Dự án Khu giáo dục Nguyễn Trãi “treo” gần 15 năm: Chính phủ yêu cầu Hà Nội báo cáo trước 31/3

0:00 / 0:00
0:00
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, đôn đốc giải quyết kiến nghị của Công ty Ladeco, liên quan đến việc thực hiện Dự án Khu giáo dục Nguyễn Trãi.
Việc kéo dài thời gian giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp khiến hàng chục héc-ta đất của Hà Nội bị bỏ hoang rất lãng phí. Việc kéo dài thời gian giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp khiến hàng chục héc-ta đất của Hà Nội bị bỏ hoang rất lãng phí.

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1472/VPCP-V.I ngày 8/3/2021 gửi UBND TP. Hà Nội, đôn đốc giải quyết kiến nghị của (Ladeco),

Cụ thể, liên quan đến việc thực hiện Dự án Khu giáo dục Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Hà Nội), Văn bản số 1472/VPCP-V.I của Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết kiến nghị của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhân lực (Ladeco) trước ngày 31/3/2021.

Đây đã là lần thứ hai trong 4 tháng qua, lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về vụ việc này (trước đó là Văn bản số 7154/VPCP-V.I ngày 28/8/2020 của Văn phòng Chính phủ).

Chủ đầu tư Dự án bày tỏ hy vọng lãnh đạo TP. Hà Nội sớm giải quyết vấn đề phù hợp với quy định của pháp luật để đảm bảo quyền chính đáng của mình theo đúng tinh thần khuyến khích các doanh nghiệp chân chính đầu tư trí tuệ, tiền của phát triển Thủ đô và đất nước.

Chính phủ nhiều lần cho ý kiến triển khai Dự án

Tháng 8/2020, Công ty Ladeco đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Dự án Khu giáo dục Nguyễn Trãi. Về việc này, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xem xét, có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trước ngày 1/11/2020 (Văn bản số 7154/VPCP-V.I ngày 28/8/2020 của Văn phòng Chính phủ).

Như Báo Đầu tư đã thông tin, Dự án Khu giáo dục Nguyễn Trãi do Ladeco triển khai từ những năm 2006 và kéo dài cho đến nay. Từ khi Dự án còn thuộc tỉnh Hà Tây, tới giai đoạn tạm dừng triển khai để thực hiện sáp nhập Hà Tây - Hà Nội, cho đến khi trở thành địa bàn TP. Hà Nội, các sở, ngành chức năng đều đã thẩm tra, tiến hành thủ tục theo quy định và có đề xuất UBND tỉnh Hà Tây (sau này là UBND TP. Hà Nội) cho phép Ladeco - chủ đầu tư triển khai thực hiện với khu đất 14 ha và tiến hành thủ tục triển khai lập dự án với khu đất 20 ha.

Trên cơ sở đó, UBND TP. Hà Nội đã có những văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất cho chủ đầu tư triển khai dự án. Cụ thể, Văn bản số 5091 ngày 5/7/2010 của UBND TP. Hà Nội nêu: Ladeco là chủ đầu tư dự án Khu giáo dục Nguyễn Trãi, quy mô đầu tư là 34 ha và kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ “cho phép tiếp tục triển khai Dự án”, “trên cơ sở sự chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai của Thủ tướng Chính phủ đối với Dự án, đề nghị chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục còn thiếu”.

Khi đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: đồng ý về nguyên tắc tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây dựng Khu giáo dục Nguyễn Trãi tại quận Hà Đông; giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Ladeco thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật (Công văn số 5930/VPCP-KTN ngày 23/8/2010 của Văn phòng Chính phủ).

Như vậy, theo quy định của pháp luật và thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ladeco được tiếp tục triển khai và làm chủ đầu tư Khu giáo dục Nguyễn Trãi. Trên cơ sở đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư và cho phép tiếp tục triển khai Dự án của Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư đã phối hợp với các sở, ngành, UBND TP. Hà Nội triển khai các thủ tục đầu tư, quy hoạch theo quy định.

Ngày 4/3/2011, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ, lấy ý kiến thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2005, Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Năm 2012, UBND TP. Hà Nội yêu cầu, các sở Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn Ladeco việc điều chỉnh quy hoạch và đầu tư đối với Dự án có diện tích đường vành đai 3,5 đi qua và giảm quy mô Dự án từ 27.000 sinh viên xuống còn 5.700 sinh viên. Trong số 34 ha đất, 13,7 ha đất có chức năng giáo dục; 15,33 ha đất đơn vị ở, chức năng đô thị (2,37 ha đất nhà ở, 12,092 ha đất hỗn hợp, 0,86 ha đất cây xanh) và 4,97 ha đất mở đường giao thông vành đai 3,5.

Với các ô đất có ký hiệu 14-1 và 12-2 nằm trong quy hoạch phân khu đô thị S4 có tỷ lệ 1/5.000, Ladeco có Văn bản số 62/CV-Ladeco gửi UBND TP. Hà Nội xin phép điều chỉnh quy hoạch chức năng sử dụng đất, làm cơ sở bổ sung hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Ngày 20/4/2012, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo có chỉ đạo tại Văn bản số 2849/UBND-QHXDGT: “Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội rà soát, cập nhật vào phân khu đô thị S4, Ladeco làm việc cụ thể với Sở Quy hoạch - Kiến trúc về việc này”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5930/VPCP- KTN, các sở, ngành đã có các báo cáo, đề xuất Thành ủy, UBND TP. Hà Nội về việc triển khai Dự án (Báo cáo số 1975/BC-QHKT-KH&ĐT ngày 22/4/2016 của Liên ngành Kế hoạch và Đầu tư - Quy hoạch - Kiến trúc, Công văn số 4211/QHKT-P4 ngày 1/8/2016 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Công văn số 6152/KH&ĐT-VX ngày 8/11/2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư).

Các văn bản trên đều xác định rõ và kiến nghị: việc triển khai Dự án Khu giáo dục Nguyễn Trãi phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị S4 đã được phê duyệt...

Trong đó, khu đất cho giáo dục có diện tích khoảng 14 ha; khu đất có chức năng hỗn hợp có diện tích 25 ha cơ bản phù hợp với quy hoạch phân khu S4 về chức năng sử dụng đất, đề nghị giao Ladeco tiến hành các thủ tục triển khai lập dự án theo quy định của pháp luật với các khu đất trên.

Các văn bản trên đã tổng hợp đầy đủ, toàn bộ quá trình triển khai Dự án của nhà đầu tư, tham mưu cho UBND TP. Hà Nội chỉ đạo triển khai Dự án đúng với nội dung ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quy định của Luật Đầu tư 2005, 2014, pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, đô thị...

Cơ sở pháp lý đã rõ ràng, vì sao vẫn “treo”?

Trong khi chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan đang triển khai các bước theo phê duyệt, thì ngày 21/1/2017, Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội có Báo cáo số 21-BC/BCS gửi Thường trực Thành ủy đề xuất Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương: “Giao UBND quận Hà Đông nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết khu đất diện tích khoảng 20 ha/34 ha với các chức năng sử dụng đất hỗn hợp, đất nhóm nhà ở mới, cây xanh...”.

Tại Văn bản số 548-TB/TU ngày 14/2/2017 thông báo kết luận về chủ trương thực hiện Dự án, Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đồng ý với đề xuất của Ban Cán sự Đảng Thành phố về chủ trương thực hiện Dự án, lập quy hoạch chi tiết khu đất diện tích 14 ha có chức năng giáo dục, mà không có nội dung nào kết luận chỉ đạo (đồng ý hay không) đối với đề xuất giao UBND quận Hà Đông nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết khu đất diện tích khoảng 20 ha/34 ha.

Do đó, có thể khẳng định, đây chỉ là đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội, chứ chưa phải là chủ trương được Thường trực Thành ủy Hà Nội chấp thuận triển khai.

Chưa kể, theo quy định của pháp luật về đầu tư, đối với dự án quy mô trên 10 ha sử dụng đất nông nghiệp, thẩm quyền quyết định là Thủ tướng Chính phủ. Việc Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội đề xuất giao phần 20 ha trong Dự án tổng thể 34 ha, bao gồm 13,7 ha đất có chức năng giáo dục; 15,33 ha đất đơn vị ở, chức năng đô thị và 4,97 ha đất mở đường giao thông vành đai 3,5 thuộc các ô đất có ký hiệu 14-1 và 12-2 nằm trong quy hoạch phân khu đô thị S4 có tỷ lệ 1/5.000 đã được Chính phủ cho ý kiến đồng ý triển khai từ trước đó là chưa đúng thẩm quyền, chưa có cơ sở pháp lý.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vụ việc, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư và đất đai đến nay đã khá đầy đủ. Do vậy, đây không phải là vướng mắc về thủ tục pháp lý, mà là câu chuyện về thực thi pháp luật đối với một dự án cụ thể.

Theo đánh giá của Công ty TNHH Luật Đào và đồng nghiệp, đây là một dự án được triển khai trong thời kỳ chuyển giao địa giới hành chính, đồng thời pháp luật về đầu tư có sự thay đổi, nên việc thẩm tra bị gián đoạn, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa được thực hiện, nhưng quá trình chuẩn bị đầu tư theo quy định của pháp luật chưa kết thúc.

Cụ thể, Dự án Khu giáo dục Nguyễn Trãi thuộc đối tượng thẩm tra dự án đầu tư theo quy định tại Điều 47, Luật Đầu tư 2005. Quá trình 15 năm chuẩn bị đầu tư, trên cơ sở các văn bản của tỉnh Hà Tây (trước kia), UBND TP. Hà Nội sau này và các sở, ngành chức năng, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần cho ý kiến thể hiện sự đồng thuận về thực hiện Dự án.

Theo quy định của pháp luật về quy hoạch, việc điều chỉnh Dự án phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị S4 đã được TP. Hà Nội phê duyệt chính là cơ sở, điều kiện để Ladeco tiếp tục triển khai Dự án, cũng là chủ đầu tư hợp pháp của Dự án.

Hiện chưa có một văn bản hay quyết định nào của cấp có thẩm quyền bác bỏ vai trò chủ đầu tư Dự án của Ladeco.

Mặt khác, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai), Điểm 6, Điều 100a về “xử lý việc áp dụng điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; chế độ quản lý, sử dụng đất” nêu rõ: “Đối với dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư bằng văn bản hoặc lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư trước ngày 1/7/2014 nhưng chưa giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư, mà nay phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thì UBND cấp có thẩm quyền thực hiện việc giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư mà không phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất”.

Việc các sở, ngành chức năng cùng UBND tỉnh Hà Tây trước đây, UBND TP. Hà Nội, Thường trực Thành ủy Hà Nội sau này nhiều lần trình Chính phủ chấp thuận cho Ladeco triển khai Dự án với quy mô 34 ha, phê duyệt quy hoạch, phương án giải phóng mặt bằng; lãnh đạo Chính phủ nhiều lần có ý kiến đồng ý cho tiếp tục triển khai dự án, giao UBND TP. Hà Nội và Ladeco triển khai thực hiện (từ trước thời điểm Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực) là cơ sở pháp lý về lựa chọn chủ đầu tư đúng với quy định của pháp luật; Dự án cũng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (đã cập nhật, phù hợp quy hoạch phân khu đô thị S4 đã được TP. Hà Nội phê duyệt).

Căn cứ Điểm 6, Điều 100a vừa nêu, Dự án không thuộc diện phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, mà cần được UBND TP. Hà Nội thực hiện việc giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư (năm 2014) cũng quy định về việc bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật. Trong quá trình chuyển đổi Luật Đầu tư năm 2005 sang Luật Đầu tư năm 2014 và các quy định khác của pháp luật có liên quan, chủ đầu tư Dự án không vi phạm các quy định, quy trình về pháp luật đầu tư, ngược lại, là đối tượng chịu ảnh hưởng (thiệt hại cả về kinh tế và bị chậm cơ hội đầu tư) do sự kéo dài quá trình tiến hành các thủ tục đầu tư.

Việc kéo dài thời gian giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp khiến doanh nghiệp tiếp tục tốn kém thời gian, tiền của đã đầu tư vào Dự án trong gần 15 năm qua, đồng thời, quỹ đất hàng chục héc-ta nằm giữa một vùng phát triển sôi động của Thủ đô Hà Nội tiếp tục bị bỏ hoang, hết sức lãng phí.

Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư chân chính chung tay phát triển kinh tế - xã hội, thì hơn lúc nào hết, đây là lúc nhà đầu tư rất cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, UBND TP. Hà Nội và các sở, ngành, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và lợi ích chung của toàn xã hội.

Huy Hào
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục