Dự án May Tinh Lợi: Chung một khu đất, 3 dự án lỡ làng

Đã được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng Dự án May Tinh Lợi 3 và 2 dự án khác chưa thể triển khai, bởi các dự án này cùng được phép đầu tư trên một khu đất.
Dự án May Tinh Lợi 2 tại Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương) đi vào hoạt động từ năm 2014 Dự án May Tinh Lợi 2 tại Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương) đi vào hoạt động từ năm 2014

May Tinh Lợi đón tin mừng

Sau hơn 1 năm theo đuổi, cuối cùng, Công ty TNHH May Tinh Lợi (thuộc Tập đoàn Crystal - Hồng Kông) đã được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tưDự án May Tinh Lợi 3 tại Cụm công nghiệp Nguyên Giáp (Tứ Kỳ Hải Dương).

Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư hơn 1.683 tỷ đồng (tương đương 74 triệu USD), chuyên gia công các loại sản phẩm may mặc như nguyên liệu dệt, dệt kim, len… và sẽ được xây dựng trên diện tích 25 ha đất. Dự án được phép hoạt động trong vòng 50 năm, kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư.

Thực ra, việc “chấp thuận chủ trương đầu tư” này mới chỉ được nhắc tới trong văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái trong một cuộc họp liên quan đến dự án này vào tháng 8 vừa qua. Hai tháng nay, chưa có thêm “động tĩnh” nào liên quan đến dự án này. Quyết định chính thức về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cũng chưa được ban hành, vì còn những vướng mắc phát sinh liên quan đến khu đất mà Tinh Lợi dự kiến xây dựng nhà máy.

Tinh Lợi bắt đầu đầu tư tại Hải Dương từ tháng 3/2003, với nhà máy đầu tiên được xây dựng tại KCN Nam Sách (Hải Dương), vốn đầu tư trên 64 triệu USD. Nhà máy thứ hai được xây dựng tại KCN Lai Vu (huyện Kim Thành) vào năm 2013, bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 8/2014, với tổng vốn đầu tư 124 triệu USD. 

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, May Tinh Lợi quyết định xây dựng thêm nhà máy và địa điểm mà công ty này nhắm tới là Cụm công nghiệp Nguyên Giáp. Thực ra, trước khi quyết định đầu tư tại KCN Lai Vu vào nằm 2013, thì May Tinh Lợi đã định xây dựng nhà máy ở Cụm công nghiệp Nguyên Giáp. 

Vấn đề là các doanh nghiệp phải có tinh thần hợp tác, cùng tỉnh tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.   

Theo thông tin từ ông Chin Kwee Seng, Giám đốc Điều hành Công ty May Tinh Lợi, May Tinh Lợi và Công ty Dệt Pacific (cũng thuộc Tập đoàn Crystal - PV) đã bắt đầu xúc tiến việc giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Nguyên Giáp từ năm 2011. Khi ấy, May Tinh Lợi đã tạm ứng 80 tỷ đồng giúp tỉnh Hải Dương giải phóng mặt bằng và đền bù cho người dân. Tuy nhiên, do việc giải phóng mặt bằng trong những năm 2011 - 2013 không thành, May Tinh Lợi đã quyết định chuyển nhà máy sang KCN Lai Vu.

Sau khi chuyển nhà máy về KCN Lai Vu, May Tinh Lợi đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Hải Dương thu xếp hoàn trả khoản tiền 80 tỷ đồng mà Công ty đã ứng trước, nhưng vẫn chưa nhận lại được. Giờ đây, khi muốn tiếp tục mở rộng sản xuất, May Tinh Lợi lại đề nghị được thuê đất, xây nhà máy tại Cụm công nghiệp Nguyên Giáp. Cũng vì thế, vướng mắc bắt đầu nảy sinh.

Nhiều dự án gặp khó vì chung một khu đất

Vướng mắc nằm ở chỗ, sau khi May Tinh Lợi quyết định chuyển đầu tư về KCN Lai Vu, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định cho Công ty TNHH Mạnh Toàn, Công ty TNHH Taisieh và cả Công ty Giày An Hưng đầu tư tại Cụm công nghiệp Nguyên Giáp.

Trong đó, Công ty Mạnh Toàn được UBND tỉnh Hải Dương cho phép đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm đồ nhựa xuất khẩu vào tháng 8/2017. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 145 tỷ đồng và được sử dụng 63.898 m2 đất trong Cụm công nghiệp Nguyên Giáp. Cùng thời điểm này, Công ty TNHH Taisieh (chủ sở hữu là Công ty Best Accord Limited - Samoa) được phép đầu tư tại Cụm công nghiệp Nguyên Giáp, với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, sử dụng 24.000 m2.

Để đảm bảo tiến độ, cả hai công ty này đã nhanh chóng chuẩn bị thủ tục đầu tư, lo thiết kế thi công nhà máy, thậm chí mua bán máy móc. Nhưng đáng tiếc là đến nay, cả hai dự án này đều chưa nhận được đất để triển khai dự án. Lý do là chỉ sau đó ít lâu, May Tinh Lợi muốn quay trở về đầu tư tại Cụm công nghiệp Nguyên Giáp, nơi mà họ đã bỏ tiền ra để đền bù giải phóng mặt bằng.

May Tinh Lợi muốn tỉnh Hải Dương chuyển các công ty Taisieh, Mạnh Toàn, Giày An Hưng sang địa điểm khác. Trong khi đó, ngoài An Hưng sẵn sàng chuyển sang vị trí khác, thì Mạnh Toàn và Taisieh vẫn muốn được đầu tư trên khu đất mà họ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Theo ông Kuo Chang-Pei, Tổng giám đốc Công ty Taisieh, Công ty đã bỏ ra 50 tỷ đồng để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy, nhưng mặt bằng thì vẫn chưa có. 

Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ khó khăn liên quan đến vấn đề này. Có nhiều đề xuất được đưa ra, như giữ nguyên vị trí đầu tư dự án của Công ty Mạnh Toàn và Công ty TNHH Taisieh, đề nghị Công ty Tinh Lợi chuyển sang vị trí khác; điều chỉnh vị trí thuê đất của Công ty Mạnh Toàn và Công ty TNHH Taisieh sang vị trí khác trong Cụm công nghiệp Nguyên Giáp; quy hoạch một cụm công nghiệp mới để di chuyển hai dự án trên... Dù vậy, đến nay, khó khăn của các doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết.

Theo ông Vương Đức Sáng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, việc tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Mạnh Toàn Plastic và Công ty Taisieh tại Cụm công nghiệp Nguyên Giáp là “tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai”. Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp phải có tinh thần hợp tác, cùng tỉnh tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Nếu không, dự án thêm lỡ làng, thiệt hại sẽ càng lớn.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục