Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán ngày 7/4/2020, cán bộ truyền thông Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (viết tắt là GPBank) xác nhận, bộ phận pháp lý của GPBank đã tiến hành thủ tục nộp đơn khởi kiện CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Ðình ra Tòa án Nhân dân quận Ba Ðình (Hà Nội) từ tháng 1/2020.
Theo thông báo thụ lý vụ án kinh doanh thương mại của tòa, GPBank yêu cầu Công ty Ba Ðình phải thanh toán nợ gốc và chi phí vốn tạm tính đến ngày 2/4/2019 là 290 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 198 tỷ đồng.
Buộc Công ty phải thanh toán tiền lãi phát sinh theo lãi suất quy định tại hợp đồng đặt cọc kể từ ngày 3/4/2019 cho đến khi trả hết nợ.
Trường hợp Công ty không thanh toán thì Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phát mại tài sản đảm bảo là toàn bộ cổ phần của Công ty Ba Ðình thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tiến Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty và tài sản hình thành trong tương lại thuộc dự án Hattoco; bao gồm 85 căn hộ chưa bán, 6 sàn văn phòng cho thuê, quyền khai thác sử dụng dịch vụ 3 tầng hầm; quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán 355 căn hộ đã bán, quyền khai thác kinh doanh với 35 căn hộ chưa bán.
Hơn 2 tháng nay, hàng trăm khách hàng mua nhà tại Dự án Hattoco như “ngồi trên đống lửa” vì lo sợ mất nhà. Ðể tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã liên hệ với Phó giám đốc Công ty Ba Ðình song không nhận được phản hồi.
Ông Nguyễn Quý Nhật (thành viên Ban liên lạc Hội những người mua nhà dự án này) cho biết, có khoảng 100 khách hàng đã gửi đơn thư và ban liên lạc vẫn đang tập hợp đơn của khách hàng đến Tòa án nhân dân quận Ba Ðình với mong muốn sẽ được theo dõi và tham dự phiên tòa kinh doanh thương mại sắp tới (nếu có) giữa ngân hàng và chủ đầu tư dự án để nắm bắt tình hình. Nếu trường hợp Công ty Ba Ðình đã thế chấp dự án thì họ sẽ được quyền nêu ý kiến vì có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Luật sư Vy Văn Minh (Ðoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng cho rằng, theo thủ tục tố tụng dân sự, nếu việc tranh chấp có liên quan đến việc thế chấp dự án để đảm bảo cho khoản vay của chủ đầu tư thì đương nhiên những khách hàng mua nhà được tòa án xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Các hợp đồng mua bán nhà là tài sản hình thành trong tương lai nên khách hàng yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Còn giả sử, với trường hợp bản án tuyên ngân hàng được quyền phát mại tài sản thì dự án sẽ được chuyển giao cho ngân hàng quản lý. Khi đó, ngân hàng là bên thừa kế quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư.
Ngân hàng sẽ phải tiếp tục thực hiện các hợp đồng mà chủ đầu tư đã ký kết với khách hàng. Khách hàng nào đang nộp thiếu thì sẽ tiếp tục nộp và khi nào dự án có đủ điều kiện bàn giao thì khách hàng sẽ được bàn giao nhà.
Dự án Hattoco đã bị chậm tiến độ hơn 10 năm này. Khởi công từ năm 2009, với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng, dự án do Công ty Ba Ðình làm chủ đầu tư.
Dự án được xây dựng trên khu đất 4.992 m2, với thiết kế tòa tháp 39 tầng nổi và 3 tầng hầm. Mặc dù dự án đã hoàn thiện phần thô, song không có hoạt động thi công. Hơn 10 năm nay, có khoảng 300 khách hàng đã đóng cho chủ đầu tư từ 50 - 70% giá trị căn hộ.
Theo ông Nguyễn Qúy Nhật, nguồn tiền của chủ đầu tư không có dẫn đến dự án bị “chết”. Trong hợp đồng mua bán nhà quy định khách hàng đóng tiền đến 70% giá trị thì chủ đầu tư bàn giao nhà nhưng Công ty Ba Ðình đã vi phạm tiến độ nhiều năm nay.
Luật Kinh doanh bất động sản cũng quy định, chủ đầu tư dự án phải có số vốn 30% giá trị dự án nhưng dường như chủ đầu tư đã “tay không bắt giặc”. Nếu chủ đầu tư thực hiện đúng quy định pháp luật thì dự án sẽ được hoàn thành và không có vướng mắc về tài chính.
Nhiều năm nay, hàng trăm khách hàng đã tìm gặp chủ đầu tư để đối chất, nhưng chỉ nhận được những lời “hứa suông”.
Hiện nay các khách hàng đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng để tìm cách giải quyết, đồng thời kiến nghị UBND TP. Hà Nội kịp thời thanh tra toàn bộ dự án, thu hồi để giao cho chủ đầu tư khác thực hiện. Họ lo ngại nếu giải quyết chậm trễ, lãi phải trả ngân hàng của chủ đầu tư tăng lớn, vượt quá giá trị thế chấp dự án thì khách hàng sẽ mất nhà.
Những khách hàng “mắc kẹt” tại dự án này cũng nghĩ đến phương thức khởi kiện chủ đầu tư để đòi lại quyền lợi, song nếu doanh nghiệp “cạn tiền” thì việc khởi kiện dân sự không mang lại nhiều ý nghĩa vì có thể trở thành bản án “treo” mà không thể thi hành án trên thực tế.