Dự án điện chờ kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII

0:00 / 0:00
0:00
Tạm thở phào sau khi Quy hoạch Điện VIII được ban hành, thì nay, nhà đầu tư lại mòn mỏi chờ kế hoạch thực hiện quy hoạch này.
Quy hoạch đề ra mục tiêu 6.000 MW điện gió cho giai đoạn tới 2030. Trong ảnh: Dự án Điện gió Nhơn Hội 1. Ảnh: Đức Thanh Quy hoạch đề ra mục tiêu 6.000 MW điện gió cho giai đoạn tới 2030. Trong ảnh: Dự án Điện gió Nhơn Hội 1. Ảnh: Đức Thanh

Những khoảng trống pháp lý

Mới đây, Bộ Công thương có Tờ trình lần thứ 3 gửi Chính phủ đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).

Tại tờ trình này, Bộ Công thương cho biết đã nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII sau khi có sự đóng góp của 47/63 địa phương có phản hồi.

Trong Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cho một số bộ, ngành xây dựng các chính sách liên quan nhằm thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

Cụ thể, đề nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án điện; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, vốn ODA và vốn tư nhân cho phát triển ngành điện đồng bộ, cân đối và bền vững.

Bộ Tài chính được đề nghị giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng cơ chế tài chính và cơ chế huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện. Bên cạnh đó, xây dựng các chính sách về giá điện theo cơ chế thị trường, rà soát các quy định pháp luật về thuế, tài chính, kế toán, nhằm hỗ trợ thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng, tiết kiệm điện có hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước được đề nghị chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các khách hàng, doanh nghiệp đầu tư các dự án điện thuộc Quy hoạch Điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng một cách thuận lợi theo quy định pháp luật.

Quy hoạch Điện VIII và Dự thảo Kế hoạch thực hiện đã đưa ra quy mô vốn đầu tư giai đoạn 2021-2023 là 57,1 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 48,1 tỷ USD và truyền tải là 9 tỷ USD. Còn giai đoạn 2026-2030 là 77,6 tỷ USD, trong đó, nguồn điện là 71,6 tỷ USD và truyền tải là 5,9 tỷ USD.

Nhìn nhận vấn đề này, các chuyên gia năng lượng cho hay, nếu không có các chính sách rõ ràng và cụ thể, thì việc thu hút vốn đầu tư vào ngành điện sẽ không dễ.

Trong Báo cáo Rà soát quy định pháp luật liên quan tới việc xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII vừa hoàn tất, Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II cũng đã có những nhận xét chi tiết về một số cơ sở pháp lý và khoảng trống chính sách cần xem xét bổ sung.

Đơn cử, Bộ Công thương cần sớm nghiên cứu, trình Chính phủ phê duyệt và ban hành các quy định liên quan tới phương pháp, trình tự lập và thẩm định khung giá phát điện của các loại hình nguồn điện mới: thủy điện tích năng, pin tích năng, nguồn nhiệt điện linh hoạt, điện gió ngoài khơi. Đồng thời, nghiên cứu về xây dựng lộ trình, cơ chế để các nhà máy điện năng lượng mới, năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện.

Báo cáo cũng đề xuất, cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để khuyến khích đơn vị tư nhân tham gia đầu tư, xây dựng lưới điện truyền tải, đặc biệt là lưới điện đấu nối nguồn điện vào hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh đó, điều chỉnh bổ sung phương pháp tính giá truyền tải tại Thông tư 02/2017/TT-BCT và Thông tư 14/2022/TT-BCT sao cho phản ánh đúng chi phí truyền tải giữa nguồn phát gần phụ tải và nguồn phát xa phụ tải, có xét tới yếu tố nghẽn mạch hệ thống, đồng thời khuyến khích thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia đầu tư xây dựng lưới truyền tải…

Các nguồn điện mới ngóng cơ chế

Trong Tờ trình lần 3 về ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công thương cũng nhắc tới việc xác định cụ thể dự án và doanh nghiệp trong nước triển khai thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi đang gặp khó khăn.

Thực tế, hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng do chưa phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển. Bên cạnh đó, pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư điện gió ngoài khơi.

Báo cáo Rà soát quy định pháp luật liên quan tới việc xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII cũng cho hay, dù Quy hoạch có nêu mục tiêu đạt 6.000 MW điện gió cho giai đoạn tới 2030, nhưng việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu hành lang pháp lý.

Cụ thể, chưa ban hành quy hoạch không gian biển quốc gia, nên theo Luật Quy hoạch, chưa có căn cứ để xây dựng bản đồ quy hoạch cho điện gió ngoài khơi.

Trong khi đó, trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã đề xuất xin phép được đầu tư dự án điện gió ngoài khơi trên khắp các vùng biển Việt Nam, với tổng quy mô công suất lên đến hơn 160.000 MW, dẫn tới nguy cơ xung đột về pháp lý trong quá trình triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

Đồng thời, việc cấp phép cho nghiên cứu khảo sát khu vực biển chưa thực hiện được do phải chờ phê duyệt sửa đổi Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.

Các dự án điện LNG đang triển khai thì gặp khó trong đàm phán hợp đồng mua bán điện, thu xếp vốn bởi một số cơ chế chính sách liên quan vẫn chưa có.

Bảng 1, Phụ lục II của Quyết định 500/QĐ-TTg năm 2023 có ghi chú: “Trong quá trình triển khai Quy hoạch Điện VIII, nếu các dự án trong danh mục này gặp khó khăn, vướng mắc, không triển khai được, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đẩy sớm tiến độ các dự án quy hoạch giai đoạn sau lên và/hoặc lựa chọn các dự án khác thay thế tại các vị trí tiềm năng để đảm bảo an ninh cung cấp điện”.

Các chuyên gia cho rằng, chỉ dẫn này cần được làm rõ các điều kiện liên quan “khó khăn, vướng mắc, không triển khai được”, để đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 53, Luật Quy hoạch về căn cứ điều chỉnh quy hoạch.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục