Dự án 'siêu cảng' quốc tế Cần Giờ: Nhiều nội dung cần được làm rõ

0:00 / 0:00
0:00
Có rất nhiều nội dung liên quan đến môi trường, vốn nhà nước tham gia đầu tư hạ tầng kết nối đến cảng, hạ tầng dịch vụ sau cảng… được các bộ, ngành trung ương đề nghị TP.HCM làm rõ trong Đề án Nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Vị trí đề xuất xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ Vị trí đề xuất xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Vấn đề môi trường chưa được làm rõ

Trong văn bản gửi UBND TP.HCM mới đây liên quan đến Đề án Nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Cảng Cần Giờ), đa phần các bộ, ngành đều có ý kiến đề nghị TP.HCM làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, giao thông kết nối và nhiều vấn đề khác. Sự đánh giá thận trọng là điều dễ nhận thấy của các cơ quan quản lý nhà nước vì dự án này nằm ở vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Tại Văn bản số 534/ BTNMT-KHTC gửi đến UBND TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Công văn số 6083/UBND-DA ngày 4/12/2023 của UBND TP.HCM chưa làm rõ các nội dung liên quan đến việc sử dụng đất để thực hiện Dự án, trong đó có nội dung sự phù hợp của Dự án với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được phê duyệt theo quy định tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và việc đảm bảo điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án.

Mặt khác, vị trí đề xuất xây cảng là khu vực cù lao Con Chó, ở cửa sông Cái Mép, là khu vực thuộc rừng phòng hộ Cần Giờ. Diện tích tự nhiên tại khu vực này hơn 86 ha, thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cần có sự đánh giá tác động của Dự án đối với đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu các tác động của Dự án đến đa dạng sinh học tại đây.

TP.HCM cũng cần bổ sung các thông tin làm rõ hiện trạng đất rừng dự kiến bị chuyển đổi làm Cảng Cần Giờ. Đồng thời, bổ sung ý kiến tham vấn của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ và UNESCO Việt Nam về việc thực hiện Dự án.

Sau khi nhận được góp ý từ các bộ, ngành, UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông - Vận tải làm rõ các vấn đề đặt ra, tham mưu cho Thành phố hoàn chỉnh Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2024.

“Cần có đánh giá về lợi ích khai thác cảng và lợi ích của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ trên các khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường. Đồng thời, cần có đánh giá cụ thể về tác động của hoạt động nạo vét và vận hành cảng đến Khu sinh thái Cần Giờ”, Văn bản số 534/ BTNMT-KHTC của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Bên cạnh vấn đề về môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Long An đều đề nghị đánh giá và phân tích rõ hơn về sự cạnh tranh và lợi ích về kinh tế của Cảng Cần Giờ với các cảng hiện hữu đã và đang xây dựng. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hơn về tính khả thi của Dự án như tỷ suất sinh lời của dự án đầu tư, thời gian hoàn vốn…

Trong khi đó, UBND tỉnh Long An đề nghị bổ sung nội dung phân tích, đánh giá trong tổng thể nhóm cảng biển số 4 gồm: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An, nhằm đảm bảo sự khoa học, bổ trợ lẫn nhau, khai thác tối đa hiệu quả các cảng.

Hạn chế dùng vốn nhà nước đầu tư đường giao thông kết nối đến cảng

Một trong những vấn đề mà nhiều bộ, ngành đặt ra là giao thông kết nối đến Cảng Cần Giờ, khi dự án này nằm biệt lập trên một cù lao tại Cần Giờ. Trong Văn bản số 14560/BTC-CST, Bộ Tài chính đề nghị TP.HCM làm rõ đề xuất phần vốn nhà nước tham gia đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đến cảng, vì trong dự thảo không có nội dung dự kiến tổng mức đầu tư, nhu cầu sử dụng từng nguồn vốn đầu tư hạ tầng kết nối vào cảng.

Ngoài ra, tại danh mục dự án dự kiến sử dụng vốn ngân sách nhà nước kèm theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 27/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch chính sách giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Cảng Cần Giờ không có trong danh mục. Hơn nữa, Dự án cũng chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Vì vậy, cơ quan quản lý về tài chính đề nghị, TP.HCM trong quá trình nghiên cứu Đề án hạn chế tối đa phần đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước cho hạ tầng giao thông kết nối đến cảng. Đồng thời, làm rõ phần ngân sách nhà nước đầu tư là nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ hay ngân sách thành phố và có phân kỳ từng năm.

Đối với hạ tầng dịch vụ sau cảng như trung tâm logistics, khu phi thuế quan, Bộ Công thương cho biết, pháp luật thương mại và pháp luật quản lý ngoại thương chưa có quy định cụ thể về khu phi thuế quan và chính sách quản lý hoạt động thương mại đối với khu phi thuế quan. Mô hình khu thương mại tự do đang được một số địa phương đề xuất. Vì vậy, trong quá trình triển khai, đơn vị chủ trì nghiên cứu và báo cáo chi tiết nội dung về khu phi thuế quan và khu thương mại tự do để các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục