Dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm: Kỳ vọng khơi thông dòng vốn

(ĐTCK-online) Việc doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một phần là do ngân hàng không dám cho vay, vì tài sản của DN không được đăng ký giao dịch bảo đảm.
Khi được đăng ký giao dịch bảo đảm, doanh nghiệp sẽ vay vốn ngân hàng dễ dàng hơn Ảnh: Đ.T

Theo số liệu của Bộ Tư pháp, sau 5 năm thực hiện Nghị định 08/2000/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm (GDBĐ), cơ quan đăng ký GDBĐ thuộc Bộ Tư pháp đã đăng ký đối với tài sản là động sản lên đến con số gần 300.000, với tốc độ đăng ký tăng bình quân 150 - 170%/năm. Các phòng tài nguyên - môi trường và sở tài nguyên - môi trường cũng đã đăng ký GDBĐ đối với bất động sản và nhà ở đạt 1,8 triệu tài sản.

Còn theo thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải, trong 5 năm qua, số lượng tài sản đăng ký GDBĐ để thực hiện cầm cố, thế chấp là 630 tàu biển, tạo ra nguồn vốn lưu động đáng kể cho các DN vận tải biển, đáp ứng nhu cầu phát triển của loại hình vận tải biển trong thời gian vừa qua. Cũng theo số liệu của Bộ Giao thông - Vận tải, hiện có 40 máy bay đã đăng ký GDBĐ. Dự báo, số lượng máy bay đăng ký GDBĐ trong thời gian tới sẽ tăng mạnh, do có sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân.

Số lượng GDBĐ được đăng ký ngày càng tăng, tạo ra nguồn thông tin phong phú, giúp minh bạch hoá thị trường tài chính - tín dụng. Tuy nhiên, hệ thống văn bản về đăng ký GDBĐ còn rất phân tán (Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hàng không dân dụng, Luật Hàng hải...), nên hạn chế sự hình thành và vận động của thị trường tài chính. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đăng ký GDBĐ, mà còn dẫn đến những khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân khi yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về GDBĐ”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định.

Tình trạng DN thiếu vốn nhưng rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một phần do ngân hàng không dám cho vay, vì tài sản của DN không được đăng ký GDBĐ. Chính vì vậy, theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, việc thông qua Luật Đăng ký GDBĐ không chỉ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhờ khả năng huy động tối đa nguồn vốn trong xã hội khi tài sản DN sử dụng để cầm cố, thế chấp được minh bạch, các tổ chức tín dụng không phải đắn đo khi cho vay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng, trong tình trạng có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật cùng quy định về một nội dung, thì ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng khó có thể nắm chắc trường hợp nào thì cần đăng ký GDBĐ, tài sản khi đăng ký GDBĐ được thực hiện những quyền hạn gì và phải thực hiện những nghĩa vụ gì khi có tranh chấp xảy ra. “Để tạo điều kiện huy động tài sản của tổ chức, cá nhân, DN tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo ra tài sản cho xã hội, cần phải xây dựng một văn bản pháp lý thống nhất điều chỉnh hoạt động này. Việc mọi tài sản tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh được đăng ký công khai, minh bạch sẽ giảm thiểu rủi ro cho tổ chức, cá nhân khi có tranh chấp xảy ra”, bà Thu Ba phát biểu.

Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 11, khi thảo luật về Dự án Luật đăng ký GDBĐ, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chưa cần thiết phải xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này. “Nếu đặt vấn đề thực hiện đăng ký GDBĐ là nhằm cung cấp thông tin về GDBĐ, về tài sản phục vụ nhu cầu của xã hội thì cần cân nhắc toàn diện hơn”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận phát biểu.

Vẫn theo ông Thuận, nếu xem hoạt động này là nhằm cung ứng dịch vụ cho xã hội thì Nhà nước có nên đứng ra thực hiện hết, hay nên xã hội hoá, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân hình thành các dịch vụ phục vụ cho chính nhu cầu của mình? Ví dụ, Hiệp hội Kinh doanh bất động sản có thể tổ chức và tiến hành cung cấp dịch vụ đăng ký đối với các giao dịch được bảo đảm bằng bất động sản, Hiệp hội Ngân hàng có thể tổ chức và tiến hành cung cấp dịch vụ đăng ký đối với tất cả các loại GDBĐ mà ngân hàng nhận cầm cố, thế chấp... “Nhà nước không nên trực tiếp đứng ra tổ chức các hoạt động này, không nên đặt ra những thủ tục mang tính bắt buộc như quy định về phí, lệ phí. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu về GDBĐ vừa gây tốn kém, vừa thêm thủ tục phiền hà, lãng phí thời gian cho tổ chức, cá nhân”, ông Thuận phát biểu và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đưa Luật Đăng ký GDBĐ vào nội dung của kỳ họp Quốc hội thứ 4 tới.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, do tính phức tạp của Dự án Luật Đăng ký GDBĐ và còn nhiều quan điểm khác nhau, nên để tạo sự thống nhất, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp) và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa.

Hàn Tín
Hàn Tín

Tin cùng chuyên mục