Chuyện ai cũng biết
Vụ việc Công ty Alibaba bán dự án “ma” và chống lệnh cưỡng chế của chính quyền một số địa phương tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… vẫn chưa hết nóng thì các dự án "ma" lại tiếp tục rầm rộ xuất hiện ở nhiều quận/huyện vùng ven TP.HCM. Đây được cho là hệ quả của tâm lý ưa chuộng đất nền, quy định pháp luật còn kẽ hở và đặc biệt là sự lơ là giám sát của chính quyền địa phương.
Trước thực trạng dự án “ma” ngày càng bùng phát và có dấu hiệu vươn vòi bạch tuộc sang những địa phương lân cận, vừa qua tại kỳ họp HĐND TP.HCM, các đại biểu đã dành hơn 2 tiếng để bàn luận về thực trạng, giải pháp xử lý vấn đề nhức nhối này.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Tân Bình) trăn trở trước tình trạng mua bán dự án nhà đất “ảo” nở rộ tại các quận/huyện vùng ven. Theo bà Trâm, nhiều đối tượng vẽ dự án trên cả đất không phù hợp quy hoạch, thậm chí phân lô bán nền trên các khu đất công.
"Hàng ngàn khách hàng bị lừa mua dự án 'ma'. Đơn thư phản ánh, kêu cứu gửi đi khắp nơi nhưng những đơn vị bán dự án 'ma' vẫn bình chân như vại, không bị xử lý", bà Trâm bức xúc.
Vị đại biểu này còn nêu ví dụ, gần đây nhất là vụ việc tại một khu đất phường An Lạc (quận Bình Tân) vốn được quy hoạch công viên, nhưng Công ty Angel Lina vẫn vẽ lên đó dự án khu dân cư Triều An. Có khách hàng đặt cọc hơn 1 tỷ đồng, nhiều gia đình đã “tan cửa nát nhà” cũng vì bị lừa mua dự án.
Giải trình về thực trạng xuất hiện một số dự án ma trên địa bàn, ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, địa phương này đã chỉ đạo Công an huyện tăng cường theo dõi nắm tình hình.
Thời gian qua, Công an huyện tiếp nhận 5 vụ việc và đã kiến nghị Công an Thành phố sớm khởi tố các đối tượng lừa đảo mua bán đất đai. Hiện nay, huyện đã tiến hành xác minh hơn 100 trường hợp, nhưng thẩm quyền phía huyện không khởi tố được nên kiến nghị Công an Thành phố khởi tố để tăng sức mạnh răn đe.
Những nạn nhân của Công ty Angel Lina căng băng rôn đòi tiền
Trong khi đó, tại quận Bình Tân, Chủ tịch UBND quận Lê Văn Thịnh cho rằng, đối với dự án “ma”, thông thường một số doanh nghiệp tự làm quy hoạch, rồi công bố trên mạng rao bán với giá rẻ. Một số người dân ham giá rẻ nên chuyển nhượng mua bán. Theo thống kê, hiện trên địa bàn quận Bình Tân có 10 trường hợp.
“Trong thời gian tới, quận sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác, công khai quy hoạch và cảnh báo người dân về các khu đất quy hoạch công viên cây xanh, công trình công cộng mà địa phương chưa có điều kiện triển khai. Bên cạnh đó, UBND quận báo cáo UBND Thành phố và kiến nghị Công an Thành phố tiến hành điều tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, lừa đảo người dân”, ông Thịnh cho biết.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, những trường hợp cố tình vi phạm trong quá trình mua bán, sang nhượng đất đai chủ yếu thuộc 2 nhóm: đất đai không có giấy tờ, do người dân mua bán bằng giấy viết tay và những khu vực không có dự án.
Theo ông Hoan, những sai phạm của các đầu nậu, cò đất, môi giới là cố ý vi phạm, lôi kéo người dân, biến họ thành nạn nhân. Trong khi đó, TP.HCM hiện chưa có giải pháp xử lý các đối tượng này và chính điều đó đã tạo ra điểm nóng trên địa bàn, khiến nhiều người dân bức xúc.
“Phải xử lý nghiêm minh các đầu nậu, cò đất, môi giới đất làm ăn gian dối như trên, cần thiết cũng phải xử lý hình sự để răn đe”, ông Hoan khẳng định.
“Dự án ma” vẫn lộng hành
Sau 3 ngày kể từ khi kết thúc kỳ họp HĐND TP.HCM khóa IX, trưa ngày 16/7 vừa qua, gần một trăm người được xem là nạn nhân của Công ty Angel Lina đã tập trung trước trụ sở công ty này tại địa chỉ số 22B Phùng Khắc Hoan, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM.
Hầu hết các băng rôn có nội dung tố cáo bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty Angel Lina lừa đảo, yêu cầu công ty này phải trả lại tiền cho khách hàng; cầu cứu lãnh đạo Thành phố can thiệp...
Ông Nguyễn Xuân Thiệu, một trong những nạn nhân của vụ lừa đảo trên cho biết: “Ngày 27/3/2018, Công ty Angel Lina ký hợp đồng góp vốn, bán cho tôi lô đất B.12 diện tích 60 m2, thuộc dự án Khu dân cư Liên khu 5 - 6, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, với giá 31 triệu đồng/m2. Tổng số tiền phải đóng là 1,860 tỷ đồng. Ngay sau khi ký hợp đồng, tôi đã nộp tiền 6 đợt nhưng chờ mãi không thấy đất của mình ở đâu, trong khi nghe nhiều người khẳng định đã bị lừa”.
Theo bản hợp đồng góp vốn giữa Công ty Angel Lina với ông Thiệu, tại điều 3 nêu, trong vòng 12 tháng kể từ khi bên B (tức ông Thiệu) góp đủ vốn cho bên A (Công ty Angel Lina), thì bên A có trách nhiệm bàn giao đất, thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để đăng ký quyền sử dụng đất, giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên B.
Thế nhưng, từ ngày 27/3/2018 đến 27/5/2019, sau khi đã nộp đủ tiền và đã quá thời hạn trong hợp đồng, Công ty Angel Lina vẫn không có đất để giao cho ông Thiệu. Vì vậy, ông Thiệu liên tục đến Công ty để yêu cầu phải thực hiện đúng hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, bà Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty Angel Lina luôn lẩn tránh. Thay vào đó, bà Trần Thị Thùy Mai, Phó giám đốc tiếp và yêu cầu ông Thiệu thanh lý hợp đồng, nhưng sau… 90 ngày mới trả tiền.
Không chỉ trường hợp của ông Thiệu, mà gần một trăm người cũng đang là nạn nhân tương tự của vụ lừa đảo trên. Các nạn nhân cho biết, nếu như cách đây 1 tháng, họ đến căng băng rôn đòi tiền thì sẽ có một nhóm bảo vệ của Công ty ra “trấn áp”. Còn bây giờ trụ sở chính đã cửa đóng then cài, liên hệ với các đầu mối liên quan đều bặt vô âm tín.
Liên quan đến những dự án “ma” của Angel Lina tại quận Bình Tân, ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó chủ tịch UBND quận cho biết, khi phát hiện có giao dịch mua bán đất tại khu vực thuộc phường An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM), quận đã treo thông báo cảnh báo. Tuy nhiên, chỉ sau 1 đêm, không hiểu lý do vì sao cảnh báo đã bị tháo đi. Còn với những nạn nhân nói trên, khi sự việc vỡ lở, hành trình dài đòi lại số tiền mồ hôi nước mắt chưa biết khi nào mới về đến đích.
Trên thực tế, hệ lụy từ những dự án “ma” có thể thấy nhãn tiền nhưng không hiểu vì một lý do nào đó mà những dự án này lại xuất hiện ngày càng nhiều. Điều khó hiểu hơn là đến bây giờ các doanh nghiệp lừa đảo người tiêu dùng bằng các dự án bánh vẽ vẫn ung dung nằm ngoài vòng pháp luật, bẫy người dân hết dự án này đến dự án khác.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, để làm được một mô hình mà nhiều chuyên gia tạm gọi là “biến tướng kinh doanh bất động sản” này, nguyên nhân một phần do kẽ hở của pháp luật và sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Cũng chính vì vậy mà việc xử lý các công ty bán dự án “ma” dường như đang gặp rất nhiều khó khăn, còn người tiêu dùng thì ngày càng mất niềm tin vào thị trường.
Còn luật sư Nguyễn Hoàng Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, việc các cò đất, công ty môi giới bất động sản ngang nhiên vẽ dự án “ma”, rao bán là trái pháp luật. Tuy nhiên, cách xử lý của các cơ quan chức năng hiện nay chủ yếu mang tính chất tuyên truyền, giải quyết hậu quả, trong khi lẽ ra phải có giải pháp ngăn chặn ngay từ đầu hoặc xử lý nghiêm một vài vụ để tăng tác dụng răn đe với những đối tượng khác.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com