Dự án Làng Việt kiều châu Âu: Manh nha cuộc chiến pháp lý (bài 2)

Ngày 12/4, ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc Công ty TSQ Việt Nam đã có văn bản giải thích về đơn kiến nghị của khách hàng. Những “giải trình” này ngay lập tức bị nhà đầu tư phản đối…
Bài 2: Chủ dự án quanh co
TSQ thừa nhận sử dụng thép của Trung Quốc trong thi công Dự án Làng Việt kiều châu Âu. Ảnh: H.T TSQ thừa nhận sử dụng thép của Trung Quốc trong thi công Dự án Làng Việt kiều châu Âu. Ảnh: H.T

Bài 1: Đột nhập công trường Euroland!

Giải thích của TSQ

 

Theo ông Nguyễn Văn Yên, do Công ty TSQ là công ty đầu tư thứ cấp nên việc giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng là do Ban quản lý Dự án Khu đô thị Mỗ Lao (thuộc UBND tỉnh Hà Tây cũ) làm chủ đầu tư. Cho đến ngày 14/12/2009, Dự án vẫn chưa được bàn giao hết 3.052,58 m2 mặt bằng và diện tích bị ảnh hưởng do chưa có hạ tầng kỹ thuật nên chưa triển khai được xây dựng là 17.970,42 m2. Việc sáp nhập địa giới hành chính cũng làm cho toàn bộ Dự án Khu đô thị Mỗ Lao bị ngưng trệ. “Có lẽ đây là điều kiện bất khả kháng vì Công ty chúng tôi không thể trực tiếp giải quyết được những khó khăn trên”, ông Yên cho biết.

 

Về việc TSQ thay đổi kết cấu và thiết kế, đại diện TSQ khẳng định: “Chúng tôi xin cam đoan rằng, hình thái và tổng quan kiến trúc không có gì thay đổi so với thiết kế ban đầu. Tất cả vật tư đưa vào công trình đều có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), giấy kiểm định chất lượng sản phẩm (CQ) của nhà sản xuất. Công việc này được nhà thi công chuyên nghiệp của Công ty Blue Scop chỉ định thi công. TSQ đã ký hợp đồng với công ty kiểm định chất lượng xây dựng độc lập để đánh giá công trình này có đảm bảo chất lượng và phù hợp với tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam hay không”.

 

Về những bức xúc liên quan tới vật liệu xây dựng, TSQ cho rằng, phụ lục 01 của hợp đồng mua bán nhà ở có ghi rõ phần “Mô tả các vật tư dự kiến” và mục 2 của ghi chú có ghi rõ: “chúng tôi có thể thay đổi các vật tư theo nguyên tắc thay thế bằng các loại vật tư có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ xây dựng ngôi nhà và tiến độ chung của Dự án, sự thay đổi đó sẽ không được báo trước cho khách hàng” (!?).

 

Đối với thép xây dựng, TSQ thừa nhận việc sử dụng thép của Trung Quốc là đúng sự thật. “Đúng là công ty mua thép của Trung Quốc, song hàng đều có nguồn gốc rất rõ ràng (C/O, CQ) trước khi mua và nhập về kho của Công ty”, ông Yên khẳng định. Còn việc khách hàng phản ứng đối với gạch bê tông tự đúc, TSQ cho rằng, số lượng gạch này chiếm 25-27%, không phải quá nhiều so với cả ngôi nhà.

 

Đối với phần cửa nhựa, TSQ giải trình là “đã ký hai hợp đồng sản xuất và lắp đặt cửa sổ cho Dự án Làng Việt kiều châu Âu TSQ” với Eurowindow, Artwindow. Cả hai loại sản phẩm này đều đạt được giải thưởng trong hội chợ về vật liệu xây dựng của Việt Nam. Tất cả các vật liệu, phụ kiện đều có C/O và CQ, đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.

 

Đối với việc tăng giá xây dựng, theo Hợp đồng mua bán nhà ở, tại mục 2.5 (phát sinh hợp đồng) có ghi rõ: “Trong thời gian Bên A thi công xây dựng nhà cho Bên B nếu xảy ra trượt giá lên hoặc xuống từ 2% trở lên thì Bên A thông báo cho bên B biết và giá trị hợp đồng mặc nhiên được tăng hoặc giảm theo thông báo của Bên A”. Hơn nữa, năm 2008 là năm giá cả vật liệu xây dựng tăng cao (có loại vật liệu tăng đến 200%, thậm chí 300% như gạch, cát…). Trước tình hình đó, Công ty đã huy động tất cả cán bộ tìm kiếm các nguồn vật tư trên cả nước có chất lượng và giá cả hợp lý để đưa vào xây dựng Dự án.

 

 

Đại diện khách hàng “phản pháo”

 

Ngay sau khi có “giải trình” của TSQ, ông Nguyễn Hữu Chiến, Trưởng ban Đại diện khách hàng Euroland cho biết, về cơ bản, những điều TSQ đã giải trình là... sai sự thật.

 

Theo ông, đối với việc chậm giải phóng mặt bằng, nếu TSQ chưa được bàn giao giải phóng mặt bằng mà đã ký hợp đồng với khách hàng là hành vi trái với quy định của pháp luật và khách hàng không thể chấp nhận điều này. Ông Chiến cho biết, tại thời điểm đó, đã có một số diện tích mặt bằng được giao và TSQ đã khởi công Dự án vào tháng  5/2008.

 

Vẫn theo ông Chiến, TSQ cho rằng, việc sáp nhập Hà Tây về Hà Nội gây khó khăn cho giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ, nhưng TSQ không có bất kỳ văn bản, thông báo nào cho khách hàng. TSQ cho rằng, đây là trường hợp bất khả kháng. Hơn nữa, trường hợp bất khả kháng là do thiên tai, hoả hoạn, chiến tranh và có thể do thay đổi chính sách của Việt Nam, nhưng TSQ không hề có văn bản về bất cứ trường hợp bất khả kháng nào mà giải trình là “có lẽ là do bất khả kháng” là không thuyết phục.

 

Luật Xây dựng đã quy định, việc chậm tiến độ công trình xây dựng do bất khả kháng như thiên tai, địch họa và những hành động của chính phủ thì khách hàng phải chịu. Nếu như chậm tiến độ không phải do bất khả kháng thì Công ty TSQ phải chịu trách nhiệm.

 

Về vấn đề thay đổi thiết kế, TSQ đã thay đổi mái bê tông bằng hệ thống mái nhẹ của Blue Scop, thay đổi gỗ tự nhiên thành cửa khung nhựa kính. Hai việc này đã thay đổi thiết kế, vi phạm hợp đồng, vì theo hợp đồng, không được thay đổi thiết kế nếu không có sự đồng ý của hai bên. Nếu TSQ muốn thay đổi thiết kế phải bàn bạc với khách hàng, nhưng rõ ràng, TSQ đã tự ý thay đổi thiết kế mà khách hàng không hề hay biết.

 

Về thay đổi vật liệu, hợp đồng có nói, trong trường hợp cần thiết, TSQ có thể thay đổi vật tư, nhưng để đảm bảo tiến độ dự án, Công ty có thể thay mà không phải báo với khách hàng. Điều này không thuyết phục vì tiến độ dự án đã chậm 15 tháng, vì vậy, TSQ có thừa thời gian để thông báo với khách hàng...

 

Về vấn đề tăng giá xấp xỉ 40%, theo Ban đại diện khách hàng, do khách hàng đã đóng ngay 70% giá trị hợp đồng mua nhà, nên chủ đầu tư không thể nói đến chuyện trượt giá. Trong xây dựng, số tiền 70% giá trị của dự toán là đủ để nhà thầu mua ngay các vật liệu chính. Nếu TSQ giữ lại số tiền đó thì khi xảy ra trượt giá, Công ty sẽ phải chịu trách nhiệm.

 

Bài 3: Sẵn sàng cho một “cuộc chiến pháp lý”!

Hữu Tuấn - Đầu tư
Hữu Tuấn - Đầu tư

Tin cùng chuyên mục