Dự án nghỉ dưỡng... không nghỉ ngơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chấp nhận “sống chung với Covid-19” không có nghĩa các doanh nghiệp phát triển dự án nghỉ dưỡng phải gồng mình chống dịch một cách vô điều kiện, mà là tìm hướng đi mới để nhanh chóng thích ứng thực tiễn.
Thị trường du lịch nghỉ dưỡng vẫn rất giàu tiềm năng. Ảnh: Dũng Minh Thị trường du lịch nghỉ dưỡng vẫn rất giàu tiềm năng. Ảnh: Dũng Minh

Cơm chưa nấu, gạo còn đó

Không hề chùn tay giữa lúc ngành du lịch chao đảo hơn với làn sóng Covid thứ 4, ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch HĐQT MBLand cùng các cộng sự đang tất bật với dự án nghỉ dưỡng đã ấp ủ khá lâu ở Hạ Long, Quảng Ninh. Theo ông Long, trước mắt, thị trường du lịch nghỉ dưỡng đang đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng về lâu dài vẫn rất tiềm năng, chỉ cần có cơ hội là sẽ bật dậy và việc tiêm ngừa vắc-xin rộng rãi trong thời gian tới chính là cơ hội đó. Vì vậy, việc đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án ngay từ bây giờ là điều cần thiết để tận dụng lợi thế ngay khi thị trường hồi phục trở lại.

“Biến cố như Covid-19 xảy đến khiến các làn gió đổi chiều và sinh ra làn gió mới tích cực, điển hình là sự trỗi dậy của những xu hướng mới về trải nghiệm nghỉ dưỡng”, ông Long ví von khi nói đến sự thay đổi của những xu hướng nghỉ dưỡng mới như “MICE”, “Detox”, “Wellness - Tourism”, đặc biệt là “Staycation” có thể thay đổi cách nhìn và hướng phát triển các dự án nghỉ dưỡng của nhiều nhà phát triển vào thời điểm hiện tại.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh trong suốt năm 2020, nhưng chỉ vài tháng ngắn ngủi khi dịch được kiểm soát, lượng khách du lịch đã tăng ấn tượng, trong đó riêng lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, tương đương 66% lượng khách nội địa năm 2019.

Công suất sử dụng phòng khách sạn ở nhiều địa phương từ trên núi xuống dưới biển như Đà Lạt, Sa Pa, Sầm Sơn, Hạ Long, Phú Quốc, Quy Nhơn... đạt trung bình 50%, ngày cao điểm cuối tuần đạt tới 80-90%. Nhu cầu nghỉ dưỡng tăng mạnh kéo theo hiệu quả kinh doanh được cải thiện đối với những nhà đầu tư kiên trì với bất động sản nghỉ dưỡng.

Như chia sẻ của ông Trương Xuân Quý, Giám đốc Flamingo Land cho biết, trong năm qua, sau mỗi đợt Covid-19 được khống chế, mỗi tuần khu nghỉ dưỡng này đón khoảng 4.000 khách du lịch và một biệt thự nghỉ dưỡng có giá bán 7 tỷ đồng tại đây có thể mang lại 150 triệu đồng mỗi tháng cho chủ sở hữu sau khi trừ đi chi phí. Điều này giải thích vì sao năm qua Flamingo Đại Lải nằm trong số ít dự án nghỉ dưỡng có thanh khoản tốt nhất miền Bắc.

Mới nhất, vào trung tuần tháng 5/2021, Flamingo Đại Lải tiếp tục mở bán cụm biệt thự Đỗ Quyên và Bách Thanh và theo chia sẻ của chủ đầu tư, sức hút của dự án vẫn rất khả quan không chỉ bởi hiệu quả khai thác kinh doanh, mà còn vì mô hình nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe mới gây hứng thú với nhà đầu tư.

Tương tự, ông Lương Sĩ Khoa, Phó tổng giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Nam Group, đơn vị phát triển dự án Thanh Long Bay tại Phan Thiết - Bình Thuận, cũng có góc nhìn lạc quan về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở thời điểm hiện tại. Theo ông Khoa, xung lực thị trường nghỉ dưỡng vẫn tốt với nhu cầu nghỉ dưỡng ngày một tăng của du khách khi dịch kiểm soát tốt, đặc biệt khách nội địa. Như ông Khoa chia sẻ, trong tháng 4/2021, đơn vị này đã đón hơn 1.500 lượt khách đến tìm hiểu dự án Thanh Long Bay, tăng khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thế hệ Millennials sẵn sàng chi tiền cho những trải nghiệm thực sự có giá trị và độc đáo. Ảnh: Shutterstock

Thế hệ Millennials sẵn sàng chi tiền cho những trải nghiệm thực sự có giá trị và độc đáo.

Ảnh: Shutterstock

Chiến lược "khác biệt hóa" sản phẩm nghỉ dưỡng

Khi đã thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, nhiều chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu lên kế hoạch cho sự quay trở lại và không khó để nhận thấy một sự thay đổi rõ nét về xu hướng nghỉ dưỡng, đó là việc giãn cách xã hội đã thúc đẩy nhu cầu du lịch tại chỗ (stay cation) ngay trong khuôn viên các dự án, thay vì phải đi lại và tiếp xúc với nhiều người.

Công bố gần đây cho thấy, 78% thế hệ Millennials sẵn sàng chi tiền cho những trải nghiệm thực sự có giá trị và có một không hai (one of a kind). Khái niệm này nói tới việc du khách thích tận hưởng kỳ nghỉ tại các khách sạn, resort sang trọng, tiện nghi, ưu tiên kết nối hơn là di chuyển. Họ mong muốn sẽ không phải dành nhiều thời gian để dịch chuyển, sắp xếp, lên kế hoạch dài ngày cho kỳ nghỉ mà vẫn có được không gian thư giãn, giải trí tuyệt vời với nhiều trải nghiệm độc đáo.

Theo ông Đinh Thế Quỳnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hải Phát, đơn vị đang triển khai dự án The Seahara Bình Thuận, điều này ảnh hưởng rõ rệt đến cách các nhà phát triển dự án kiến tạo các giá trị cho sản phẩm của mình, trong đó phong cách kiến trúc, nội thất được đặc biệt chú trọng, tiện ích được “đo ni đóng giày” theo “gu” của du khách và không thể thiếu các dịch vụ đa trải nghiệm, đáp ứng mọi nhu cầu nghỉ dưỡng, làm việc, giải trí. Theo đó, những dự án đầu tư theo dạng quần thể, tích hợp du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng… với chất lượng cao và đầy đủ pháp lý sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, thực tế có nhiều người cho rằng đây là cơ hội cho những nhà đầu tư sở hữu nguồn vốn dồi dào, bởi khó có thời điểm nào tốt hơn hiện nay để tiếp cận được nguồn cung lớn với giá bán hấp dẫn cùng lãi suất thấp. Tuy nhiên, họ cũng sẽ chọn lọc kỹ càng hơn trong từng dự án và với tư duy cởi mở, họ đặc biệt quan tâm tới những dự án đề cao tư duy sống “xanh”.

“Đây là bài toán đặt ra cho các các nhà phát triển dự án nghỉ dưỡng trong thời gian tới để từ đó tìm lại lợi thế của mình cũng như tận dụng cơ hội khi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục. Chỉ những dự án theo dạng quần thể, tích hợp cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng và mua sắm hay các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng mới mới có thể có thanh khoản tốt ở thời điểm này”, ông Đính nói.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Tổng giám đốc BHS Group cho rằng, để có thể triển khai các dự án nghỉ dưỡng thành công cũng như tăng sức hút khách hàng, các nhà phát triển dự án cần quan tâm hơn tới việc thiết lập tính sở hữu lâu dài cho các dự án. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách bán hàng kiểu mới, thay vì thuần túy là nhà đầu tư (investor) như trước, trong đó có thể cân nhắc hướng một phần tới đối tượng người dùng - khách du lịch (end-user) với sự cho phép chủ động thiết kế theo nhu cầu của khách hàng, từ đó có thể giảm các chi phí đầu tư, gia tăng tính hấp dẫn và mới lạ của dự án.

Linh Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục