Rất nhiệt tình với điện gió, nhưng Quảng Trị lại đang gặp tình huống con gà - quả trứng trong vấn đề lập và phê duyệt quy hoạch đất phục vụ cho quá trình lập hồ sơ mời quan tâm, mời thầu dự án điện gió.
Lỗi không nằm ở gió mà ở Luật
Rất sốt sắng trong việc tổ chức triển khai các bước lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện gió khi thời gian trước đó có nhiều dự án dừng chân nơi đây, nhưng tỉnh Quảng Trị đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 126 Luật Đất đai, điều kiện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất gồm có 4 loại.
Đó là thuộc danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu có sử dụng đất được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; có quy hoạch chi tiết hoặc có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được duyệt; điều kiện theo quy định chung của pháp luật đấu thầu và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.
|
Một dự án điện gió tại huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Trần Tuyền. |
Hiện, căn cứ để phê duyệt hồ sơ mời thầu được quy định tại Điều 13 Nghị định 115/2024/NĐ-CP. Tuy nhiên, tại Điều 39 Nghị định 115/2024/NĐ-CP, việc phê duyệt hồ sơ mời quan tâm cũng phải bảo đảm phù hợp với Điều 13 Nghị định 115, trong đó đáng chú ý là quy định “phù hợp với quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
“Các quy định này phù hợp với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới, cải tạo, chỉnh tranh đô thị chứ không phù hợp với các dự án điện gió”, là nhận xét từ UBND tỉnh Quảng Trị tới Chính phủ.
Theo phân tích của địa phương này từ thực tế hàng chục dự án điện gió đã đầu tư tại đây thì dự án điện gió có đặc thù là chưa xác định cụ thể vị trí tuabin, hướng tuyến cũng như các công trình liên quan nên việc lập quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm căn cứ phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu gặp khó khăn trong quá trình triển khai.
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết thêm: việc lập quy hoạch phân khu 1/2.000 cho tất cả các vùng có tiềm năng điện gió không chỉ tốn kém ngân sách mà còn chứa rủi ro lớn. Bởi rất có thể diễn ra tình trạng lập xong mà không có ai mặn mà đầu tư thì lại thành quy hoạch “treo” - đất vẫn trống không, tiền mất, còn gió vẫn bay.
“Thực tế các dự án điện gió trên địa bàn cho thấy, một số vị trí tuabin, đường dây đấu nối tuabin chỉ được chuẩn xác tối ưu khi lựa chọn được nhà cung cấp thiết bị. Do đó việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 có khả năng phải điều chỉnh nhiều lần, gây lãng phí trong quá trình đầu tư, dẫn tới chậm tiến độ trong chọn nhà đầu tư thực hiện dự án”, đại diện UBND tỉnh Quảng Trị cho hay.
Loanh quanh con gà - quả trứng
Theo các chuyên gia, để thực hiện dự án điện gió, nhà đầu tư phải phối hợp với nhà cung cấp tuabin và tư vấn thiết kế kỹ thuật để tính toán chi tiết khoảng cách tối thiểu giữa các tuabin, khoảng cách an toàn và điều kiện vận hành tối ưu theo đặc tính công nghệ cụ thể của từng loại tuabin định dùng.
Cạnh đó, để đảm bảo hiệu suất và an toàn, nhà đầu tư phải lắp thiết bị đo gió với thời gian ít nhất là 12 tháng liên tục để có dữ liệu về tốc độ, hướng, mật độ năng lượng gió và đặc điểm khí tượng. Khi chưa có các yếu tố này thì không xác định được cấu hình tối ưu và vị trí đặt tuabin.
Đáng nói là những công việc này chỉ được thực hiện khi đã xác định/chấp thuận nhà đầu tư.
Một điểm thách thức khác là quy định tiêu chí đất sử dụng cho các dự án điện gió phải phù hợp với quy mô công trình. Theo quy định của Thông tư 02/2019/TT-BCT, suất sử dụng đất có thời hạn của dự án điện gió không quá 0,35 ha/MW, diện tích sử dụng đất tạm thời của dự án điện gió không quá 0,3 ha/MW.
Với thực tế mỗi dự án điện gió trong Quy hoạch điện VIII và VIII điều chỉnh đều có công suất từ 50 MW đến 100 MW. Vì thế, việc lập quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của dự án sẽ gặp tình huống khó xác định được vị trí thửa đất khi chưa xác định được vị trí của tuabin và tổng mặt mặt của dự án.
Bởi vậy, từ khi có Quy hoạch Điện VIII và sau đó là Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII tới nay vẫn rất hiếm hoi các địa phương triển khai lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bởi sự "khập khiễng" giữa yêu cầu pháp lý và thực tiễn triển khai.
Trước thực tế này, đề phù hợp với thực tế và giúp đẩy nhanh được tiến độ các dự án điện gió, tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ/ngành liên quan cho phép các địa phương trong quá trình phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu cho các dự án năng lượng không xem xét đến việc phù hợp với quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.