Dự án Dream Home Palace: có “cầm đèn chạy trước ô tô” và cầm cố ngân hàng?

(ĐTCK) Không chỉ bị tố cáo xây dựng khi chưa giấy phép, mở bán khi chưa được Sở Xây dựng chấp thuận…, Dự án Dream Home Palace do Công ty cổ phần Nhà Mơ là đơn vị phát triển và Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Danh Khôi phân phối còn có dấu hiệu đang bị cầm cố tại ngân hàng.
Dự án Dream Home Palace hiện đang thực hiện hai giao dịch cầm cố ngân hàng Dự án Dream Home Palace hiện đang thực hiện hai giao dịch cầm cố ngân hàng

Thiếu đủ thứ

Sau khi đăng tải 2 bài viết “Chuyện lạ ở Dự án Dream Home Palace” và “Chủ đầu tư Dự án Dream Home Palace có “cầm đèn chạy trước ô tô”?”, Báo Đầu tư Bất động sản tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản ánh của khách hàng mua nhà tại dự án này thể hiện sự bất an.

Thực tế, những vấn đề xảy ra tại dự án này không khỏi khiến khách hàng lo lắng. Trong đó, việc vội vàng “bán lúa non” khiến nhiều khách hàng nghi ngờ chủ đầu tư đang khó khăn về tài chính và đang tìm mọi cách để dụ khách nộp càng nhiều tiền càng tốt.

Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Đầu tư Bất động sản vào vai khách hàng có nhu cầu mua nhà, tìm hiểu về dự án. Khi phóng viên trong vai khách hàng tìm hiểu mua nhà dự án này, thì nhân viên bán hàng của Công ty Danh Khôi khuyến khích, nếu khách hàng đóng trước 90% giá trị căn hộ thời điểm này, sẽ được chủ đầu tư chiết khấu lại 18% giá trị căn hộ cho khách hàng.

Đặc biệt, sau những bài viết phản ánh về sai phạm của dự án này, tới nay, các nhân viên bán hàng vẫn liên tục gọi điện chào bán căn hộ tại dự án này cho khách hàng.

Không chỉ về vấn đề tài chính, dự án này còn có những vấn đề về hồ sơ pháp lý. Cụ thể, về việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, trong hồ sơ của dự án nêu rõ, ngày 16/2/2017, Cục Quản lý các hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) có Công văn 123/HĐXD-QLTK thông báo kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình, trong đó dự án có 992 căn (tăng quy mô dự án từ 312 căn tăng lên 992 căn so với Quyết định 51 /QĐ-SXD-TĐDA ngày 28/4/2010 của Sở Xây dựng TP.HCM). Tuy nhiên, công văn này lại căn cứ theo Quyết định 1118/QĐ-TNMT-QLMT ngày 31/12/2007 về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (đã hết hiệu lực).

Trong khi đó, theo quy định Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường, sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trong trường hợp thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt đến mức được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 của Luật Bảo vệ môi trường.

Xung quanh vấn đều này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã liên hệ với lãnh đạo Công ty Danh Khôi qua mail để đặt câu hỏi, liệu chủ đầu tư đã lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường với dự án này hay chưa? Ngoài ra, trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người mua tại thời điểm này như thế nào khi đơn vị phát triển dự án Công ty Cổ phần Nhà Mơ và đơn vị phân phối dự án là Công ty Danh Khôi đã tổ chức bán cho nhiều người và thu tiền khi chưa đủ điều kiện mở bán, chưa có bảo lãnh của ngân hàng. Trách nhiệm của mỗi bên phải trả lại tiền cho người mua khi dự án không thực hiện đúng tiến độ?

Việc Công ty Danh Khôi có chủ trương thu 90% giá trị căn hộ của khách hàng như vậy có đúng hay không?

Tuy nhiên, hiện Công ty Danh Khôi vẫn chưa trả lời. Phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tìm cách liên hệ trực tiếp với lãnh đạo công ty này để tìm hiểu vụ việc, nhưng cũng bất thành.

Bên cạnh đó, phóng viên cũng liên hệ với UBND quận 8 về sai phạm của dự án này, cũng như vấn đề pháp lý liên quan, nhưng sau hơn 1 tuần hẹn gặp cũng không được lãnh đạo quận trả lời.

Dự án đang cầm cố ngân hàng?

Tháng 5/2016, thị trường bất động sản TP.HCM chấn động khi hơn 600 hộ dân sinh sống tại Chung cư The Harmona do Công ty cổ phần Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình (Tamexim) làm chủ đầu tư có nguy cơ tự dưng bị đuổi ra đường khi Ngân hàng BIDV Chi nhánh Bắc Sài Gòn thông báo phát mãi vì chủ đầu tư cầm cố chung cư này cho ngân hàng và chưa trả nợ khiến.

Đây không phải là trường hợp đơn lẻ, bởi sau đó Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cũng như Hà Nội đã lần lượt công bố hơn 100 dự án cắm ở ngân hàng. Vấn đề này trở thành câu chuyện nóng của thị trường bất động sản hiện nay và nó cho thấy khách hàng đứng trước nhiều rủi ro. Trong đó, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, Dự án Dream Home Palace cũng đang được cầm cố tại Ngân hàng LienvietPost Bank - Chi nhánh TP.HCM.

Cụ thể, ngày 24/3/2015, chủ đầu tư của dự án là Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Lý Khương đã thực hiện hợp đồng yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê khai cho LienvietPost Bank - Chi nhánh TP.HCM.

Điều khoản thực hiện là các khoản thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án xây dựng nhà ở tại dự án xây dựng chung cư cao tầng số 1436 Trịnh Quang Nghị, phường 7 quận 8 (Dự án Dream Home Palace.

Lý giải về việc này, ông Lê Công Sơn, Phó tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Nhà Mơ cho rằng, dự án muốn được ngân hàng bảo lãnh thì phải cầm cố cho ngân hàng và Dự án Dream Home Palace cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, đối với các dự án đang bị thế chấp và chưa đủ điều kiện mở bán theo thông báo của Sở Xây dựng, thì hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán đều bị vô hiệu. Người mua chịu toàn bộ rủi ro, vì đất dự án đã bị thế chấp, nên ngân hàng có quyền xử lý để thu lại vốn cho vay khi chủ đầu tư không trả được nợ. Các khoản thu của người mua nhà cũng chuyển hết về ngân hàng, vì đây là tài sản mà chủ đầu tư đã đăng ký giao dịch bảo đảm.

Bên cạnh đó, Dự án Dream Home Palace muốn được Sở Xây dựng chấp nhận đủ điều kiện mở bán, phải giải chấp. Bởi Sở Xây dựng chỉ ra thông báo dự án đủ điều kiện mở bán khi dự án đã xây xong móng và đất chưa bị thế chấp.

“Nếu dự án bị thế chấp và Ngân hàng Nhà nước đang cấm việc cho vay để đảo nợ, thì việc lấy sổ ra từ ngân hàng của chủ đầu tư càng khó khăn hơn nhiều. Chủ đầu tư chỉ có thể tìm kiếm một đối tác rót tiền vào để giải chấp đất đang thế chấp, còn tìm ngân hàng để cho vay là không thể”, luật sư Phượng nói.

Cũng theo luật sư Phượng, đối với những dự án có tình trạng như vậy, người mua nhà có nguy cơ cao sẽ mất tiền. Bên cạnh đó, việc một dự án có 2 dạng thế chấp tương ứng với tài sản (quyền sử dụng đất và tài sản) và quyền tài sản là điều mà khách hàng cần hết sức cẩn trọng.

Về Dự án Dream Home Palace, để biết dự án này có cầm cố ngân hàng hay không, khách hàng có thể tra cứu tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 8, nơi dự án xây dựng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Gia Huy
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục