Tháng 11/2013, UBND TP. Hà Nội có văn bản chấp thuận chỉ định nhà đầu tư là Công ty TNHH Tuấn Dung lập và triển khai Dự án nhà ở thấp tầng ở xã Ninh Hiệp, Gia Lâm (Hà Nội). Mục tiêu đầu tư dự kiến là xây dựng công trình theo quy hoạch của xã Ninh Hiệp, gồm chợ và dịch vụ thương mại, nhà ở thấp tầng.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án này được xây dựng trên diện tích gần 50.000 m2, với tổng mức đầu tư hơn 727 tỷ đồng, dự kiến nguồn vốn để đầu tư xây dựng lấy từ vốn điều lệ 150 tỷ đồng, còn lại gần 578 tỷ đồng sẽ được huy động từ các nguồn khác. Đến tháng 12/2013, Sở Tài chính Hà Nội đã xác nhận Công ty Tuấn Dung nộp đủ số tiền hỗ trợ 60,5 tỷ đồng vào ngân sách.
Đến tháng 7/2014, UBND xã Ninh Hiệp gửi giấy mời tới một số hộ dân có diện tích sử dụng nằm trong dự án để công khai các văn bản pháp lý liên quan đến dự án này. Sau khi biết thông tin về dự án, các hộ dân đã phản ứng, không đồng tình và làm đơn kiến nghị gửi nhiều cấp.
Theo đơn thư của các hộ dân, từ năm 1999, họ đã tham gia đấu thầu công khai và trúng thầu nhận quyền sử dụng đất để đầu tư sản xuất “mô hình kinh tế hộ theo hướng sản xuất hàng hóa”, đã ký Hợp đồng sử dụng đất vườn quả với UBND xã Ninh Hiệp, thời gian giao thầu khoán một chu kỳ là 30 năm, tính từ tháng 4/1999 đến tháng 4/2029.
Sau khi nhận bàn giao mặt bằng, các hộ trúng thầu đã tiến hành đầu tư và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng và theo quy định pháp luật. Đến tháng 7/2014, khi được UBND xã Ninh Hiệp mời lên làm việc, các hộ dân này mới biết đến dự án của Công ty Tuấn Dung chồng lấn lên diện tích mà họ đang nhận thầu khoán.
Cho rằng việc chỉ định nhà đầu tư này là trái quy định pháp luật, bởi không lấy ý kiến cơ sở khi lập quy hoạch; không công khai thông tin lựa chọn nhà đầu tư; không tổ chức đấu thầu sử dụng đất, mà trực tiếp chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án trong khi dự án này không thuộc đối tượng chỉ định nhà đầu tư. Do đó, các hộ dân đã nhiều lần làm đơn khiếu nại gửi lên UBND xã Ninh Hiệp.
Tại các cuộc trao đổi tiếp dân, đại diện UBND TP. Hà Nội khẳng định, dự án này thực hiện theo các nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đồng thời Dự án cần triển khai nhanh để đáp ứng tiến độ, mục tiêu của các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của Thành phố.
Giải thích này không nhận được sự đồng tình của các hộ dân vì họ cho rằng, căn cứ các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí tại Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 và 11 nội dung tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ, không có nội dung nào xác định xây dựng trung tâm thương mại, nhà ở thấp tầng là mục tiêu quan trọng cần phải thực hiện trước các mục tiêu khác như: điện, nước, giao thông, thủy lợi, trường, trạm...
Theo các hộ dân, hiện tại họ vẫn chưa có nước sạch để sử dụng, chưa nói đến các hạng mục khác. Hơn nữa, dự án trên cũng không nằm trong danh mục quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 09/2013/NQ-HĐND ngày 17/07/2013 về các dự án cần triển khai nhanh.
Được biết, tại buổi họp ngày 3/7/2014, các hộ dân đã đề nghị đại diện Ban giải phóng mặt bằng dự án làm rõ phần diện tích đất thu hồi để xây nhà ở thấp tầng thì thuộc loại nhà ở dành cho người nghèo hay nhà ở thương mại? Hạng mục xây dựng công trình này có thuộc một trong các hạng mục xây dựng nông thôn mới của xã Ninh Hiệp hay không? Và căn cứ nào làm cơ sở để giải phóng mặt bằng?
Tuy nhiên, các vấn đề này đều không được Ban giải phóng mặt bằng làm rõ, cũng như không cung cấp đầy đủ các văn bản pháp lý liên quan đến dự án, nên các hộ dân chưa thực hiện các thủ tục phục vụ việc giải phóng mặt bằng.
Các hộ dân cũng phản ánh, chủ đầu tư - Công ty Tuấn Dung, đã có hành vi huy động vốn trái quy định (ký hợp đồng và thu 80% giá trị căn nhà) để đầu tư thực hiện dự án.
Trước đơn thư kiến nghị của các hộ dân, UBND TP. Hà Nội đã có công văn yêu cầu các ban, ngành làm rõ các vấn đề điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời giao UBND huyện Gia Lâm yêu cầu chủ đầu tư không được triển khai các hoạt động xây dựng khi dự án chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật.