Dự án trọng điểm cũng "ì ạch", bộ, ngành tích cực thúc giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Dù tình hình đã có nhiều cải thiện, nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, phải tích cực thúc đẩy.
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội

Dự án trọng điểm cũng chậm

Các số liệu thống kê về tình hình giải ngân vốn đầu tư công đang khá tích cực. Ước giải ngân đến ngày 31/5/2024 là khoảng 148.300 tỷ đồng, đạt 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương con số 22,22% của cùng kỳ năm ngoái.

Khi báo cáo Chính phủ mới đây về con số này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện có 10 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, không phải chỗ nào, nơi nào cũng tích cực như vậy.

TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước - cũng là một trong những địa phương giải ngân chậm. Hôm 31/5, khi UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và nhiệm vụ, giải pháp cho tháng 6/2024, ông Nguyễn Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã thốt lên rằng: “Giải ngân của chúng ta rất đáng lo”.

Theo ông Mãi, TP.HCM đã đặt ra mục tiêu giải ngân 10-12% trong quý I và 30% cho đến hết quý II, nhưng tới thời điểm hiện nay, tức là chỉ còn 1 tháng nữa là hết quý II, thì kết quả giải ngân mới chỉ chớm đạt chỉ tiêu của quý I.

Đầu tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua tỉnh Quảng Bình. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ một lần nữa yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án, với tinh thần thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, phấn đấu thông xe vào dịp 30/4/2025...

“Tháng 4, tháng 5, Thành phố xác định mỗi tuần cần giải ngân 3.500 - 4.000 tỷ đồng, nhưng khối lượng giải ngân chỉ khoảng 200 tỷ đồng/tuần, rất thấp so với nhiệm vụ, yêu cầu”, ông Mãi đã nói như vậy.

Trong các công trình trọng điểm đang được triển khai, TP.HCM có Dự án Vành đai 3 - TP.HCM. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 4/2024, mới có hơn 843 tỷ đồng được giải ngân, chỉ đạt 3,9% kế hoạch đã giao.

TP.HCM không phải là đơn vị duy nhất lo về giải ngân đầu tư công. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 5 tháng, vẫn còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước (22,34%). Trong đó, đặc biệt có 4 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, tức là “giải ngân 0 đồng”. Đáng chú ý hơn, một số dự án trọng điểm đang chậm tiến độ.

Ngoài Dự án Vành đai 3 - TP.HCM, Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội cũng giải ngân chậm. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết tháng 4/2024, số vốn kế hoạch năm 2024 của dự án này là hơn 903 tỷ đồng, đạt 9,3% kế hoạch.

Cùng thời điểm, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I giải ngân được gần 506 tỷ đồng, đạt 7,8% kế hoạch đã giao; Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I đạt hơn 661 tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch đã giao.

Sự chậm trễ trong triển khai, giải ngân của các dự án trọng điểm đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, quá trình chuẩn bị đầu tư của các dự án giao thông trọng điểm bị chậm ở khâu lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường và sau này, trong quá trình thi công, lại bị chậm do thiếu vật liệu xây dựng, đặc biệt có dự án chưa thi công đã đội vốn…

Những dự án được “điểm mặt” chính là các dự án nêu trên. Trong đó, Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chậm khoảng 5 tháng, Dự án đường vành đai 3 - TP.HCM chậm gần 2 tháng; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chậm khoảng 1,5 tháng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chậm gần 2 tháng…

Khi các dự án trọng điểm chậm, giải ngân đầu tư công nói chung sẽ bị ảnh hưởng.

Đốc thúc giải ngân

Một câu chuyện tưởng chừng rất “nhàm chán”, nhưng luôn là đòi hỏi bức thiết của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Đó là làm sao phải đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc tăng trưởng, tạo việc làm và tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn sau.

Thực tế, không phải giải ngân vốn đầu tư công không tích cực. Ngay cả ở các dự án trọng điểm, bên cạnh các dự án chậm tiến độ, vẫn có dự án đạt kết quả khả quan. Chẳng hạn, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 tính đến cuối tháng 4/2024 giải ngân được 1.588,07 tỷ đồng, đạt 24,3% kế hoạch 2024 đã giao; còn Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 giải ngân 7.920,56 tỷ đồng, đạt 26,3% kế hoạch giao. Hay với các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ước tỷ lệ giải ngân tốt. Cụ thể, 5 tháng, đạt 61,93% kế hoạch triển khai. Trong đó, nguồn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, cơ quan trung ương đạt 81,44%.

Mặc dù vậy, nếu nói là “đạt kỳ vọng” thì chưa. Ngay cả với các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cũng vậy, phải thẳng thắn là giải ngân chậm, cũng bởi thế nên mới được kéo dài việc triển khai sang năm 2024.

Sau khi giải trình lý do chậm (như mất thời gian trình qua, trình lại, hay Chương trình chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng muốn tập trung “trọng tâm trọng điểm”, các dự án lớn, việc chuẩn bị càng kéo dài, nên “chậm là chắc chắn”), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ “đôn đốc” các dự án chưa hoàn thành thủ tục (bao gồm 8 dự án chưa hoàn thành thủ tục và 35 dự án chưa triển khai - PV) và đẩy nhanh tiến độ, triển khai thi công và khai thác hiệu quả các dự án đang thực hiện.

Trong khi đó, với giải ngân đầu tư công nói chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các chỉ thị của Thủ tướng về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Để thúc đẩy giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ra Công điện về việc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và hoàn thành thu hồi toàn bộ vốn ứng trước theo quy định.

“Chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định, để bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao…”, Công điện do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ký nêu rõ.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2024 mới đây, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Năm nay, mục tiêu đặt ra vẫn là giải ngân 95% vốn kế hoạch được giao, qua đó hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục