Dự án chậm tiến độ, trách nhiệm “hòa cả làng”

Hầu hết công trình xây dựng ở Việt Nam đều chậm tiến độ nhưng số lượng nhà thầu bị phạt do chậm tiến độ “chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Nhiều dự án bị kéo dài còn bởi các nhà thầu không đủ năng lực do việc đấu thầu quá thiên về vấn đề giá rẻ, nhà thầu đầu tư dàn trải dẫn đến thiếu vốn. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Nhiều dự án bị kéo dài còn bởi các nhà thầu không đủ năng lực do việc đấu thầu quá thiên về vấn đề giá rẻ, nhà thầu đầu tư dàn trải dẫn đến thiếu vốn. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Giải phóng 10 năm chưa xong mặt bằng

 

Giải phóng mặt bằng được ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam - nhấn mạnh là một trong những nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ dự án xây dựng.

 

“Vấn đề hầu như dự án nào cũng mắc phải đó là công tác giải phóng mặt bằng luôn chậm. Có những dự án công tác giải phóng mặt bằng kéo dài 5 năm, 10 năm. Thậm chí như dự án đường vành đai 1 của Hà Nội hơn 10 năm rồi chưa xong mặt bằng”, ông Trần Ngọc Hùng chia sẻ.

 

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT phản ánh, mỗi năm, ngành đưa vào khai thác hàng ngàn km đường bộ, hàng trăm cầu đường bộ, đường sắt, cùng các cảng biển, cảng hàng không… giá trị xây lắp 30 – 40 nghìn tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, phần lớn các công trình xây dựng của ngành đều bị chậm tiến độ vì không được giao mặt bằng đúng thời gian. Các vướng mắc, khiếu nại của người dân liên quan đến GPMB như giá đền bù, phương thức đền bù không rõ ràng, không được giải quyết dứt điểm, gây cản trở đến quá trình thi công.

 

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn thành phố có 118 dự án sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên chậm tiến độ, trong đó có 69 dự án nguyên nhân từ giải phóng mặt bằng. “Chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng xuất hiện ở hầu hết các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước” – TS. Phạm Văn Khánh, Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), nhận định

 

“Nhiều quy định có trong Luật Xây dựng nhưng khi triển khai thực tế chưa được như mong muốn, ví dụ như quy định chủ đầu tư khi triển khai các gói thầu của dự án phải có mặt bằng sạch hoặc ít nhất có cam kết bàn giao mặt bằng đúng tiến độ nhưng chủ đầu tư chưa làm được việc đó”.

 

Nguyên nhân chính dẫn đến vướng mắc về giải phóng mặt bằng lại chính là chính sách trong vấn đề này. Ông Trần Ngọc Hùng liệt kê: giá đền bù thiếu nhất quán và không phù hợp, nơi ở và điều kiện tái định cư cho người bị thu hồi đất “không bằng và không tốt hơn nơi ở cũ”. Đặc biệt là tình trạng cơ sở hạ tầng không đồng bộ, nhà tái định cư chất lượng kém và nhanh xuống cấp. Tỉ lệ nhà tái định cư chuyển cho chủ khác chiếm 50 – 70% căn hộ.

 

Không “của đau, con xót”

 

Còn tồn tại hàng loạt nguyên nhân khác khiến cho công trình chậm tiến độ. Đó là hiện tượng công trình xây dựng không đồng bộ khi mà nhiều nhà máy nước hoàn thành nhưng thiếu đường ống dẫn đến hộ tiêu thụ, nhà máy điện làm xong nhưng không có đường dẫn điện, hồ chứa nước làm xong không có đường dẫn nước, cầu làm xong không có đường dẫn… Nguyên nhân song hành chính là thủ tục hành chính còn hạn chế, quy định pháp luật chồng chéo dẫn đến thủ tục đầu tư rất chậm, rất nhiều dự án có giai đoạn chuẩn bị đầu tư kéo dài 2 - 4 năm.

 

Nhiều dự án bị kéo dài còn bởi các nhà thầu không đủ năng lực do việc đấu thầu quá thiên về vấn đề giá rẻ, nhà thầu đầu tư dàn trải dẫn đến thiếu vốn. Bà Trần Tố Nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT), cho biết, nhiều nhà thầu để có tiền đảo nợ đã sẵn sàng bỏ giá thầu thấp, khi triển khai thi công thì tìm cách giao khoán cho các đội thợ không đủ năng lực.

 

Dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam chậm tiến độ, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, không chỉ ảnh hưởng kinh tế mà còn kéo theo nhiều tác động xã hội. “Hầu hết các dự án đều chậm tiến độ nhưng trong hàng vạn dự án đang triển khai ở nước ta, số lượng nhà thầu bị phạt do chậm tiến độ “chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Tại sao các chế tài trong hợp đồng kinh tế khi “chậm tiến độ” không được xử lý nghiêm minh, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước.

 

Phải chăng chủ đầu tư chỉ là những ông “chủ hờ” nên không “của đau con xót”? Phải chăng có sự nể nang với các nhà thầu cùng địa phương, cùng một cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí vì những lý do tế nhị, nhận “hoa hồng”, hưởng “phết phẩy” nên không xử lý” - ông Trần Ngọc Hùng bức xúc.


PLVN

Tin cùng chuyên mục