Nhiều cơ chế đang được xây dựng
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII vừa được ban hành ghi rõ, các giải pháp thực hiện Quy hoạch được thực hiện theo Phần VI, Điều 1 của Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch. Dẫu vậy, trong 11 giải pháp được nêu ra tại Quyết định 500/QĐ-TTg, thì giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện để thực hiện được còn cần có thêm các hướng dẫn cụ thể từ Bộ Công thương cũng như các cơ quan khác.
Có thể lấy ví dụ về yêu cầu “khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, nguồn điện tự sản, tự tiêu”. Tại bảng 6 thuộc Phụ lục II, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII có phân chia cụ thể phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà theo từng địa phương với tổng công suất toàn quốc là 2.600 MW. Tuy nhiên, ở thời điểm tháng 4/2024, vẫn chưa có hướng dẫn của Bộ Công thương cho phát triển điện mặt trời mái nhà.
Dự thảo về phát triển điện mặt trời mái nhà mà Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến hồi tháng 12/2023 chỉ khuyến khích tự sản, tự tiêu cũng được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét là không khuyến khích người dân tận dụng loại năng lượng trời cho này.
“Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc cho phép mua bán điện giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng một tòa nhà như vậy sẽ có thêm nguồn lực để phát triển điện mặt trời mái nhà, giúp cân bằng phụ tải tốt hơn (do hạn chế được lượng điện dư), nên cần được khuyến khích. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà giữa các khách hàng mà không truyền tải qua lưới điện quốc gia”, bản góp ý của VCCI nhấn mạnh.
Từ góc độ doanh nghiệp ngành điện có liên quan, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho hay, nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà là của nhà dân, nên không quan tâm việc phải có giấy phép phòng cháy chữa cháy. Hay khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xử lý sau thanh, kiểm tra đưa ra quy định phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền địa phương, ngành điện chủ động mời UBND tỉnh, nhưng không phải chỗ nào cũng vào, vì có tâm lý ngại sau này có sai phạm gì lại phải chịu trách nhiệm.
“Điện lực yêu cầu người dân tự hoàn thiện giấy tờ còn thiếu, thì họ bức xúc cho rằng, trước đây không có yêu cầu như thế, giờ lại yêu cầu nhiều thứ quá. Mà không đủ giấy tờ, thì điện lực không dám thanh toán”, đại diện EVNNPC cho hay.
Thậm chí, có những hộ dân đang vướng mắc về giấy tờ, điện lực không dám thanh toán, thì họ dỡ luôn hệ thống điện mặt trời mái nhà để đỡ… bực mình. Nhưng ngành điện bị vướng là sản lượng họ đã phát bán cho mình trước đây giờ không có đủ giấy tờ theo yêu cầu để thanh toán, nên cứ để tồn tại. “Chúng tôi đã báo cáo cấp trên, nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết”, đại diện EVNNPC cho biết.
Đối với việc phát triển các dự án điện gió trên đất liền và gần bờ với tổng công suất lên tới 21.880 MW vào năm 2030 mà Quy hoạch và Kế hoạch nêu ra với các địa phương cụ thể so với tổng công suất lũy kế mới chỉ có 3.986 MW cuối năm 2022, công việc cũng chưa dễ dàng.
Một nhà đầu tư cho hay, sau khi đã phát triển một số dự án điện gió ở miền Trung và Tây Nam bộ, doanh nghiệp đã nhanh chân tiến ra các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng làm xong 1 cột điện gió mất vài chục tỷ đồng rồi… thôi.
“Gió khá thấp, không có hiệu quả, thà bỏ sớm, mất ít còn hơn lao đầu vào làm tiếp”, vị này nói và cho biết thêm, hiện vẫn chưa có giá mua cho điện gió. Nếu áp dụng giá mua theo Quyết định 21/QĐ-BCT thì cũng rất thấp, nhưng cũng chỉ cho các dự án thuộc diện chuyển tiếp, dự án điện gió mới vẫn chưa có phương án giá mua, nên nhà đầu tư tạm dừng lại.
Mọi con đường đều dẫn tới PPA
Quy hoạch Điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch có nhắc tới hàng loạt dự án nhiệt điện khí trong nước và sử dụng LNG nhập khẩu sẽ vận hành trong giai đoạn 2027-2030, tức là sau khoảng 3-6 năm nữa. Trong đó, tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW và tổng công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW.
Tuy nhiên, Báo cáo của Bộ Công thương gửi Chính phủ hồi tháng 12/2024 tính toán, cần 7 - 10 năm mới có thể làm xong dự án điện khí LNG. Cụ thể, thời gian để hoàn thành lập, phê duyệt hồ sơ báo cáo khả thi và các văn bản pháp lý cần thiết cho dự án điện khí LNG mất 2-3 năm. Sẽ mất 2-4 năm cho đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) và thu xếp vốn vay, tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm và tài chính của nhà đầu tư.
Thời gian xây dựng, đưa vào vận hành một nhà máy công suất khoảng 1.500 MW là 3,5 năm. Nhưng các thời gian được nhắc tới trên cũng không tính tới việc đàm phán PPA. Trong khi đó, nếu chủ đầu tư không ký được PPA với EVN, thì nguồn vay vốn để thực hiện dự án điện dù được thu xếp xong, vẫn không thể giải ngân được.
Có thể lấy ví dụ trường hợp Dự án điện Nhơn Trạch 3&4. Tháng 2/2019, Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; tới tháng 3/2022 ký Hợp đồng cho Gói thầu Thiết kế, mua sắm, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) với thời gian thực hiện Dự án là 36 tháng. Ở thời điểm hiện nay, dự kiến Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 hoàn thành và phát điện thương mại vào tháng 11/2024 và Nhà máy Điện Nhơn Trạch 4 vào tháng 5/2025, nhưng PPA vẫn chưa được ký.
“Chúng tôi cũng theo dõi kỹ các khoản vay được giải ngân của Dự án Nhơn Trạch 3&4 và được biết, một số khoản vay đã được giải ngân có tài sản đảm bảo là từ nguồn khác của chủ đầu tư. Còn khoản vay tín dụng xuất khẩu dùng nguồn thu của dự án vẫn chưa giải ngân”, chuyên gia thu xếp vay vốn cho các dự án điện của một tổ chức tài chính châu Âu nhận xét.
Vị chuyên gia này cũng cho hay, ngân hàng phải nhìn vào PPA chính thức mới biết dòng tiền, lãi lỗ ra sao để quyết định cho dự án vay. Tất nhiên, cũng có những dự án mà nhà đầu tư thế chấp bằng các tài sản khác, chứ không phải bằng chính dự án đó, thì vẫn có thể xem xét thu xếp vốn vay, nhưng các trường hợp này là không nhiều.
Đáng nói là, khi chưa thu xếp xong vốn, thì ít có nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài nào dám bỏ cả tỷ USD xây dựng các dự án điện lớn rồi… để sau tính. Bởi vậy, một điều tiên quyết khác để các dự án điện lớn được triển khai như Quy hoạch và Kế hoạch đặt ra nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước chính là các vấn đề tài chính liên quan đến ngành điện cần phải rõ ràng, chi tiết, cụ thể hơn nữa.
Giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện
Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện.
Đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển điện lực, đảm bảo quốc phòng, an ninh và cạnh tranh trong thị trường điện. Tăng cường kêu gọi, sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế (JETP, AZEC…), các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh...
Đa dạng hóa hình thức đầu tư (nhà nước, tư nhân, đối tác hợp tác công - tư…) đối với các dự án điện. Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, thu hút mạnh khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển điện. Tiếp tục đàm phán, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ, hỗ trợ thu xếp vốn của các đối tác quốc tế trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng và hướng tới phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam.
Khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, nguồn điện tự sản, tự tiêu.
Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện.
Từng bước tăng khả năng huy động tài chính của các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lực theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế.
Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để phát triển các dự án điện.
Nguồn: Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Điện VIII