Dự án hạ tầng tại TP.HCM sắp hết cảnh nằm chờ mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
Với quy định giá bồi thường giải phóng mặt bằng tiệm cận giá thị trường tại Luật Đất đai 2024, chi phí đền bù sẽ tăng cao, nhưng các dự án không còn cảnh phải chờ mặt bằng hàng năm trời.
Dự án hạ tầng tại TP.HCM sắp hết cảnh nằm chờ mặt bằng

Vốn tăng nhưng giải phóng mặt bằng nhanh hơn

Ngay sau khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, TP.HCM đã rà soát và áp dụng quy định mới là giá bồi thường giải phóng mặt bằng tiệm cận giá thị trường thì chi phí công tác này tại nhiều dự án tăng hàng ngàn tỷ đồng.

Chẳng hạn, tại Dự án Nạo vét cải tạo môi trường xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), dự kiến chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng thêm 7.600 tỷ đồng, lên 12.978 tỷ đồng. Dự án Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi (quận 8) tăng thêm 2.400 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, lên 5.100 tỷ đồng.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, khi áp dụng chính sách bồi thường theo quy định mới của Luật Đất đai 2024 và Nghị định 88/2024/NĐ-CP, người dân có đất bị thu hồi sẽ có lợi về cả chính sách bồi thường lẫn tái định cư. Trong đó, người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi được quyền lựa chọn nhiều hình thức bồi thường, như nhận đất nông nghiệp, nhận tiền, nhận nhà ở, hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất bị thu hồi (khoản 1, Điều 96, Luật Đất đai 2024).

Hình thức “bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất bị thu hồi” cũng được áp dụng khi Nhà nước thu hồi đất ở, đất phi nông nghiệp (khoản 1, Điều 98 và khoản 1, Điều 99, Luật Đất đai 2024).

Với Luật Đất đai mới, chính sách tái định cư cũng được quy định thông thoáng hơn. Trước đây, với đất ở, người có đất bị thu hồi mới được bố trí tái định cư, còn đất nông nghiệp và các loại đất khác không nằm trong diện được tái định cư. Nhưng Luật Đất đai mới quy định, người dân có đất bị thu hồi dù đủ hay không đủ điều kiện bồi thường về đất ở, đều được giải quyết tái định cư.

Vì vậy, chi phí giải phóng mặt bằng tại các dự án tăng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tuy vậy, đây là vấn đề quá khó đối với TP.HCM, vì năm 2024, Thành phố bố trí 32.674 tỷ đồng cho công tác này. Tính đến hết tháng 7, Thành phố còn 30.234 tỷ đồng vốn giải phóng mặt bằng chưa giải ngân được.

Trong Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” diễn ra mới đây, liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng khi áp dụng Luật Đất đai 2024, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, qua rà soát một số dự án, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng có tăng nhưng vẫn nằm trong chi phí dự phòng của dự án, nên không phát sinh thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Để cân đối bổ sung vốn bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ ưu tiên bố trí vốn cho giải phóng mặt bằng bằng cách điều chuyển vốn từ các dự án có tiến độ giải ngân thấp, hoặc có vướng mắc về các thủ tục có liên quan chưa thể triển khai ngay. Vì vậy, vốn cho giải phóng mặt bằng tại các dự án luôn được đảm bảo với mục tiêu đảm bảo kế hoạch đề ra tại các dự án và đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

Tiến độ dự án sẽ nhanh hơn

Tại TP.HCM, nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ hàng năm trời đều do chậm giải phóng mặt bằng, như cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè); mở rộng đường Nguyễn Thị Định; mở rộng Xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức), khép kín đường Vành đai 2… Một trong các nguyên nhân chính là giá đền bù quá thấp, không theo kịp được thị trường, dẫn đến sự không đồng thuận của người dân.

TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, hệ luỵ của việc vướng mặt bằng là nhiều dự án hạ tầng giao thông tại TP.HCM đình trệ. Thậm chí, tại những dự án vay vốn ODA như tuyến metro số 1, metro số 2, việc chậm giải phóng mặt bằng khiến dự án đội vốn, nhà thầu đòi bồi thường. “Khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, chính sách bồi thường tốt ngay từ đầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án giao thông triển khai nhanh hơn”, ông Cương nói.

Ở góc độ chủ đầu tư dự án, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, tại Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, dù có cơ chế đặc biệt, song vấn đề quan trọng nhất vẫn là giá bồi thường được duyệt hợp lý, tiệm cận giá thị trường, nên người dân đồng thuận di dời để nhường mặt bằng cho Dự án.

Theo ông Phúc, các dự án hạ tầng trọng điểm có thể áp dụng cơ chế tương tự Dự án đường vành đai 3. Ví dụ, việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để triển khai song song và có thể làm trước một số nội dung trong giai đoạn chuẩn bị dự án, có khi làm trước cả báo cáo tiền khả thi, sẽ giúp giảm thời gian chuẩn bị đầu tư, mang lại hiệu quả cao.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục