Bài học nhãn tiền
Sáng 27/11, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa 4 bị can là nhân viên Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba ra xét xử sơ thẩm.
Theo đó, các bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (24 tuổi, quê Tiền Giang), Trần Quốc Tĩnh (24 tuổi, quê TP.Đà Nẵng), Huỳnh Ngọc Thiện (23 tuổi) và Phan Quỳnh Long (22 tuổi, cùng quê Gia Lai), cùng là nhân viên Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba bị đưa ra xét xử về các tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” và “gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại khoản 1 Điều 178 và điểm a, b khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Chiều cùng ngày, Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với các bị cáo. Theo đó, bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh lãnh án 3 năm 6 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng, 1 năm tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Tổng hình phạt 2 tội bị cáo Trinh phải chấp hành là 4 năm 6 tháng tù. Bị cáo Trần Quốc Tĩnh lãnh mức án 3 năm 9 tháng; bị cáo Huỳnh Ngọc Thiện và Phan Quỳnh Long cùng nhận mức án 2 năm 6 tháng tù, cùng cho cả 2 tội danh gây rối và làm hư hỏng tài sản.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng xác định việc Trinh kêu gọi, hò hét và chỉ đạo các nhân viên đập phá xe cuốc được chính quyền xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cử đến đến cưỡng chế vi phạm tại khu đất được Alibaba lập dự án trái phép là do ba anh em Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Địa ốc Alibaba), Nguyễn Thái Lực và Nguyễn Thái Lĩnh kích động, xúi giục.
Ba anh em này đã bị khởi tố, tạm giam để điều tra trong vụ án khác cũng như thời hạn tạm giam đối với các bị can Trinh, Tĩnh trong vụ án này đã hết nên cơ quan điều tra có quyết định tách vụ án hình sự để tiếp tục điều tra.
Trong một vụ việc khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận vừa có công văn hỏa tốc gửi gửi Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín, đề nghị tạm thời phong tỏa tài khoản của ông Nguyễn Hữu Kha, Giám đốc Công ty Hưng Thịnh Phát (trụ sở Công ty tại 447 Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú, quận 9, TP.HCM) để làm rõ hành vi lừa đảo, rao bán dự án ảo chiếm đoạt tiền khách hàng.
Theo đó, ông Kha bị tố cáo có hành vi lừa dối trong hợp đồng đặt cọc đất, nhận tiền cọc của khách hàng, lợi dụng lòng tin của người khác nhờ đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để chiếm đoạt tài sản.
Một dự án “ma” trên đường Lò Lu (quận 9) do Công ty Đại Phúc Real vẽ nên bị chính quyền địa phương cảnh báo
Chị Phượng, một trong những nạn nhân của Công ty Hưng Thịnh Phát cho biết, hồi đầu tháng 11, chị và rất đông khách hàng đã kéo đến Chi nhánh Công ty Hưng Thịnh Phát (Trương Hán Siêu, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) để yêu cầu trả lại tiền đã nộp mua đất nền.
“Tất cả họ đều là những nạn nhân của của công ty này, trong đó tôi đã đặt cọc, nộp 50% tiền mua đất, thậm chí có người nộp đến 95% tiền mua đất tại nhiều dự án tương tự. Người nộp ít nhất là hơn 400 triệu đồng và có nhiều khách đã nộp gần 5 tỷ đồng cho Công ty”, chị Phượng nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, từ cuối năm 2018 đến nay, Công ty Hưng Thịnh Phát đã mở bán ít nhất 10 dự án khu dân cư cao cấp với tên gọi ấn tượng như City 1, City 2, City 3; Hàm Liêm 1 - Hàm Liêm 5; Phong Nẫm; Hưng Thịnh Phát Residence Phan Thiết; Ma Lâm Diamond Town… Hàng trăm nền đất đã được Công ty “chốt hạ” và thu tiền.
Với cách thức hoạt động tương tự như Tập đoàn Địa ốc Alibaba, công ty này cũng quảng cáo rầm rộ bằng hình ảnh bắt mắt, tên gọi hấp dẫn, đưa ra chiêu bài trả lãi suất cao nếu chưa giao đất khiến khách hàng tin tưởng đầu tư dù chưa biết mặt mũi khu dân cư đó ra sao.
Thực tế, hầu hết dự án của công ty này đều là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, chưa có một dự án nào được cấp có thẩm quyền ở Bình Thuận đồng ý phê duyệt. Thậm chí, có dự án như Ma Lâm Diamond Town chỉ cách trụ sở UBND huyện và trụ sở Công an huyện Hàm Thuận Bắc 200 m.
Tại TP.HCM, cũng trong tháng 11, cơ quan cảnh sát điều tra TP.HCM đã bắt tạm giam bà Trần Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, bà Hạnh đã ký kết các hợp đồng nhằm thỏa thuận chuyển nhượng đất nền dự án không có thật và Công ty Hoàng Kim Land không được cấp phép là chủ đầu tư.
Ngoài ra, bà Hạnh còn thỏa thuận chuyển nhượng liên quan 4 căn nhà tại phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP.HCM). Cơ quan điều tra xác định những căn nhà này đều xây dựng sai phép.
Tổng hợp từ các thông báo chính thức của UBND các quận, huyện, trên địa bàn TP.HCM hiện có gần 20 công ty hoạt động hình thức bán dự án "ma" tương tự như cách thức lừa đảo của các công ty kể trên.
Điển hình như Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Tiến Thêm (trụ sở quận 12) phân lô trái phép dự án thuộc thửa đất số 101, 113, 114, 115 tờ bản đồ số 2 phường Thạnh Xuân (quận 12); Công ty TNHH Phát triển nhà ở Nabla Land (trụ sở quận Bình Tân) lừa bán thửa đất số 408, tờ bản đồ số 62 (quận 12); Công ty cổ phần Thiết kế Xây dựng Địa ốc Đại Phúc Real (trụ sở quận 9) đang phân lô trái phép dự án tại khu đất mặt tiền đường Lò Lu, phường Trường Thạnh (quận 9) với tên "Khu dân cư cao cấp Long Phụng 1.
Công ty Đất Vàng Hoàng Gia (trụ sở quận 1) đang bán trái phép khu đất thuộc quy hoạch đất giáo dục nằm tại mặt tiền đường Liên khu 5 - 6, đối diện cửa hàng Bách Hóa Xanh, phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân); Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nhà Năm Tài (quận Bình Tân) đang bán đất trái phép ở đường Kinh 2, khu phố 4, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân... Hàng loạt những cái tên kể trên đều đã được các cơ quan chính quyền chỉ mặt, điểm tên.
Giọt nước tràn ly
Sau hàng loạt những cái tên được đưa ra ánh sáng, nhà đầu tư dù rất muốn “rót tiền” mua đất nền cũng bắt đầu “chùn tay” vì sợ mua nhầm các dự án không có thật. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến những doanh nghiệp, các môi giới làm ăn chân chính.
Chị Thảo (sống tại quận 7, TP.HCM) cho hay, hiện chị đang tìm mua đất nền để đầu tư tại khu vực đường Dương Thị Giang, quận 12. Ban đầu, trao đổi với chị, nhân viên của Công ty Bất động sản Vũ Gia luôn dùng những “lời có cánh” về dự án của công ty này.
Tuy nhiên, sau khi thấy chính quyền và báo chí phản ánh về tình trạng mang đất quy hoạch ra phân lô bán nền tại khu vực quận 12, chị quyết định không đầu tư vào dự án của công ty này nữa. Thế nhưng, nhân viên công ty này lại tiếp tục mời chị đến đầu tư một dự án khác. Tuy nhiên, những cảnh báo của chính quyền về tình trạng dự án ma gần đây khiến chị cảnh giác, tạm dừng lại nghe ngóng.
Ở một vị trí khác, anh Phan Hiếu, nhân viên một sàn địa ốc lớn tại TP.HCM cho biết, các sàn, các nhân viên môi giới kinh doanh chân chính đang bị ảnh hưởng rất nặng từ những vụ việc lừa đảo bán dự án ma. Những vụ việc bị phanh phui khiến không chỉ những kẻ có ý định làm ăn chụp giật chùn tay, mà ngay cả những dự án có thật cũng khó bán hàng.
“Chưa có lần nào thị trường bất động sản phải lao đao, khách hàng mất niềm tin nặng nề như lần này. Nhiều công ty kinh doanh, môi giới bất động sản và nhân viên ở đó khó trăm bề khi tìm khách hàng. Chào bán đất nền dự án, đã cho khách xem đầy đủ hồ sơ pháp lý và giải thích cặn kẽ, chứng minh rằng dự án của mình đủ điều kiện giao dịch nhưng vẫn khó thuyết phục”, anh Hiếu nói.
Luật sư Võ Thiện Hiển, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, thời gian qua đã có rất nhiều cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về dự án “ma” nhưng người dân vẫn cứ sập bẫy. Điều này chứng tỏ nhiều người vẫn không chịu tiếp cận, tìm hiểu thông tin trước khi quyết định nên thiệt hại kinh tế trước mắt là do lỗi chủ quan của chính họ.
Thậm chí, UBND các quận, huyện tại TP.HCM đã cắm biển “Khu đất này không phải là đất dự án và không có phân lô, bán nền”, nhưng người dân vẫn cứ bất chấp để xuống tiền, đến khi vỡ lẽ thì lại tìm cách làm lớn chuyện, kiện tụng.
“Các sự việc vừa rồi cũng là tiếng chuông báo động thức tỉnh những người có tư duy đầu tư đất nền dễ dãi nhưng ảo tưởng thu về lợi nhuận cao”, ông Hiển nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com