Tê liệt vì vướng mặt bằng
Dự án Đường vành đai 2 - đoạn 3 dài 2,75 km, bắt đầu thi công từ năm 2017, do liên doanh Công ty CP Văn Phú Bắc Ái thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Theo hợp đồng BT giữa UBND TP.HCM và Công ty CP Văn Phú Bắc Ái ký kết năm 2016, Dự án có giá trị 2.765 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.821 tỷ đồng, còn lại là giá trị thực hiện Dự án. Các nhà đầu tư sẽ được UBND TP.HCM thanh toán bằng 6 khu đất. Nguyên tắc thanh toán theo Điều 11 của Hợp đồng là ưu tiên thanh toán trước chi phí giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư ứng để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng.
Trao đổi báo chí, đại diện Công ty CP Văn Phú Bắc Ái cho biết, cho đến thời điểm này, Công ty vẫn chưa được bàn giao bất cứ khu đất nào, dù Dự án đã triển khai thi công với giá trị gần 448 tỷ đồng, tương đương 43,79% tổng Dự án.
Đáng nói hơn, Dự án đang phải dừng thi công vì chậm tiến độ giải phóng mặt bằng do nhiều hộ dân chưa đồng ý chính sách bồi thường, chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương (quận Thủ Đức).
Được biết, từ tháng 6/2019, tại buổi giám sát tiến độ Dự án của HĐND TP.HCM, nhà đầu tư đã kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo UBND quận Thủ Đức đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư triển khai thi công công trình nhằm bảo đảm tiến độ Dự án.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố, Trưởng đoàn Giám sát nhấn mạnh, Dự án Đường vành đai 2 có mục tiêu kết nối các trục giao thông chính là đường Phạm Văn Đồng với Quốc lộ 1; từng bước thực hiện khép kín tuyến đường vành đai 2 theo Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thúc đẩy sự hình thành và phát triển các dự án chỉnh trang đô thị dọc tuyến vành đai 2 theo quy hoạch.
Vì vậy, HĐND TP.HCM đề nghị chủ đầu tư chủ động phối hợp với các sở, ngành, quận Thủ Đức sớm thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, chủ động triển khai Dự án theo đúng hợp đồng đã ký kết trên tinh thần nhận mặt bằng đến đâu, triển khai thi công dự án đến đó.
Đồng thời, HĐND TP.HCM yêu cầu UBND quận Thủ Đức thường xuyên kiểm tra tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng; tổ chức tiếp dân để tuyên truyền, vận động người dân và nắm bắt những vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ nhằm tạo sự đồng thuận để người dân bàn giao mặt bằng đúng tiến độ…; yêu cầu Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chủ động phối hợp, hướng dẫn tháo gỡ cho các nhà đầu tư và quận Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.
Việc tạm dừng thi công không chỉ bởi vướng giải phóng mặt bằng, mà còn bởi nhà đầu tư ngưng thi công phải ký lại phụ lục hợp đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời, nhà đầu tư phải chờ phía TP.HCM thanh toán bằng quỹ đất theo tiến độ.
Ai là người phải chịu lãi vay?
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, khoảng tháng 8/2020, Công ty CP Văn Phú Bắc Ái đã gửi văn bản kiến nghị tới UBND TP.HCM, trong đó nêu rõ, sau hơn 4 năm kể từ khi ký kết Hợp đồng, Công ty đã huy động vốn thực hiện Dự án, giá trị giải ngân đã đạt 1.370 tỷ đồng, chưa bao gồm lãi vay.
Hiện đã đến thời điểm nhà đầu tư phải thanh toán nợ gốc và lãi vay, trong đó khoản lãi vay tính đến cuối tháng 5/2020 là khoảng 222 tỷ đồng. Nhà đầu tư cho rằng, theo quy định của Hợp đồng BT, doanh nghiệp làm bao nhiêu, thì TP.HCM thanh toán bấy nhiêu. Nhưng đến nay, gần 44% tổng Dự án đã hoàn thành, mà UBND TP.HCM vẫn chưa thanh toán quỹ đất, nên tiền lãi ngày càng tăng lên và TP.HCM phải chịu khoản lãi này. Như vậy, càng chậm triển khai Dự án, càng chậm trễ thanh toán bằng đất theo tiến độ, số tiền lãi phát sinh sẽ ngày càng lớn, gây lãng phí ngân sách, đồng thời ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.
“Đất vàng” bỏ hoang
Như đã nêu trên, thực hiện Dự án theo hình thức hợp đồng BT, nhà đầu tư sẽ được UBND TP.HCM thanh toán bằng 6 khu đất để khai thác kinh doanh thu hồi vốn.
6 khu đất đã được chính quyền TP.HCM nêu rõ ràng, gồm: khu đất số 234 - Lý Tự Trọng (quận 1) rộng 643 m2; khu đất số 129 - Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) rộng 7.200 m2; khu đất số 132 - Đào Duy Từ (quận 10) rộng hơn 10.600 m2; khu đất số 12 - Kỳ Đồng (quận 3) rộng 940 m2; khu đất 42 - Trương Định (quận 3) rộng 807 m2 và khu đất số 582 - Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) rộng 12.240 m2.
Tới thời điểm này này, dù Dự án thực hiện được gần 50%, nhưng TP.HCM vẫn chưa giao đất. Những khu đất trên đều được xem là “tấc vàng” ở TP.HCM nhưng không phát huy được giá trị, đang được tận dụng để làm bãi giữ xe, sân tennis, nơi bán cây cảnh…
Điển hình, khu đất số 132 - Đào Duy Từ (phường 6, quận 10), rộng hơn 10.600 m2 có chức năng là đất thương mại dịch vụ, có thể xây dựng chung cư 25 tầng vẫn đang “nằm bất động”, được dùng làm bãi giữ xe, sân tennis, trong khi mỗi mét vuông đất ở đây đang có giá thị trường khoảng 140 - 168 triệu đồng. 5 khu đất còn lại cũng được giới kinh doanh bất động sản ước tính giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng/khu, song vẫn chỉ đang thu về những “đồng lẻ” từ cho thuê tạm bợ.
Mới đây, Công ty CP Văn Phú Bắc Ái tiếp tục có văn bản gửi cơ quan chức năng TP.HCM kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Liên quan vấn đề này, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đã có Công văn số 12731, ngày 28/10/2020 cho rằng, công trình chậm tiến độ ngoài nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng, còn bởi năng lực quản lý điều hành của chủ đầu tư hạn chế, sự phối hợp với các cơ quan liên quan chưa tốt. Từ đó, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đề nghị nhiều chủ đầu tư, trong đó có Công ty CP Văn Phú Bác Ái rà soát, lập tiến độ chi tiết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án, giải pháp đẩy nhanh tiến độ… để cơ quan chức năng nắm bắt kịp thời nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Liên quan Dự án Đường vành đai 2 - đoạn 3, Kiểm toán Nhà nước đã có Thông báo số 722/TB-KTNN kết luận, xác định Hợp đồng BT giữa UBND TP.HCM và nhà đầu tư không nêu cơ cấu tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để đền bù giải phóng mặt bằng, điều khoản quy định số tiền được khấu trừ bao gồm chi phí lãi vay và các chi phí khác.
Trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định, việc lập dự toán bóc tách khối lượng, áp dụng đơn giá ở Dự án chưa chính xác khoảng 10,5 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Công ty CP Văn Phú Bắc Ái điều chỉnh giảm chi phí đầu tư thực hiện và chi phí lãi vay số tiền hơn 46,5 tỷ đồng; giảm giá trị hợp đồng còn lại tại các gói thầu hơn 38,7 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ số tiền hơn 33,8 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu doanh nghiệp phối hợp với cơ quan nhà nước điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện Dự án; đồng thời đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Hiện tại, đến thời điểm hiện nay, Văn Phú – Bắc Ái đã phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thành điều chỉnh các yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước. Và doanh nghiệp mong sớm được cơ quan chức năng sớm có các động thái thanh toán theo quy định của hợp đồng BT.