tử tiêu dùng...

Xét trên góc độ tích cực, chúng tôi cho rằng, trong năm 2017, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư bắt nguồn từ xu hướng nới lỏng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á khi Việt Nam có lợi thế cạnh tranh là nền chính trị ổn định; lạm phát tỷ giá trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các diễn biến từ thị trường thế giới được xem là rào cản khá lớn đối với mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Trong đó đáng chú ý: (1) Chính sách của tân Tổng thống Mỹ theo chiều hướng không thuận lợi cho thương mại, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

(2) Biến động của các ngoại tệ mạnh theo sát với thời điểm và lộ trình Fed nâng lãi suất cũng như các biến động chính trị như Brexit;

(3) các vấn đề xung quanh việc giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm nợ xấu, bong bóng bất động sản, thương mại suy giảm kéo theo khả năng đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá.

Trong bối cảnh như vậy, đánh giá nền kinh tế Việt Nam 2017, chúng tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là rất thách thức. VCBS dự báo, GDP năm 2017 tăng khoảng 6,3 - 6,5%.

Xét tới khía cạnh ổn định lạm phát, Chính phủ có dư địa điều hành và công cụ kiểm soát lạm phát, mục tiêu lạm phát dưới 5% nhiều khả năng sẽ hoàn thành với dự báo tỷ lệ lạm phát cả năm 2017 là 4 - 4,5%.

Đối với vấn đề tỷ giá, năm 2017, khả năng nguồn cung ngoại tệ sẽ tốt hơn các năm trước, giúp NHNN có thể chủ động hơn trong việc điều hành và bình ổn thị trường. Chúng tôi dự báo, mức giảm giá của VND trong năm 2017 sẽ vào khoảng 2 - 4%.

Trong khi đó, với giả định lãi suất đã tạo đáy trong năm 2016, khả năng mặt bằng lãi suất năm 2017 sẽ tương đối ổn định và chỉ biến động nhẹ quanh mức cuối năm 2016, mức tăng nếu có sẽ không quá 50 điểm cơ bản (0,5%).

Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô như vậy, xem xét nội tại của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, chúng tôi cho rằng, cơ hội đối với các nhà đầu tư trong năm 2017 luôn tồn tại. Mặc dù vậy, các yếu tố rủi ro có thể sẽ tăng dần về cuối năm, nhà đầu tư cần lưu tâm việc này. 

Tốt xấu đan xen, chọn nhóm ngành là quan trọng

Năm 2016 đi qua với liên tiếp những cú sốc tới từ thị trường thế giới, vượt ngoài dự báo của nhà đầu tư. Tuy nhiên, các yếu tố bất ổn nhiều khả năng buộc các NHTW (ngoài Fed) duy trì biện pháp nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2017.

Điều này khiến chúng tôi kỳ vọng, thị trường Việt Nam được hưởng lợi từ các dòng vốn từ nước ngoài trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...

Các yếu tố tốt xấu đan xen đòi hỏi sự ứng biến linh hoạt của nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, chúng tôi cho rằng, điều cần thiết là chọn lọc và theo dõi sát sao các nhóm ngành có khả năng tạo ra đột biến, khả năng tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư.

Cụ thể, các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng các yếu tố cơ bản tốt, đặc biệt là các bluechips đầu ngành khi nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mức P/E cao, đặc biệt tại một số các nhóm ngành đáng xem xét sau:

Ngành ngân hàng: năm 2017 được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại, khoảng 16%, trong khi lãi suất khó có thể giảm thêm khi vẫn đứng trước áp lực đến từ lạm phát, tỷ giá và một số vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là việc đảm bảo chỉ tiêu an toàn vốn.

Sự phân hóa nhiều khả năng sẽ là kịch bản chủ đạo đối với ngành ngân hàng trong năm 2017. Chúng tôi kỳ vọng nhiều vào những ngân hàng đã mạnh tay xử lý nợ xấu trước đây sẽ có thể sớm bứt phá về kết quả lợi nhuận 2017.

Ngành bất động sản: số lượng giao dịch có thể giảm nhẹ, song phân khúc trung cấp và bình dân sẽ có cơ hội tăng trưởng trong khi phân khúc cao cấp và hạng sang sẽ có mức độ cạnh tranh quyết liệt. Ở một khía cạnh khác, chúng tôi đánh giá chính sách tín dụng chặt chẽ sẽ bắt đầu có tác động vào năm 2017. Tuy nhiên, đây là một hành động cần thiết để đảm bảo thị trường phát triển ổn định và bền vững, tránh bong bóng xảy ra trong năm 2017.

Ngành thép: tiếp tục được kỳ vọng nhờ tốc độ mở rộng đô thị hóa và chu kỳ đầu tư công quay trở lại. Giá bán thép được kỳ vọng tăng do giá nguyên vật liệu tăng cao. Chúng tôi cho rằng, sản lượng tiêu thụ sẽ tăng mạnh trong đầu năm do đại lý đầu cơ và hạ nhiệt dần vào cuối năm. Những doanh nghiệp lò cao sẽ có lợi thế hơn so với doanh nghiệp lò điện. Thị trường xuất khẩu tôn hạ nhiệt và thị trường trong nước sẽ trở nên sôi động hơn.

Ngành gạch: sẽ phân hóa mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp dựa trên sản phẩm, vị trí địa lý và nguyên liệu vận hành. Trong đó, chúng tôi đánh giá cao những doanh nghiệp sản xuất gạch granite khu vực phía bắc, vận hành bằng khí CNG.

Ngành nhựa: cạnh tranh trên thị trường nhựa nội địa sẽ khiến cho các doanh nghiệp trong ngành nhựa đẩy mạnh xuất khẩu để mở rộng tiêu thụ. Nguyên vật liệu hạt nhựa được dự báo sẽ tăng theo giá dầu trong năm 2017, đồng thời thuế nhập khẩu nhựa PP sẽ tăng từ 1% lên 3% trong năm tới khiến các doanh nghiệp trong ngành chịu sức ép.

Ngành điện phân hóa trong năm 2017 với triển vọng khả quan của nhóm thủy điện và không tích cực đối với nhóm nhiệt điện. Tôi đánh giá La Nina trong năm tới sẽ hỗ trợ nhóm doanh nghiệp thủy điện tăng sản lượng trong khi giá than và khí tăng sẽ làm thu hẹp biên lợi nhuận nhóm nhiệt điện.

Ngành xây dựng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ở cả hai phân khúc bao gồm xây dựng dân dụng và cơ sở hạ tầng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tỷ lệ đô thị hóa cao, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu dân số sang trung lưu sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng.

Hoạt động cơ sở hạ tầng đang dần cải thiện và được kỳ vọng tăng trưởng ổn định khi nhà nước mở rộng đầu tư và cho phép huy động vốn từ tư nhân tham gia dự án xây dựng.

Nhu cầu đối với hàng công nghệ thông tin và điện tử tiêu dùng được dự báo tăng trưởng 20% trong năm 2017. Sự mở rộng đối với dân số trẻ và hiện đại hóa nông thôn sẽ tạo ra động lực tăng trưởng chính cho ngành này.

Mức độ cạnh tranh trong ngành cao su săm lốp nội địa ngày càng gay gắt. Cơ hội mở ra tại nhiều thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại Mỹ và Ấn Độ. Theo đó, triển vọng doanh nghiệp săm lốp phụ thuộc vào sự phát triển cơ học của ngành dự báo đạt 12% và khả năng xuất khẩu sang các thị trường không phải cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc.

Trần Minh Hoàng, CTCK Vietcombank

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục