Dự án xây mới cầu Bình Lợi trăm năm tuổi: Khẩn cấp, rồi... bất động

Dự án Xây mới cầu đường sắt Bình Lợi cấp thiết tới mức được cả TP. HCM và Bình Dương hỗ trợ vốn, nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ điều kiện về năng lực…, khả năng thu hồi vốn của dự án đã được nhà đầu tư đệ trình cấp có thẩm quyền khi quyết định đầu tư. Song sau hơn 1 năm khởi công, Dự án hầu như vẫn bất động. Có vẻ như, nhiều sự bất thường ẩn giấu sau dự án này.     
Cầu đường sắt Bình Lợi nổi tiếng với 114 năm tuổi, nay vẫn có hàng chục chuyến tàu rầm rập qua lại mỗi ngày Cầu đường sắt Bình Lợi nổi tiếng với 114 năm tuổi, nay vẫn có hàng chục chuyến tàu rầm rập qua lại mỗi ngày

Tiếp tục nín thở qua cây cầu trăm tuổi

Cầu đường sắt Bình Lợi nổi tiếng với 114 năm tuổi. Cùng với hàng chục chuyến tàu rầm rập qua lại mỗi ngày nối ga Trảng Bom - Hòa Hưng hướng vào ga Sài Gòn, cầu còn có 2 luồng đường bên cạnh cho xe hai bánh. Sau hơn 1 thế kỷ khai thác, cây cầu già nua này có thể xụm xuống bất kỳ lúc nào. An toàn giao thông bị đe dọa đã là việc phải khẩn cấp khắc phục, nhưng việc không kém phần quan trọng là xây lại cây cầu này còn nhằm mục tiêu phá đi nút thắt cổ chai trên tuyến giao thông thủy nối TP.HCM với Bình Dương.

Vì vậy, tháng 3/2015, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) công bố danh sách nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện Dự án xây mới cầu Bình Lợi và đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc (Bình Dương) là liên doanh Công ty cổ phần Đầu tư & Phát triển Đô thị xanh - Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng STD Việt Nam (liên doanh GUD-STD). Sau khi Bộ GTVT chấp thuận, 1 tháng sau, liên doanh nhà thầu này tổ chức động thổ khởi công dự án. Người dân phải hàng ngày qua lại cây cầu này rất đỗi vui mừng, nhà tàu có lẽ còn vui hơn khi hàng ngày không phải nín thở để qua lại cây cầu cũ kỹ này.

Với tổng mức đầu tư 1.302 tỷ đồng, cùng với nâng cấp 71 km luồng sông Sài Gòn (từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc), cầu đường sắt Bình Lợi mới còn nâng khoảng tĩnh không thông thuyền từ 1,5m hiện tại lên 7m. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 6/2016. Theo luận chứng kinh tế, dự án BOT này sẽ thu phí đường thủy để hoàn vốn.

Cũng bởi tính bức thiết của Dự án, TP. HCM sẽ hỗ trợ chủ đầu tư số vốn cho công tác giải phóng mặt bằng là 156,392 tỷ đồng, còn tỉnh Bình Dương cho vay không tính lãi 300 tỷ đồng. Như vậy, với 172 tỷ đồng vốn tự có, nhà đầu chỉ cần huy động thêm 674,499 tỷ đồng là Dự án có thể ung dung triển khai. Cần phải nói thêm, đối với dự án có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng, số vốn tự có của nhà đầu tư đã đáp ứng quy định tại khoản a, Điều 10, Nghị định 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Sau khi khởi công rồi bỏ đó, câu hỏi đặt ra là, vì sao một dự án cấp thiết như vậy, lại được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của địa phương, mà không thể triển khai theo đúng tiến độ cam kết?

Khó mặt bằng - bó cơ chế hoàn vốn

Tìm hiểu thực trạng của Dự án, phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc làm việc qua điện thoại với ông Vũ Đức Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư & Phát triển Đô thị xanh. Vị đại diện nhà đầu tư cho biết, các đơn vị thi công đang thực hiện công đoạn khoan nhồi và đổ móng trụ cầu. Đối với nguồn vốn thực hiện Dự án, chủ đầu tư đã lo ổn thỏa, riêng phần hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB), Liên doanh đang đợi chính quyền TP. HCM hỗ trợ như đã cam kết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc giải phóng mặt bằng Dự án bị vướng bởi trình tự thủ tục thực hiện. Trước tiên, nhà đầu tư thực hiện dự án liên phải hệ làm việc với các đơn vị có liên quan để được cung cấp tài liệu làm cơ sở xác định được ranh giới GPMB.

"Nếu những khó khăn về giải phóng mặt bằng và giải pháp kỹ thuật của dự án được giải quyết rốt ráo, có thể tới nửa cuối quý III/2017, dự án sẽ được đưa vào khai thác"

 - Ông Vũ Đức Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư & Phát triển Đô thị xanh

Hoàn tất công đoạn cắm mốc giải phóng mặt bằng, việc thu hồi đất cần phải được đăng ký trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của Thành phố để làm cơ sở lập thủ tục đền bù GPMB. Sau đó, nhà đầu tư cần đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thống nhất mốc GPMB với UBND quận Thủ Đức, Bình Thạnh và tiến hành các công tác liên quan đến bồi thường.

Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, nhà đầu tư cần làm rõ phương án tài chính, trong đó xác định cụ thể loại phí nào sẽ nộp vào ngân sách (Trung ương và địa phương) để phân chia tỷ lệ nguồn thu và hoàn trả chi phí các địa phương đã bỏ ra. Trên cơ sở đó, UBND Thành phố sẽ chuẩn bị kinh phí để thực hiện công tác đền bù GPMB.

Song song với việc hoàn thiện “một núi thủ tục hành chính” về giải phóng mặt bằng, dù đã khởi công hơn 1 năm, Dự án vẫn còn vướng đường dây điện 110 KV. “Hiện chủ đầu tư đang cùng Sở GTVT TP. HCM tiến hành giải quyết những khó khăn về kỹ thuật thi công phần hạ tầng của cầu. Nếu những khó khăn về giải phóng mặt bằng và giải pháp kỹ thuật của dự án được giải quyết rốt ráo, có thể tới nửa cuối quý III/2017, dự án sẽ được đưa vào khai thác”, ông Cúc cho biết.

Một vướng mắc nữa là khả năng hoàn vốn của dự án BOT đường thủy.

Theo một doanh nghiệp vận tải đường sông tại khu vực này, thu phí tại đây là điều hết sức khó, bởi nhánh sông này rất ít tàu bè đi lại, tàu qua đây chủ yếu thuộc loại tàu nhỏ chở cát, gốm sứ. “Theo tôi được biết, các lô hàng số lượng lớn đều được vận chuyển bằng đường bộ, giá thành vận tải thủy thì rẻ, nhưng cảng Bến Súc không phải là cảng lớn nên chi phí và thời gian bốc xếp sẽ lớn, khiến cho  rất ít tàu bè qua lại trên tuyến này”, vị giám đốc này nói và cho biết thêm, sự thuận tiện trên tuyến đường bộ TP.HCM - Bình Dương sẽ khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn đường bộ để vận chuyển.

Được biết, để giải nút thắt đối với công trình BOT luồng, tại Dự án này, Bộ GTVT đề xuất với Bộ Tài chính cho phép dùng các cảng vụ đường thủy nội địa quản lý cảng, bến trong khu vực tuyến (từ cầu Bình Lợi đến đập Dầu Tiếng) là cơ quan thu phí. Số phí thu được, ngoài phần chi cho công tác thu phí, số còn lại sẽ được chuyển cho nhà đầu tư để hoàn vốn cho Dự án trong thời gian khoảng 23 năm.

Theo tính toán, đối với tàu 1.000 tấn sẽ phải đóng mức phí 70.000 đồng/km, tàu trên 3.000 tấn lưu thông qua tuyến phải đóng tới 210.000 đồng/km. Tuyến đường dài hơn 70 km, khi đó tàu 3.000 tấn lưu thông qua tuyến sẽ đóng gần 15 triệu đồng.

Như vậy, trở ngại cho Dự án có thể là ách tắc trong GPMB và có thể cả là khả năng hoàn vốn cho nhà đầu tư, nhưng dù sao đi chăng nữa, hiển hiện trước mắt người dân là một nhà đầu tư thất hứa và ngày ngày, hàng ngàn con người vẫn cùng nhau nín thở… qua cầu Bình Lợi!

Gia Huy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục