Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành: Hiển hiện nguy cơ vỡ phương án tài chính

Nếu không thể tiếp tục sử dụng khoản vốn vay trị giá 636 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ “vỡ trận”, để lại rất nhiều hệ lụy xấu.
Cầu dây văng Bình Khánh (thuộc Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) đã phải dừng thi công khi chưa hoàn thành. Cầu dây văng Bình Khánh (thuộc Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) đã phải dừng thi công khi chưa hoàn thành.

Hạn chót cận kề

Nguy cơ không kịp gia hạn Hiệp định vay ADB lần 2 (3391 - VIE) có tổng giá trị 286 triệu USD cho Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư đang hiển hiện.

Theo thông báo của nhà tài trợ, ngày 31/3/2020 là thời hạn chót để Bộ Tài chính (đại diện bên vay) có thư đề xuất gia hạn khoản vay 3391- VIE và Hiệp định Tài trợ khung (MFF). Sau thời điểm này, ADB không thể thực hiện hồi tố thủ tục gia hạn và đương nhiên, toàn bộ phần vốn chưa giải ngân cho Dự án sẽ bị hủy.

Hiệp định 3391 - VIE được  ký ngày 9/1/2017, có hiệu lực ngày 5/5/2017 và sẽ đóng vào ngày 30/6/2020. Nếu bên vay muốn gia hạn Hiệp định đến ngày 14/12/2020 - trùng với thời điểm kết thúc MFF và tiến độ triển khai công trình, đề xuất gia hạn phải gửi tới ADB tối thiểu trước 3 tháng.

“Đến thời điểm này, không có nhiều tín hiệu cho thấy, những thủ tục tối quan trọng này sẽ được giải quyết kịp theo mốc yêu cầu của ADB”, một lãnh đạo VEC lo lắng.

Nếu không kịp gia hạn Hiệp định 3391 - VIE, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào tình hình tài chính của Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, công trình huyết mạch kết nối Đông, Tây Nam bộ với TP.HCM. Tính đến tháng 2/2020, Hiệp định 3391 - VIE mới giải ngân được 32,92 triệu USD (11,51%).

Trước đó, do không kịp hoàn thiện các thủ tục gia hạn, Hiệp định vay ADB lần 1 (2730 - VIE) có tổng giá trị 350 triệu USD cũng bị mất quyền rút vốn vào ngày 30/6/2019, trong khi mới giải ngân được được 50,62%.

Được biết, trước khi khởi công Dự án (tháng 7/2014), chủ đầu tư đã có 2 hiệp định vay vốn thông thường trị giá 647,13 triệu USD với ADB và 1 hiệp định vốn vay theo hình thức STEP trị giá 569,2 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong số này, các khoản vay ADB được VEC vay lại từ Bộ Tài chính; khoản vay JICA là đầu tư của Nhà nước vào Dự án theo hình cấp phát.

Trên thực tế, việc thi công 5 gói thầu thuộc đoạn tuyến phía Tây sử dụng vốn vay tại Hiệp định 2730 - VIE đã được dừng lại cách đây 5 tháng.

Trong khi đó, theo kế hoạch từng được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề ra, đoạn tuyến phía Tây sẽ phải hoàn thành gói thầu cuối cùng vào ngày 30/6/2019 để khớp với thời gian đóng Hiệp định. Nhưng vì nhiều lý do, chủ yếu là vướng giải phóng mặt bằng, hiện đoạn tuyến này mới chỉ có 2 gói thầu cơ bản hoàn thành, 3 gói thầu vẫn đang trong giai đoạn thi công.

Đoạn tuyến phía Đông gồm 3 gói thầu, theo kế hoạch cũng phải hoàn thành vào ngày 31/12/2020. Đáng tiếc là, do chậm trễ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và phải thay đổi thiết kế kỹ thuật theo yêu cầu của các địa phương, nên tiến độ giải ngân tại phân đoạn phía Đông tính đến tháng 1/2020 mới đạt 26 - 43%, tùy theo từng gói thầu.

Ngay cả khi đã trừ phần vốn dư có thể không sử dụng tới, việc cả 2 hiệp định vay vốn ADB không kịp gia hạn có thể khiến Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành thiếu hơn 100 triệu USD để hoàn thành các khối lượng thi công còn lại tại 7 gói thầu xây lắp sử dụng vốn vay ADB.

Thiếu vốn diện rộng

Cần phải nói thêm rằng, không phải đợi “nước đến chân”, ngay từ cuối năm 2018, VEC đã báo cáo Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc khẩn trương gia hạn các hiệp định vay ADB để đảm bảo nguồn vốn từ nhà tài trợ này được cung cấp đầy đủ để các gói thầu xây lắp được hoàn thành sau khi điều chỉnh lại tiến độ theo đúng diễn biến thực tế, cũng như việc bố trí vốn nước ngoài cho Dự án.

Từ năm 2018 đến nay, chủ đầu tư đã gửi gần 40 văn bản tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị sớm hoàn tất các thủ tục để gia hạn hiệp định. Tuy nhiên, quyền đại diện phần vốn nhà nước tại VEC được chuyển giao từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ tháng 11/2018, khiến các cơ quan quản lý không thống nhất được về đơn vị chủ trì thực hiện các vấn đề mà trước đây được phân định khá rõ như: giao kế hoạch vốn đầu tư công; điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay vốn.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT, tháng 3/2019, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án và kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp tục thực hiện thẩm quyền của cấp quyết định đầu tư.

Tại Văn bản số 10698/VPCP-CN, ngày 21/11/2019, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất với các bộ, ngành về cơ quan thực hiện quyền và nhiệm vụ quyết định đầu tư đối với các dự án do VEC đầu tư. Trường hợp vượt thẩm quyền, Ủy ban đề xuất biện pháp, báo cáo Thủ tướng. Song, sau hơn 1 năm chờ đợi, cơ quan thực hiện quyền và nhiệm vụ quyết định đầu tư tại các dự án do VEC đầu tư, trong đó có tuyến Bến Lức - Long Thành vẫn chưa được xác định cụ thể.

Do chưa xác định cấp có thẩm quyền đăng ký, giao vốn đầu tư công cho các dự án của VEC, cũng như chưa xác định tài sản thuộc các dự án của VEC có được tính vào phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hay không (do phương án tái cơ cấu chưa được phê duyệt), nên Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội đã quyết nghị “giao Chính phủ chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho VEC”. Với nút thắt này, năm 2019 và 2020, Dự án Bến Lức - Long Thành không được bố trí vốn đối ứng và vốn nước ngoài.

Tại đoạn vay vốn JICA gồm 3 gói thầu (J1 - cầu dây văng Bình Khánh, J3 - cầu dây văng Phước Khánh và J2 - đoạn nối 2 cầu dây văng), hiện tượng “giáp hạt” vốn đã kéo dài hơn 2 năm nay. Hiện 2 gói thầu quan trọng nhất tại phân đoạn này là J1, J3 đã dừng thi công và cũng chỉ mới đạt lần lượt 76% và 80% giá trị hợp đồng.

Thách thức lớn nhất đối với VEC lúc này là phải tìm ra nguồn vốn bù đắp cho phần thiếu hụt trong trường hợp các hiệp định vay vốn ADB không kịp gia hạn. Đây là bài toán rất khó, nhất là khi khoản thiếu hụt quá lớn, trong khi việc sử dụng nguồn thu phí từ các tuyến cao tốc do VEC đầu tư đã đi vào vận hành như Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai không được Bộ Tài chính chấp thuận, do phải ưu tiên cho nhiệm vụ trả nợ.

Với hợp phần vay vốn JICA, các nhà thầu sẽ phải tiếp tục dừng thi công đến khi nguồn vốn nước ngoài trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 tiếp tục được phân bổ cho VEC.

Lãnh đạo VEC cho biết, nếu không quyết liệt giải quyết nhanh chóng các tồn tại để thúc đẩy tiến độ Dự án, sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, tài chính do bồi thường dừng thi công, chậm hoàn thành đưa công trình vào khai thác hoàn vốn, dẫn đến phá vỡ phương án tài chính, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ các khoản vay.... và gây dư luận xã hội không tốt đối với Dự án.

“Trong khi Thủ tướng Chính phủ chưa giao thẩm quyền cấp quyết định đầu tư Dự án, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, với trách nhiệm là cơ quan chủ quản, có ý kiến về các kiến nghị của VEC, đồng thời giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án”, một lãnh đạo Bộ GTVT nói.

Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công ngày 19/7/2014 là dự án trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 31.320 tỷ đồng, trong đó gồm vốn vay ADB là 636 triệu USD. Vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA là 635 triệu USD và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước là 337 triệu USD.

Theo dự kiến ban đầu, Dự án hoàn thành vào năm 2018, nhưng đến nay mới đạt 75% tiến độ.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục