Dự án điện mặt trời 450 MW của Trung Nam muốn được công nhận COD ngày 30/9/2020

0:00 / 0:00
0:00
Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã chính thức đề nghị bên mua điện công nhận ngày 30/9/2020 là ngày vận hành thương mại (COD) cho Dự án 450 MW tại tỉnh Ninh Thuận.
Dự án điện mặt trời 450 MW của Trung Nam muốn được công nhận COD ngày 30/9/2020

Căn cứ theo mục 16, điều 1 của Hợp đồng mua bán điện số 05/2020/HĐ-NMĐMT-THUANNAM.NT được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam) ký ngày 25/5/2020, Công ty đã phối hợp chắc chẽ với Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), Công ty Mua bán điện (EPTC) và các đơn vị nhà thầu thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, nhà thầu thí nghiệm thiết bị thực hiện hoàn thành các thử nghiệm kỹ thuật của dự án theo quy định hiện hành của tại văn bản 25/QĐ-ĐTĐL ngày 26/3/2019 của Cục Điều tiết điện lực.

Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam cũng đã được Cục Điều tiết điện lực của Bộ Công thương cấp Giấy phép hoạt động điện lực số 236/GP-ĐTĐL vào ngày 8/9/2020. Công ty cũng đã cùng EPTC thực hiện hoàn thành công tác chốt chỉ số công tơ để bắt đầu thanh toán theo quy định ngày 29/9/2020.

Hiện toàn bộ công trình Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam, các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia đã hoàn thành nghiệm thu đảm bảo chất lượng công trình và đảm bảo truyền tải điện từ Nhà máy điện mặt trời Trung Nam đến điểm đấu nối.

Cụ thể, Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam hoàn thành ngày 29/9/2020. Đường dây 220 kV được nghiệm thu đóng điện ngày 7/9/2020 và hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 10/9/2020. Đường dây 500 kV đấu nối từ trạm biến áp Thuận Nam đến trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân hoàn thành nghiệm thu đóng điện ngày 29/9/2020.

Bởi vậy, Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã đề nghị bên mua điện công nhận ngày 30/9/2020 là ngày vận hành thương mại của Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Như vậy, với đề nghị công nhận COD này và khi được chấp thuận, Dự án điện mặt trời có công suất 450 MW của Tập đoàn Trung Nam có thể được hưởng giá điện 9,35 UScent/kWh trong hạn mức cộng dồn 2.000 MW được dành riêng cho tỉnh Ninh Thuận.

Trước đó vào ngày 9/1/2020, Dự án Nhà máy điện mặt trời quy mô công suất 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng được giao tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời nêu trên, kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được trình lên các cơ quan hữu trách xem xét với quy mô tổng vốn đầu tư sau thuế là 11.814 tỷ đồng với dự tính vốn tự có của nhà đầu tư là 30% và vốn vay là 70%.

Cụ thể, Nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW có quy mô đầu tư là 9.492 tỷ đồng; trạm biến áp 500 kV là 1.876 tỷ đồng; đường dây 500 kV đấu nối khoảng 423 tỷ đồng và đường dây 220 kV đấu nối là khoảng 22 tỷ đồng.

Ở phần đường dây truyền tải, giai đoạn năm 2020 sẽ lắp trước 2 máy biến áp (MBA) 900 MVA vận hành đồng bộ với nhà máy. Đầu tư đường dây 500 kV mạch kép dài 15,5 km để đấu nối về trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân của ngành điện; xây dựng 4 mạch đường dây 220 kV dài khoảng 1 km từ trạm biến áp của Nhà máy tới các trục đường dây truyền tải quốc gia.

Trong thông báo số 356/TB-SKHĐT ngày 14/2/2020 về nộp hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra yêu cầu tổng vốn đầu tư tuân thủ theo định mức về quản lý đầu tư xây dựng, trong đó vốn tự có tối thiểu là 20%. Dự án cũng được yêu cầu hoàn thành xây dựng đưa vào hoạt động đồng bộ cả nhà máy điện mặt trời và hạ tầng truyền tải trong năm 2020.

Đáng chú ý nhất về giá điện áp dụng cho dự án, đề bài thầu chỉ cho biết, giá bán điện được thực hiện theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018, Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22/11/2019.

Vào ngày 3/4/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có quyết định chọn Trung Nam là nhà phát triển dự án này.

Điều 5. Giá mua điện đối với các dự án điện mặt trời nối lưới (Quyết định 13/2020/QĐ-TTg)

1. Dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23 tháng 11 năm 2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng Biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện quy định tại Phụ lục của Quyết định này.

2. Giá mua điện tại Biểu giá mua điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá của đồng Việt Nam với đô la Mỹ (tính tương đương UScents/kWh), tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày Bên bán điện xuất hóa đơn thanh toán. Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

3. Đối với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 UScents/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10 tháng 4 năm 2017 là 22.316 đồng/USD), được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày Bên bán điện xuất hóa đơn thanh toán.

4. Giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới không đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 và khoản 3 Điều này được xác định thông qua cơ chế cạnh tranh.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục