Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết: Nặng chi phí xử lý hậu thí điểm

Nhà đầu tư thứ nhất được chỉ định tại Dự án PPP cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP chỉ quyết định có tiếp tục tham gia hay không sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chốt các chi phí đã bỏ ra.
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dự kiến được thí điểm thực hiện theo hình thức PPP (ảnh mô hình).

Chưa chắc chắn

Đây là tinh thần xuyên suốt tại Văn bản số 92/18/CV-IDD liên quan đến công tác triển khai Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam vừa được Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Cụ thể, ông Vũ Quang Bảo, Tổng giám đốc Bitexco khẳng định, “từng được chỉ định là nhà đầu tư thứ nhất tại Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP” sẽ chỉ chốt phương án tham gia, hoặc rút khỏi dự án này sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về giá trị, tiến độ và cách thức hoàn trả cho các chi phí (bao gồm cả chi phí cơ hội) mà Bitexco đã bỏ ra trong 11 năm đeo đuổi công trình này. 

Trước đó, vào giữa tháng 4/2018, Bộ GTVT đã có Văn bản số 4082 đề nghị Bitexco nghiên cứu, đề xuất cụ thể một trong hai phương án triển khai Dự án tiếp theo để trình Bộ GTVT.

Theo đó, đối với phương án 1 (Tập đoàn Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư Dự án), Nhà nước sẽ sử dụng vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho Dự án để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và khoản chi phí cơ hội cho Bitexco ngay sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

Đối với phương án 2 (Bitexco tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư), Bitexco sẽ được hưởng ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ - CP của Chính phủ; kinh phí chuẩn bị dự án nằm trong chi phí đầu tư của Dự án và được thanh toán bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho Dự án ngay sau khi có kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

“Để có cơ sở phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh, xác định tổng mức đầu tư Dự án, đề nghị Tập đoàn Bitexco nghiên cứu, có ý kiến trước 31/5/2018 (cần xác định chi phí cơ hội nếu triển khai theo phương án 1)”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu.

Cần phải nói thêm rằng, theo Quyết định số 1597/QĐ-TTg ngày 26/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ, Bitexco được chỉ định là nhà đầu tư thứ nhất (chiếm 60% vốn điều lệ trong doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư thứ hai chiếm 40% vốn còn lại) được lựa chọn thông qua đấu thầu quốc tế.

Mặc dù, công tác chuẩn bị đã được Bộ GTVT, Bitexco và các bên liên quan phối hợp thực hiện, nhưng đến nay, Dự án vẫn chưa triển khai được do những vướng mắc nhất định.

Trên cơ sở Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Nghị quyết số 52/2017/QH14), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ - CP về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, trong đó xác định lại việc triển khai dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo đó, Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức PPP với sự hỗ trợ vốn góp của nhà nước để đảm bảo tính khả thi về tài chính(ngoài phần hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng) thay sử dụng vốn hỗ trợ của WB để có thể kịp hoàn thành đồng bộ toàn tuyến vào năm 2021.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quyết định dừng triển khai Quyết định số 1597/QĐ-TTg ngày 26/10/2012 về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP và chấm dứt việc chỉ định Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất thực hiện dự án và giao nhà đầu tư này tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh, cập nhật Báo cáo nghiên cứu khả thi theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trước đây.

Chưa có tiền lệ

Được biết, vào cuối tháng 4/2018, Bitexco đã trình Ban Quản lý dự án Thăng Long hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 20. Đây là cơ sở để Bitexco chốt các chi phí đã bỏ ra bắt đầu từ khi nhà đầu tư này được Chính phủ giao lập đề xuất Dự án vào tháng 9/2007 (Văn bản số 5476/TTg - TKN).

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết bao gồm việc xây dựng và vận hành 98 km đường cao tốc, điểm đầu tại lý trình km 43 thuộc Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại lý trình km 1717 trên quốc lộ 1A thuộc tỉnh Bình Thuận.

Đây là Dự án đường cao tốc đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân thành lập doanh nghiệp dự án để xây dựng đường cao tốc. Tổng chi phí xây dựng dự kiến là 757 triệu USD.
Cụ thể, tại Văn bản số 92/18/CV - IDD, Bitexco cho biết, chi phí cho giai đoạn chuẩn bị Dự án là 90,221 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: quản lý dự án; dịch vụ tư vấn, thuế GTGT (10%).

Số tiền này được Bitexco chi cho các công việc thuộc 5 giai đoạn là lập đề xuất dự án (2007 - 2009); lập dự án đầu tư (2009 - 2011); cập nhật lập dự án đầu tư, tham gia dự thảo hồ sơ pháp lý dự án (2011 - 2013); điều chỉnh thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư và phối hợp với WB, Bộ GTVT trong việc thay đổi cấu trúc dự án, nghiên cứu hình thức đầu tư phù hợp (2013 - 2017);

Cập nhật theo Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Các chi phí trên được Bitexco xác định dựa trên kết quả kiểm toán của Deloitte năm 2013 và kết quả thẩm tra Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) năm 2015.

Ngoài khoản chi phí chuẩn bị trị giá 90,221 tỷ đồng, Bitexco cũng “báo giá” luôn với Bộ GTVT khoản chi phí cơ hội trị giá 93,893 tỷ đồng mà nhà đầu tư này bị mất do theo đuổi Dự án.

Theo Bitexco, chi phí cơ hội tại Dự án được tổng hợp từ 2 khoản mục: chi phí cơ hội đối với phần vốn đã chi chuẩn bị dự án và chi phí cơ hội đối với phần vốn dự kiến chuẩn bị cho dự án.

Cũng tại Văn bản số 92/18/CV-IDD, Bitexco “nhắc” Bộ GTVT 2 nội dung liên quan đến việc triển khai theo Quyết định số 1597/QĐ-TTg ngày 26/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP.

Theo đó, Bitexco khẳng định, chiểu theo quyết định trên, Bitexco còn là nhà đầu tư của giai đoạn thực hiện dự án cũng như giai đoạn khai thác, vận hành công trình.

Như vậy, với nhiệm vụ, vai trò là nhà đầu tư xuyên suốt các giai đoạn đầu tư xây dựng Dự án, ngoài việc thực hiện các công việc thông thường theo quy định của giai đoạn chuẩn bị đầu tư theo đúng trình tự thủ tục được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Bitexco còn phải triển khai các công việc khác theo quy định nội bộ (công việc thông thường của các doanh nghiệp), cũng như chuẩn bị các bước tiếp theo như: chuẩn bị, đào tạo nâng cao chất lượng bộ máy; thuê tư vấn pháp lý, giao dịch, kiểm toán, quảng bá cho công tác đàm phán, lựa chọn đối tác tham gia; chuẩn bị vốn chủ sở hữu và làm việc với các tổ chức tín dụng để chuẩn bị nguồn vốn vay.

“Ngoài ra, quy định của Nghị định số 30/2015/NĐ-CP mới chỉ xét ưu đãi cho nhà đầu tư có báo cáo nghiên cứu khả thi (dự án đầu tư) được phê duyệt là 5%, mà chưa xét đến ưu đãi cho trường hợp nhà đầu tư đã được chỉ định làm nhà đầu tư thực hiện dự án như trường hợp của Bitexco”, ông Bảo cho biết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục