Sau 15 tháng khởi công dự án, máy móc, nhân lực được đưa vào thi công chỉ đến ngày 15/1/2016, khi Hạt quản lý đê điều Việt Trì “thổi còi” lập biên bản yêu cầu tạm dừng thi công công trình để làm các thủ tục theo quy định của Luật Đê điều, 3 tháng sau ngày 21/4/2016, Công ty cổ phần cấp nước Phú Thọ mới có công văn số 137/DATN gửi Sở NN-PTNT và Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ xin thỏa thuận cấp phép thi công xây dựng công trình trạm xử lý nước thải TP1 công suất 5.000m3/ngày/đêm để Sở NN-PTNT báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình Bộ NN-PTNT thỏa thuận để cấp phép thi công xây dựng.
Trao đổi với PV VOV, Phó Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Phú Thọ Nguyễn Đình Tuyến thừa nhận sơ suất triển khai xây dựng khi chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý là do xây dựng vào vùng đất bãi, chưa nắm rõ Luật Đê điều.
Theo ông Tuyến, biên bản Hạt đê điều lập là đúng. Tuy nhiên, công trình không vi phạm phạm vi hành lang đê điều cũng như chỉ giới thoát lũ. Việc phải xin ý kiến thỏa thuận của Bộ NN-PTNT theo Luật Đê điều là đúng. Sau khi có ý kiến của Sở Nông nghiệp tỉnh, Công ty đã hoàn thiện hồ sơ và UBND tỉnh cũng có công văn gửi Bộ Nông nghiệp xin thỏa thuận và hiện đang chờ ý kiến mới được UBND tỉnh cấp phép xây dựng.
"Còn dự án đường ống thi công cắt đê tả sông Thao và lắp đặt đường ống xử lý nước thải thuộc địa phận phường Minh Nông, chúng tôi đã được cấp phép rồi. Tuy nhiên, dự án này giấy phép đã hết hạn từ ngày 30/4/2016", ông Tuyến cho biết thêm.
Lý giải việc công trình Trạm xử lý nước thải trong khi đang chờ hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý nhưng vẫn rầm rộ thi công, ông Tuyến cho rằng, việc thi công nằm trong phạm vi tường rào khu đất, còn đường ống từ trong công trình ra ngoài sông chưa dám làm vì liên quan đến bờ kè, bờ sông. “Do chúng tôi chủ quan không để ý nên chỉ xin cấp phép xây dựng công trình trong phạm vi hành lang đê tả Thao trước”.
Theo ông Tuyến, biên bản Hạt đê điều lập là đúng “Chính tôi là người ký vào biên bản, chiểu theo luật thì đúng là thấy có vấn đề. Nhưng đáng nhẽ các anh ấy (PV-Chi cục đê điều, Sở NN-PTNT) cần phải cảnh báo trước vì thực ra khi xây dựng chủ quan nghĩ rằng, dự án tỉnh phê duyệt là không phải xin giấy phép.
“Tất nhiên, việc làm thủ tục giấy phép chúng tôi vẫn phải xúc tiến nhưng hơi chậm một chút”, ông Tuyến khẳng định.
Trước câu hỏi, tại sao chủ đầu tư không thực hiện xong thủ tục pháp lý đi rồi mới thi công theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu”, ông Tuyến nói: Lúc triển khai thi công rầm rộ thì cũng đã qua rồi. Bây giờ chúng tôi chỉ nâng san nền phía trong tường rào”.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Phú Thọ Nguyễn Đình Tuyến thừa nhận sơ suất triển khai xây dựng khi chưa đầy đủ hồ sơ pháp
Việc chủ đầu tư xây dựng không phép “tiền trảm, hậu tấu” khi chưa có thỏa thuận thống nhất từ phía Bộ Nông nghiệp là thiếu thận trọng. Trường hợp Bộ NN –PTNT không đồng ý thỏa thuận cho xây dựng tại ví trí công trình vì gần khu dân cư lâu đời đông người sinh sống và một khu đô thị đã được quy hoạch mà công trình phải di chuyển sẽ gây lãng phí, liệu chủ đầu tư có tính đến hậu quả này?
Cũng cần nhấn mạnh rằng, đây là dự vốn vay nước ngoài, UBND tỉnh Phú Thọ là chủ quản giao Công ty cổ phần cấp nước Phú Thọ làm chủ đầu tư thay mặt tỉnh đứng ra nhận món nợ này và đầu tư xây dựng về sau trả nợ cho tỉnh.
Tuy nhiên, vai trò của chính quyền địa phương từ cấp cơ sở đến thành phố trong việc quản lý các công trình xây dựng trên địa bàn lại thiếu trách nhiệm. Công trình thi công xây dựng không phép kéo dài hơn 15 tháng đến nay vẫn không một biên bản được lập, không một quyết định nào được ban ra xử lý vi phạm.
Quan điểm của UBND tỉnh Phú Thọ, Thành phố Việt Trì và các ngành chức năng thế nào xung quanh dự án này. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp thông tin tới bạn đọc.