Nhu cầu xây dựng nhà máy xử lý rác thải
Huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) hiện có dân số gần 150.000 người, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh gần 80 tấn/ngày và thu gom xử lý mới đạt 70%. Rác thải sinh hoạt hiện vẫn được xử lý bằng hình thức chôn lấp ở 15 bãi rác đã được quy hoạch, trong đó có 10 bãi được xây dựng từ giai đoạn 2010 - 2015, có diện tích từ 1.100 - 3.500 m2 và dự kiến chỉ 1 - 2 năm nữa là quá tải.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có tới 92 bãi rác chôn lấp tự phát, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và mất mỹ quan.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Hải Dương đã kêu gọi đầu tư các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra. Theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, các dự án xử lý rác thuộc nhóm hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương đánh giá, Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện của liên doanh United Expert Investments Limited (UEI Ltd.) và CTCP Tài nguyên và Môi trường Âu Việt được đặt tại xã Lương Điền (Cẩm Giàng) hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch Xử lý chất thải rắn tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Hải Dương cho biết, nhà đầu tư UEI Ltd. (chiếm 95% vốn góp thực hiện dự án) có trên 35 kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý rác thải và đã đầu tư 26 dự án xử lý rác thải tại nhiều quốc gia và một số tỉnh ở Việt Nam.
Kiên quyết dừng dự án nếu ảnh hưởng tới môi trường
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện được đánh giá có ý nghĩa lớn trong công tác bảo vệ môi trường của huyện Cẩm Giàng, nhưng quá trình triển khai đã vấp phải sự phản ứng của người dân.
Một trong những lý do khiến nhiều người dân không đồng thuận là vị trí đặt Dự án chưa đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, có thể ảnh hưởng tới khu dân cư.
Giải đáp về vấn đề này, ngày 5/3/2019, Văn bản số 39/BC-UBND của UBND huyện Cẩm Giàng nêu rõ, Dự án đã đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường theo các quy định của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế, cụ thể là quy định: “khoảng cách an toàn về môi trường nhỏ nhất giữa nhà máy xử lý chất thải rắn đến chân công trình xây dựng khác là lớn hơn hoặc bằng 500 m”, “khoảng cách đảm bảo vệ sinh tối thiểu được tính mốc từ nguồn phát thải trong nhà, xưởng sản xuất hoặc dây chuyền công nghệ tới khu dân cư là 500 m”.
Trên thực tế, khoảng cách từ vị trí xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện đến khu dân cư thôn Bình Long (xã Lương Điền) là 700 m, phù hợp với các quy định nêu trên.
Một lo ngại khác của người dân là, Dự án chưa có Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt mà đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Giấy CNĐKĐT).
Liên quan vấn đề này, Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương đã có Văn bản số 494/BC-KHĐT-KTĐN ngày 19/3/2019 báo cáo và giải trình cụ thể về trình tự và thủ tục cấp phép đầu tư theo pháp luật hiện hành.
Theo đó, sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị đầu tư Dự án, Sở KH&ĐT đã thực hiện các trình tự thủ tục thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy CNĐKĐT theo Luật Đầu tư.
Văn bản cũng nêu rõ, nếu căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường (2014), Dự án Nhà máy xử lỷ rác thải sinh hoạt và phát điện thuộc diện phải phê duyệt ĐTM trước khi quyết định chủ trương đầu tư cho dự án.
Song, Luật Đầu tư cũng có quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này với luật khác về…, trình tự thủ tục đầu tư, thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trình tự thủ tục đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tính dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Dầu khí’’; và hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh không yêu cầu thủ tục về đánh giá ĐTM đối với việc thẩm định dự án đầu tư.
Ông Nguyễn Thành Long, Luật sư cấp cao của Công ty Luật TNHH Vina Legal phân tích, theo quy định của Nghị định 118/2015/NĐ-CP, đây là dự án của nhà đầu tư nước ngoài, phải được cấp Quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy CNĐKĐT làm căn cứ để thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự dự án đầu tư theo quy định pháp luật và làm cơ sở triển khai thủ tục tiếp theo. Trong khi đó, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, thì chủ đầu tư dự án phải tự mình làm hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện ĐTM trong giai đoạn chuẩn bị dự án và chịu trách nhiệm về việc thực hiện ĐTM.
“Đây là một vấn đề rất bất cập trong việc áp dụng luật mà nhiều địa phương đã gặp phải trên thực tế”, ông Long nói.
Tuy nhiên, tại nội dung Giấy CNĐKĐT do Sở KH&ĐT Hải Dương cấp cũng đã nêu rõ một trong các trách nhiệm của nhà đầu tư là phải “thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trước khi triển khai dự án…”.
Trường hợp nhà đầu tư không chấp hành các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, trong quá trình triển khai Dự án và các nội dung của Giấy CNĐKĐT đã được cấp, Sở KH&ĐT Hải Dương sẽ lập báo cáo trình UBND tỉnh xem xét thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời thu hồi Giấy CNĐKĐT đã cấp.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương khẳng định, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Dự án, nếu nhà đầu tư vi phạm, gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân, Hải Dương sẽ kiên quyết yêu cầu đóng cửa Nhà máy và dừng Dự án.
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện tại huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) có quy mô vốn đầu tư 45 triệu USD, công suất 500 tấn/ngày đêm, phát điện 9 MW-10 MW. Công nghệ đốt rác và phát điện của Nhà máy bằng lò ghi cơ học kiểu Warerleau của Bỉ đã được cấp bằng sáng chế. Ưu điểm của công nghệ lò đốt này thích ứng với độ ẩm cao của chất thải rắn, không cần phân loại rác đầu vào, tự động đảo trộn.