Đặt câu hỏi này là dễ hiểu trong bối cảnh địa phương lân cận với Phú Yên là Bình Định vừa quyết định không xúc tiến đầu tư Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội nữa, đồng thời kiến nghị Chính phủ đưa Dự án ra khỏi quy hoạch phát triển ngành dầu khí.
Thậm chí, Bình Định còn quyết định không thu hút đầu tư các dự án lọc dầu vào Khu kinh tế Nhơn Hội.
Thêm nữa, trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục ở mức thấp, cũng dễ hiểu khi các nhà đầu tư đã không còn mặn mà với các dự án lọc hóa dầu.
Ở Việt Nam, ngoài Lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động và Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn đang trong quá trình triển khai, thì các dự án lọc hóa dầu còn lại đều đang án binh bất động. Gazprom Neft (Nga) hồi đầu năm 2016 đã chính thức tuyên bố dừng đàm phán mua lại 49% cổ phần tại Lọc dầu Dung Quất. Còn giữa năm nay, sau khi Saudi Aramco rút khỏi việc theo đuổi Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội, thì Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) cũng tuyên bố “tạm ngừng cuộc chơi”.
Liệu Vũng Rô Petroleum có vì thế mà ngập ngừng?
Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2008, sau đó tiếp tục tăng vốn đầu tư, Dự án Lọc dầu Vũng Rô có vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD, công suất 8 triệu tấn/năm và bao gồm cả xây dựng cảng Bãi Gốc. Dự án có diện tích đất sử dụng 538 ha, trong đó, 404 ha để xây dựng nhà máy và 134 ha (chưa tính tới phần diện tích lấn biển) để xây dựng cảng Bãi Gốc. Ngoài ra, Dự án còn được phê duyệt sử dụng 500 - 1.300 ha diện tích mặt nước.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm, Dự án chưa được triển khai. Nói đúng hơn, vào năm 2014, Vũng Rô Petroleum đã động thổ, song cho đến nay thì vẫn chưa chính thức khởi công.
Chuyện Dự án chậm khởi công, lâu nay một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Song gần đây, cũng có những quan điểm cho rằng, chủ đầu tư đang trì hoãn triển khai là do đồng rúp mất giá, khiến việc đầu tư Dự án trở nên đắt đỏ hơn. Mặc dù Technostar Management Limited, tập đoàn đứng ra thành lập Vũng Rô Petroleum, có trụ sở tại Anh, nhưng thực tế lại do một nhóm nhà đầu tư từ Nga lập ra để đầu tư vào Việt Nam.
Đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án này, bởi một khi Dự án đi vào hoạt động, kinh tế - xã hội của Phú Yên sẽ thay đổi đáng kể, thu ngân sách của tỉnh vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, nên lãnh đạo Phú Yên đã rất nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai Dự án. Thậm chí cuối tháng 5 vừa qua, Phú Yên còn ban hành Chương trình hành động hỗ trợ Dự án Lọc dầu Vũng Rô. Một tuyến đường phục vụ Dự án cũng đã được khởi công từ tháng 8 năm ngoái. Phú Yên đang làm mọi việc để Dự án có thể triển khai trong năm nay.
Tuy nhiên, kỳ vọng có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm của chủ đầu tư. Được biết, tháng 3/2016, khi rất nhiều cử tri Phú Yên sốt ruột hỏi tiến độ triển khai Dự án Lọc dầu Vũng Rô, thì câu trả lời từ phía lãnh đạo tỉnh là hiện Dự án đã thực hiện xong công tác khảo sát đo đạc địa hình, khảo sát địa chất toàn bộ diện tích 1.027 ha; thỏa thuận thông số quy hoạch khu vực nhà máy, khu vực cảng Bãi Gốc và bãi thải vật liệu; khảo sát lựa chọn và giới thiệu các mỏ vật liệu phục vụ cho việc thi công xây dựng nhà máy; đã tiến hành thi công rà phá bom mìn được 134 ha; hợp đồng với các đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhà máy và cảng Bãi Gốc, thiết kế quy hoạch cảng Bãi Gốc; hợp đồng thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) và thư mời thầu theo hình thức tổng thầu (EPC) cho nhà thầu JGC Nhật Bản…
“Theo cam kết của nhà đầu tư sẽ đưa Dự án vận hành vào quý I/2019”, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết.