Dự án Cấp nước sông Đà giai đoạn II: “Đuối” tiến độ vì đầu tư nhỏ giọt

0:00 / 0:00
0:00
Dự án Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn II “giậm chân tại chỗ” do đầu tư nhỏ giọt.
Dự án Cấp nước sông Đà giai đoạn II: “Đuối” tiến độ vì đầu tư nhỏ giọt

Là một trong 4 dự án cấp nguồn mà Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, tập trung trong năm 2020 - 2021, nhưng Dự án Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn II chưa có nhiều tiến triển, dù chủ đầu tư đã “thay máu” cổ đông.

Kế hoạch tham vọng, nhưng đầu tư còn chậm

Trên trục Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), trong khi nhiều dự án đô thị đã và đang được triển khai khẩn trương và sôi động, thì Dự án Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn II (gọi tắt là Dự án Cấp nước sông Đà giai đoạn II) với tuyến ống chạy dọc đại lộ này vẫn “chậm” tiến độ, dù đã qua 5 năm kể từ ngày khởi công.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) - chủ đầu tư Dự án Cấp nước sông Đà giai đoạn II, trong năm 2019 đã hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng Phân kỳ 1 gồm: Trạm Điều tiết Tây Mỗ và 6,4 km tuyến ống truyền tải từ Trạm Điều tiết về đường Vành Đai 3 với tổng chi phí đầu tư 662 tỷ đồng. Tổng giá trị đầu tư của Dự án Giai đoạn 2 đến 31/12/2020 là 797,2 tỷ, trong đó giá trị xây dựng cơ bản dở dang của Dự án là 135,2 tỷ đồng. Ngoài các khoản đã đầu tư trên, Viwasupco cũng đã ký kết một số hợp đồng đầu tư vào các tài sản cố định của Dự án với số vốn cam kết theo cập nhật mới nhất ở thời điểm cuối năm 2019 là 212,5 tỷ đồng.

Dự án Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông đã được phê duyệt năm 2003. Giai đoạn I với tuyến ống truyền tải Giai đoạn 1 dài 45,8 km, công suất 300.000 m3/ngày đêm, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng đã được triển khai năm 2005 và hoàn tất vào năm 2009. Đây cũng là dự án nhiều tai tiếng, bởi đã xảy ra hàng chục lần vỡ đường ống liên tiếp từ năm 2012 và gần nhất là sự cố nhiễm dầu thải tại nguồn hồi tháng 10/2019.

Dự án Cấp nước sông Đà giai đoạn II dự kiến nâng công suất cấp nước lên 600.000 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng (chưa bao gồm giá trị đầu tư Trạm Điều tiết Tây Mỗ và 6,4 km tuyến ống truyền tải từ Trạm Điều tiết về đường Vành Đai 3 để nâng Công suất Nhà máy Nước sạch Sông Đà Giai đoạn I nên 300.000 m3/ngày đêm từ tháng 6 năm 2019). Trong đó, hạng mục tuyến ống truyền tải nước sạch dài 46 km được thiết kế nằm trong dải phân cách giữa đường cao tốc phải và đường gom phải của đại lộ Thăng Long, có dự toán trên 1.047 tỷ đồng. So với tổng mức đầu tư, chi phí xây dựng dở dang của Dự án Cấp nước sông Đà giai đoạn II được ghi nhận chưa đến 3%.

“Thay máu” cổ đông, Dự án vẫn chưa thể đẩy nhanh tiến độ

Giữa năm 2020, Sở Xây dựng TP. Hà Nội “đánh tiếng” yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung trong năm 2020 - 2021 tại 4 dự án cấp nguồn, trong đó có Dự án Cấp nước sông Đà giai đoạn II.

Sự chậm trễ của Dự án trong 5 năm qua một phần bởi những điều chỉnh trong phương án thiết kế, gói thầu cung cấp ống gang dẻo cho hạng mục tuyến ống đã có sự thay đổi sang ống được nhập từ Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) thay vì từ nhà thầu Trung Quốc ban đầu. Bản thân chủ đầu tư Viwasupco cũng liên tục “thay máu” cổ đông trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, theo thông tin được biết thì tiến độ triển khai đầu tư của Dự án giai đoạn II đến nay vẫn bị chậm là do sau sự cố tràn dầu tháng 10 năm 2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã tạm ngừng hiệu lực Quyết định chủ trương Đầu tư của Dự án Giai đoạn II cho đến khi Công ty có giải pháp lấy nguồn nước từ Sông Đà cung cấp trực tiếp vào nhà máy xử lý tại Quyết định số 2453/QĐ-UBND ngày 05/11/2019. Việc tam ngừng quyết định đầu tư của Dự án dẫn đến Công ty không thể triển khai đầu tư thêm được bất cứ hạng mục hay các công việc quan trọng nào của Dự án Giai đoạn II mà chỉ tập trung vào điều chỉnh thiết kế của Dự án theo yêu cầu của tỉnh Hòa Bình để đảm bảo an ninh nguồn nước. Sau rất nhiều cuộc họp, văn bản báo cáo, giải trình phương án không sử dụng Hồ Đầm Bài với tỉnh Hòa Bình, đến tháng 5/2020 Công ty đã có báo cáo cuối cùng gửi UBND tỉnh Hòa Bình xem xét quyết định. Ngày 1/10/2020 UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định 2359/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định số 2453/QĐ-UBND ngày 05/11/2019 và yêu cầu Công ty bổ sung hạng mục tuyến ống kín đi ven Hồ Đầm Bài (không sử dụng Hồ Đầm Bài). Việc bổ sung thêm hạng mục tuyến ống này cần phải có thời gian để Công ty thực hiện triển khai các công việc tiếp theo theo quy định như: Được thủ tướng Chính phủ chấp thuận không sử dụng Hồ Đầm Bài làm hồ sơ lắng và điểm trung chuyển nước trước khi xử lý của Dự án, Điều chỉnh Chủ trương đầu tư, điều chỉnh thiết kế cơ sở và thẩm định thiết kế cơ sở, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và thẩm định thiết kế kỹ (Cục Hạ tầng của Bộ Xây dựng sẽ thẩm định các bước thiết kế trên theo quy định).

Sau khi cổ đông ngoại Acuatico Pte Ltd (Singapore) thoái vốn vào năm 2016 và tiếp sau đó là sự rút lui của công ty mẹ Vinaconex, cơ cấu sở hữu của Viwasupco hiện gồm hai cổ đông chính, đều là các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Trong đó, Công ty Năng lượng Gelex (công ty con của Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam) sở hữu 60,46% vốn; Công ty Nước sạch REE (công ty con thuộc sở hữu 100% của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh) nắm 35,95% vốn.

Viwasupco đã ký hợp đồng tín dụng với Vietcombank Chi nhánh Tây Hồ với hạn mức 4.300 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối đa lên tới 216 tháng (18 năm) vào cuối năm 2018. Hợp đồng này thay thế cho hợp đồng tín dụng hồi cuối năm 2015 với hạn mức chỉ 960 tỷ đồng.

Do Dự án Cấp nước sông Đà giai đoạn II không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nên các nguồn huy động đến từ nguồn vốn tự có và vốn vay tín dụng thương mại. Đến cuối năm 2020, Viwasupco đã vay 520 tỷ đồng. Về năng lực tài chính, đến cuối năm 2020, quy mô vốn chủ sở hữu của Viwasupco khá lớn (1.168 tỷ đồng), vẫn chiếm tới 64% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp (1.821,35 tỷ đồng) và tương đương gần 24% tổng vốn đầu tư của Dự án.

Theo số liệu cập nhật cuối năm 2019, Viwasupco là nhà cung cấp nguồn nước nắm 25% thị phần tổng sản lượng toàn hệ thống ở Hà Nội, độ phủ thị trường thông qua các công ty phân phối phục vụ hơn 1,1 triệu người dân, chiếm khoảng 29% dân số đô thị. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Viwasupco đạt gần 207 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2019.

Tuy nhiên, khác với thời điểm cách đây 10 năm, thị trường cấp nước Hà Nội cũng đã có sự cạnh tranh khốc liệt với sự góp mặt của nhiều công ty lớn, như Công ty cổ phần Nước Aqua One (đã hoàn thành đầu tư Nhà máy nước Sông Đuống giai đoạn II), Công ty cổ phần Nước mặt Sông Hồng (Dự án Nhà máy nước Sông Hồng)… Bản thân các công ty cấp nước lớn của Hà Nội cũng tự đầu tư hoặc liên doanh để chủ động nguồn cấp nước.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, ông Nguyễn Xuân Quý, Tổng giám đốc Viwasupco cũng thừa nhận, việc chậm triển khai tuyến ống giai đoạn II không chỉ dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cấp cho các khu vực nội thành và ngoại thành Hà Nội, mà còn dẫn đến làm mất địa bàn cấp nước theo quy hoạch đã được phê duyệt cũng như không phát triển được hệ thống tuyến ống truyền dẫn cấp 2 tới các khu vực trọng yếu.

Với tình hình đầu tư phát triển các nguồn cấp mới cũng như phát triển mạng lưới truyền tải, phân phối và dịch vụ, miếng bánh thị phần của Viwasupco trong tương lai có thể có những biến động.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục