Dự báo biến động tiền tệ ngân hàng năm 2010

(ĐTCK-online) Tình hình biến động cung cầu tiền tệ và lãi suất ngân hàng ngày càng ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, ngân hàng, chứng khoán và cả đời sống của người dân. Dự báo chính xác tình hình biến động về tiền tệ và có những giải pháp ứng phó kịp thời sẽ giúp cho mỗi chủ thể kinh tế tránh được những rủi ro do sự biến động của tiền tệ gây ra.
Năm 2010 được xác định là năm khôi phục kinh tế thế giới và Việt Nam. Năm 2010 được xác định là năm khôi phục kinh tế thế giới và Việt Nam.

Mỗi ngân hàng cũng nên có một ban chuyên về nghiên cứu chiến lược, dự đoán chính sách tiền tệ để có thể đưa ra những chính sách điều hành linh hoạt cho ngân hàng mình. Qua việc quan sát diễn biến thị trường tiền tệ và lãi suất ngân hàng, năm 2010, xin chia sẻ cùng bạn đọc những dự đoán của cá nhân tôi về vấn đề này như sau:

Thứ nhất, căng thẳng tiền tệ diễn ra trong quý đầu tiên và quý cuối cùng của năm 2010, sẽ bớt căng thẳng vào 2 quý giữa năm.

Cơ sở cho nhận định này là quý I và quý IV năm nay là thời điểm mà nhu cầu về tiền cho mua sắm hàng hóa, thanh toán tiền, thanh toán các khoản nợ vay đến hạn tăng cao, lo ngại tình hình lạm phát nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn tới cung tiền bị thu hẹp. Thời điểm quý II, III, nếu tình hình lạm phát ổn định, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,5% trong năm và hạn mức tín dụng là 25% cho năm 2010, NHNN cũng sẽ phải có một số biện pháp nới lỏng tiền tệ và tăng cung tiền trên thị trường, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có vốn đẩy mạnh cho doanh nghiệp và cá nhân vay, lãi suất thời điểm này dự đoán sẽ được hạ xuống. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, các tác động của nền kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của Việt Nam, do đó, vẫn có những điều chỉnh cho phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, lãi suất cho vay khó có thể giảm dưới mức 12%/năm.

Năm 2010, nhiều tác động theo hướng làm tăng lãi suất trên thị trường, cụ thể:

Cầu về tiền tệ lớn: Đây là năm cuối cùng mà các ngân hàng thương mại phải tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỷ đồng, thêm nữa là nhiều doanh nghiệp lớn cũng có lộ trình tăng vốn trong năm nay. Do thâm hụt ngân sách trong mấy năm gần đây là tương đối cao và dự kiến năm nay vẫn cao, để tài trợ cho khoản thâm hụt này thì Chính phủ sẽ phải phát hành các công cụ để vay nợ trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, nhu cầu vốn vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp vẫn ở mức cao và dồn nén từ mấy tháng cuối năm trước cho tới thời điểm hiện nay.

  • Lạm phát: Năm 2010 được xác định là năm khôi phục kinh tế thế giới và Việt Nam, lạm phát đã và đang tiếp tục là một yếu tố làm cho NHNN duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, do vậy sẽ làm ảnh hưởng tăng tới lãi suất.
  • Do tâm lý người dân lo ngại lạm phát nên vẫn chỉ gửi các kỳ hạn ngắn tại các ngân hàng, bởi vậy các ngân hàng vẫn phải thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để cạnh tranh giữ khách hàng và thu hút khách hàng, đây cũng là nhân tố đẩy lãi suất huy động lên cao.
  • Gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn và các biện pháp kính cầu đã được gỡ bỏ.

 

Các chính sách có thể đưa ra:

  • Cuối tháng 4 là thời điểm các ngân hàng nên tập trung tìm kiếm khách hàng vay vốn tốt để thực hiện thu hút và giải ngân khi các tín hiệu tiền tệ bớt căng thẳng.
  • Năm 2010 vẫn là năm ưu tiên cho các khoản vay ngắn hạn, vì tình hình tiền tệ vẫn có xu hướng biến động nhanh, khó lường, gây khó khăn thanh khoản cho các ngân hàng.
  • Thời điểm quý II và III là thời điểm tăng cường công tác huy động, đây là thời điểm các chính sách và sản phẩm cũng như chiến dịch về huy động nên được tập trung, ưu tiên vào kỳ hạn gửi dài từ 3 tháng trở lên.
  • Thời điểm quý IV là thời điểm cần đặc biệt lưu ý tới thanh khoản ngân hàng. Vì có khả năng, nhiều ngân hàng tăng vốn vào thời điểm này và nguồn vốn tại thời điểm đó có thể rất khan hiếm, diễn biến có thể giống cuối năm 2009.

Nguyễn Hồng Hải, Nguyên Phó TGĐ Ngân hàng Đại Dương
Nguyễn Hồng Hải, Nguyên Phó TGĐ Ngân hàng Đại Dương

Tin cùng chuyên mục