Dự án Khu nhà ở cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM: 15 năm hoang phế, sai phạm giăng đầy

Được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2001, nhưng đến nay đã 15 năm, Dự án Khu nhà ở cho cán bộ giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn nằm trên giấy.
Dự án Khu nhà ở cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM: 15 năm hoang phế, sai phạm giăng đầy

Sai phạm của chủ đầu tư và chủ nhiệm điều hành Dự án

Tháng 7/2001, UBND TP.HCM đã có chủ trương chấp thuận xây dựng Dự án Khu nhà ở cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM tại phường Phú Hữu, quận 9 (gọi tắt là Dự án 245). Dự án có quy mô trên 80 ha, tổng mức đầu tư được phê duyệt là 1.263 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn I (2001 - 2009) và giai đoạn II (2009 - 2013). Công đoàn Đại học Quốc gia TP.HCM làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật công nghệ môi trường Sài Gòn (EDICO) làm chủ nhiệm điều hành dự án.

Khi dự án được chấp thuận chủ trương xây dựng, Công ty EDICO đã ký 1.065 hợp đồng góp vốn mua nền với cán bộ, giảng viên công tác tại Đại học Quốc gia TP.HCM, đồng thời sang nhượng 145 hợp đồng về quyền sử dụng đất…

Trong Hợp đồng trách nhiệm giữa Công đoàn Đại học Quốc gia TP.HCM ký với cán bộ, giảng viên theo hình thức góp vốn đổi đất nêu rõ. “Dự án được thực hiện 100% bằng nguồn tiền của cán bộ, giảng viên do Công đoàn tổ chức đầu tư. Dự án được thực hiện theo phương thức tính đủ chi phí chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư lập dự án theo quy định của Nhà nước, hoàn tất trình tự quy định về đất đai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phân lô giao nền và cấp quyền sử dụng đất cho người góp vốn”. Song, hợp đồng không nêu khi đối tượng góp vốn hoàn thành nghĩa vụ thì bao giờ sẽ được nhận đất xây nhà.

Ngày 20/1/2004, UBND TP.HCM đã ra Quyết định số 222/QĐ-UB, tạm giao đất cho chủ đầu tư, tới ngày 12/7/2005 thì có văn bản chấp thuận giao đất chính thức.

Tuy nhiên, tới năm 2008, cán bộ, giảng viên góp vốn vẫn chưa được chủ đầu tư cấp đất xây nhà ở, nên đã xảy ra kiện tụng. Ngày 27/10/2008, Thanh tra Chính phủ đã có Văn bản số 2284/KL-TTCP, chỉ ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư và Công ty EDICO. Theo đó, Công đoàn Đại học Quốc gia đã ký 516 hợp đồng, 638 lô đất, diện tích 15,385 ha, với các cá nhân không thuộc Đại học Quốc gia; làm trái các quy định của pháp luật về quản lý đất đai và quản lý đầu tư xây dựng, do thời điểm ký hợp đồng góp vốn đầu tư và mua bán nền chưa tiến hành lập các thủ tục theo quy định của pháp luật… Kết luận cũng nêu rõ trách nhiệm sai phạm thuộc về ông Vũ Đình Chính, Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia TP.HCM.

Đối với Công ty EDICO, kết luận chỉ ra, EDICO không có điều kiện để thực hiện việc góp vốn đầu tư trên diện tích 15/80 ha như đã ghi trong Hợp đồng số 08/ĐT-DA.

15 năm vẫn chỉ là bãi đất hoang

Trước tình trạng góp vốn đã 15 năm, nhưng vẫn chưa được giao đất xây nhà, cũng như chủ đầu tư không động tĩnh gì, nhiều cán bộ, giảng viên đã tìm tới Báo Đầu tư phản ánh vụ việc.

Ông Ngô An, Giảng viên trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, năm 2001 ông góp vốn mua 1 lô đất tại Dự án. Do tin tưởng vào Công đoàn Đại học Quốc gia, nên ông đã góp tới 90% giá hợp đồng, tới nay đã 15 năm, nhưng vẫn chưa nhận được đất xây nhà. “Mới đây, tôi nhận được thông báo của chủ đầu tư sẽ cho mua 1 nền đất mới, nhưng giá thành lại vượt lên gấp 4 lần giá cũ mà chúng tôi góp vốn”, ông An phản ánh.

Bà Lê Thị Kim Phương, một người góp vốn cho biết, năm 2001, bà có mua nền đất 200 m2 tại Dự án, đơn giá ban đầu là 750.000 đồng/m2, sau tăng lên 810.000 đồng/m2, đóng tiền trong các năm 2001, 2003 và 2004. Nhưng hơn 10 năm qua, không riêng gì bà, mà hàng trăm người khác vẫn chưa được bàn giao đất nền. Thêm một điều nữa, là các lần thông báo góp vốn tiếp theo, giá mỗi m2 đất đã được đẩy lên cao gấp 2 - 3 lần.

Một khách hàng khác là ông Đỗ Văn Quý thông tin thêm, theo hợp đồng góp vốn được ký lại mới đây, Ban Quản lý dự án đã đẩy giá lên 2,83 triệu đồng/m2.

Có mặt tại dự án trên, chúng tôi thấy tại thời điểm này, khu đất làm dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Liên hệ với chủ đầu tư dự án, chúng tôi được lý giải, nguyên nhân Dự án chậm triển khai vì cán bộ, giảng viên và người góp vốn vào Dự án chỉ để nhận nền nhà, chứ không để triển khai các dự án thành phần. Trong khi đó, giá cả thị trường biến động, suất đầu tư hiện tại tăng gấp 3 lần so với trước đây, khiến chủ đầu tư không đủ vốn để thực hiện các hạng mục.

Tìm hiểu thêm về Dự án tại UBND TP.HCM, chúng tôi được biết, năm 2014, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 2308/QĐ-UBND, điều chỉnh diện tích Dự án còn 63 ha. Đồng thời, Thành phố giao các sở Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Quy hoạch kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư phối hợp và giải quyết các thủ tục liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.

Gia Huy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục