Dự án khai thác titan khó đủ đường

Tình trạng có quá nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác titan trong bối cảnh hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô đang khiến không ít DN titan bế tắc do tồn kho lớn.
Nguồn: Internet Nguồn: Internet

Theo Hiệp hội Titan Việt Nam, tính đến tháng 6/2012, có 38 giấy phép khai thác quy mô công nghiệp với công suất 1,26 triệu tấn/năm và hàng chục giấy phép đã có đủ thủ tục đang chờ cấp phép. Ngoài ra, có 42 dự án được cấp mới trong kỳ quy hoạch từ nay tới năm 2020, khiến sản lượng quặng tinh ilmenite được sản xuất hiện tại cũng như trong quy hoạch là rất lớn.

 

“Áp lực khai thác quặng nhanh và chỉ qua tuyển thô để sớm có mặt bằng giao lại cho các khu công nghiệp, khu kinh tế và các dự án cơ sở hạ tầng khác trong khi chưa đầu tư kịp các dự án chế biến sâu đang khiến tình trạng quặng ilmenite mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu”, ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam nhận xét.

 

Trong điều kiện này, xu hướng giá khoáng sản trên thị trường quốc tế giảm mạnh và việc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản thô đang khiến lượng tồn kho quặng titan tăng cao, hiện đạt gần 500.000 tấn. Tỉnh Bình Định, một trung tâm phát triển công nghiệp khoáng sản titan, đang tồn 301.000 tấn quặng titan.

 

Theo ông Nguyễn Văn Tống, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định (BIMICO), tồn kho lớn đang đẩy nhiều DN tới bờ vực phá sản, nên cần phải ngăn chặn việc xuất lậu quặng titan thô ra nước ngoài trá hình bằng cách bán cho các đơn vị trung gian hoặc tránh tình trạng tỉnh này cấm, nhưng tỉnh kia lại cho phép.

 

Chia sẻ thực tế này, ông Đặng Xuân Huề, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Bình cho rằng, nếu cấm xuất khẩu titan sẽ gây hệ lụy rất lớn, như tồn kho nhiều, hàng nghìn lao động mất việc làm, dự án đổ bể.

 

Các DN titan cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm quy hoạch phân vùng thăm dò để các DN chủ động đầu tư, đặc biệt là các dự án chế biến sâu, nhằm ổn định sản xuất và phát triển. Đồng thời, xem xét điều chỉnh giảm các loại thuế, phí đối với sản phẩm quặng titan, khơi thông thị trường giúp DN tiếp cận các nguồn vốn vay để triển khai dự án.

 

Có hoạt động khai thác quặng titan tại Thái Nguyên, ông Phạm Đắc Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ban Tích cho hay, hiện nay, do Quy hoạch cập nhật chưa được phê duyệt, nên việc đầu tư chế biến sâu là rất cần thiết, nhưng khi DN lập dự án đầu tư chế biến sâu trình UBND tỉnh, thì lại nhận được câu trả lời: chờ quy hoạch”.

 

Tình trạng “chờ quy hoạch” cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác. Ông Trần Văn Quận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khoáng sản Đường Lâm cũng cho biết, nhiều DN đã chờ từ cuối năm 2008 tới nay, nhưng vẫn chưa được UBND các địa phương cấp phép cho chế biến sâu quặng titan, vì quy hoạch ngành chưa có.

 

Thực tế, việc dừng xuất khẩu quặng titan đã có lộ trình từ năm 2008 và đây không phải lần đầu tiên, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ gia hạn xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), Bộ Công thương đã có văn bản gửi Chính phủ, đồng thời trong Đề án tháo gỡ khó khăn cho DN của mình, Bộ cũng đề nghị Chính phủ xem xét bối cảnh đặc thù của năm 2012 để cho phép xuất khẩu lượng tồn kho của một số loại khoáng sản trong năm nay.

 

Mặc dù kết quả còn phải đợi cuộc họp Chính phủ sắp tới, do ngoài tồn kho còn vướng nhiều khó khăn khác, như cấp phép, thăm dò, khai thác…, nhưng ông Quân cho hay, với việc thẩm định dự án chế biến sâu, Chỉ thị 02/CT-TTg nêu rõ, phải có địa chỉ chế biến sâu cụ thể; chỉ cấp phép thăm dò khi có dự án chế biến sâu đã được Bộ Công thương thẩm định, đảm bảo quy mô, công nghệ, quy hoạch và các quy định khác của Luật Khoáng sản. Về thủ tục thẩm định, Bộ Công thương cũng đã có hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó để trình dự án…

 

Mặt khác, theo ông Quân, các DN titan cần đẩy mạnh việc phát triển theo hướng liên kết, hợp tác chặc chẽ trong vùng và từng bước đổi mới công nghệ theo hướng tăng giá trị của sản phẩm.

Hoàng Nam (baodautu.vn)
Hoàng Nam (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục