Đó là chia sẻ và cũng là cam kết của Vinaconex được ông Vũ Quý Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Viwasupco đưa ra tại Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông (thường gọi là Dự án nước sạch Sông Đà) giai đoạn II ngày 10/7 tại Hà Nội.
“Với trách nhiệm chủ đầu tư dự án, chúng tôi sẽ làm hết sức mình, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành dự án với chất lượng tốt nhất”, ông Hà nói.
Giai đoạn I của Dự án hoàn thành vào năm 2008 và đã cung cấp hàng trăm triệu m3 nước sạch cho người dân Thủ đô. Dự án giai đoạn II sẽ nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm, có tổng vốn đầu tư lên tới trên 4.922 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn tự có và vốn vay tín dụng thương mại (không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước). Thời gian thi công dự án giai đoạn II dự kiến là 48 tháng (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019).
Ngay sau khi khởi công, Công ty sẽ thực hiện việc thi công xây dựng hạng mục “Tuyến ống truyền tải nước sạch của dự án dài 21 km, có mức đầu tư trên 1.047 tỷ đồng để khai thác hết công suất còn lại của nhà máy giai đoạn 1, giảm tải cho tuyến ống số 1 và hỗ trợ tuyến ống số 1 khi có sự cố. Vật liệu để xây dựng tuyến ống là ống gang dẻo và ống thép có đường kính DN1800; cấp áp lực làm việc của ống: PN10; lưu lượng truyền tải 300.000 m3/ngày đêm. Thời gian thực hiện tuyến ống này từ ngày 7/10/2015 đến ngày 30/5/2016.
Tại Lễ khởi công Dự án hôm 7/10 vừa qua, đại diện liên danh Viwaseen - Waterco (Liên danh giữa Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam - Viwaseen với CTCP Nước và xây dựng Đường Thành - Waterco), nhà thầu thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán và thi công xây dựng công trình cam kết sẽ tập trung đội ngũ kỹ sư tinh nhuệ nhất, máy móc hiện đại nhất cho công trình. Cũng tại sự kiện này, nhà thầu tư vấn giám sát là CTCP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng - Coninco cho biết, họ sẽ làm việc với ý thức trách nhiệm cao nhất để dự án được thực hiện đúng tiến độ và đạt chất lượng cao.
Dự án đã được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thống nhất cấp tín dụng thương mại. Đại diện Vietcombank cho hay, Ngân hàng sẽ giải ngân cho dự án đúng tiến độ và đảm bảo thu xếp đủ vốn theo kế hoạch đã được các bên thống nhất.
Như vậy, có thể thấy, giai đoạn II Dự án nước sạch Sông Đà được lập kế hoạch và đầu tư, triển khai với nỗ lực ở mức cao nhất của chủ đầu tư cũng như các đối tác phối hợp thực hiện. Sau khi hoàn thành hạng mục tuyến ống truyền tải nước sạch dài 21 km của Dự án, sản lượng nước sạch cấp về đầu đường vành đai 3 sẽ tăng lên khoảng 80.000 m3/ngày đêm, đảm bảo hết công suất của giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm theo kế hoạch được duyệt, đồng thời hỗ trợ và nâng cao an toàn cấp nước cho hệ thống nước Sông Đà - Hà Nội, giúp đảm bảo cấp nước ổn định, an toàn phục vụ người dân.
Dự án nước sạch Sông Đà có công suất 600.000 m3/ngày đêm (cả hai giai đoạn) được Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng công ty Vinaconex thực hiện, trong đó: + Giai đoạn 1: công suất 300.000 m3/ngđ, 1 tuyến ống truyền tải nước sạch DN 1500 - DN 1800 dài 45,8 km + Giai đoạn 2: công suất 300.000 m3/ngày đêm, 1 tuyến truyền tải nước sạch DN 1600 - DN 1800 dài 45,8km + Định hướng đến năm 2030 sẽ nâng công suất đạt 1.200.000m3/ngày đêm. Mục tiêu của Dự án là: (i) Sử dụng nguồn nước mặt Sông Đà để đảm bảo cấp nước ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu cấp nước lâu dài cho khu vực thị xã Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội; (ii) Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về cấp nước và vệ sinh môi trường đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Phù hợp với quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước thành phố Hà Nội đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; (iii) Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và TP. Hà Nội về việc xã hội hóa ngành cấp nước để giảm bớt gánh nặng ngân sách của Nhà nước và Hà Nội; (iv) Thực hiện chủ trương phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước; (v) Khẳng định và phát huy được thế mạnh của doanh nghiệp Nhà nước có năng lực về tư vấn thiết kế cũng như thi công xây lắp, rút ngắn thời gian thi công, nhanh chóng đưa công trình vào phục vụ, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa đối với việc xây dựng hệ thống cấp nước tập trung; (vi) Quản lý, khai thác và bảo vệ được toàn bộ hệ thống cấp nước một cách an toàn, vững chắc và kinh tế nhất; (vii) Sử dụng một cách hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng; (viii) Thúc đẩy quá trình đô thị hóa của chuỗi đô thị phía Tây Hà Nội - Hà Tây và góp phần đảm bảo an toàn cấp nước, nâng cao điều kiện sống và sức khỏe của người dân, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị. |