Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành lùi tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
Những lý do bất khả kháng đã khiến chủ đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trị giá 1,6 tỷ USD phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó có việc lùi mốc hoàn thành đến cuối quý III/2025.
Một đoạn tuyến đang chờ hoàn thiện tại cao tốc Bến Lức - Long Thành Một đoạn tuyến đang chờ hoàn thiện tại cao tốc Bến Lức - Long Thành

Lý do bất khả kháng

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 11121/BGTVT-KHĐT gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư. Bộ đề nghị Ủy ban, trong vai trò là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại VEC có ý kiến về nội dung đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này.

Có 3 nội dung mà Bộ GTVT muốn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho ý kiến là việc cho phép VEC chủ động cân đối vốn từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ các khoản vay, vốn vay thương mại để hoàn thành đầu tư các gói thầu đoạn phía Tây (trước đây sử dụng vốn từ Hiệp định vay Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB lần 1 nhưng đã đóng); sử dụng để xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ thu phí hoàn vốn Dự án (trước đây dự kiến sử dụng vốn từ Hiệp định vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA nhưng đã hủy tài trợ); đầu tư bổ sung nút giao Quốc lộ 51 vào Dự án theo quy mô hoàn chỉnh.

“Do thời hạn gấp, đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ý kiến gửi Bộ GTVT trước ngày 1/11/2022 để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Công văn số 11121 do ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.

Các nội dung trên nằm trong kiến nghị điều chỉnh chủ trương Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được VEC trình Bộ GTVT giữa tháng 10/2022. Theo đó, ngoài những nội dung mà Bộ GTVT xin ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC còn xin điều chỉnh 4 nội dung quan trọng khác so với phê duyệt trước đó của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, VEC xin điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến ngày 30/9/2025, tức là chậm gần 2 năm so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh vào năm 2020; điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án xuống còn 30.320 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt, trong đó phần vốn do VEC huy động tăng lên 7.610 tỷ đồng; điều chỉnh cơ chế tài chính trong nước và phương thức cho vay lại đối với nguồn vốn ADB, JICA, vốn đối ứng.

Đặc biệt, VEC xin điều chỉnh giảm 70 triệu USD vốn từ Hiệp định vay ADB lần 2 để giảm phí cam kết, thực hiện phân bổ lại cơ cấu chi phí của Hiệp định. “Những đề xuất này nhằm phù hợp với tình hình thi công thực tế trên công trường và nâng cao hiệu quả đầu tư cho Dự án”, lãnh đạo VEC cho biết.

Theo VEC, đơn vị này đã cập nhật thông số đầu vào, tính toán phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC quản lý tại thời điểm hiện nay. Trên cơ sở đó, VEC đánh giá tổng thể khả năng cân đối, sử dụng nguồn vốn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ của VEC để có thể đầu tư một số hạng mục chưa hoàn thành tại các tuyến cao tốc (đặc biệt là Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành), đồng thời đề xuất thực hiện một số mục tiêu trong Kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt.

Lên lại tiến độ mới

Tính đến đầu tháng 10/2022, tổng khối lượng thi công toàn bộ 11 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đạt khoảng 80%. Đến đầu tháng 10/2022, hơn 2 năm sau khi lần thứ 2 Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, vì nhiều lý do khách quan, các thủ tục bố trí vốn nước ngoài cho các gói thầu đoạn JICA, vốn đối ứng cho công trình vẫn chưa thể kết thúc.

Bên cạnh đó, nguồn vốn để thực hiện các hạng mục còn lại của các gói thầu đoạn phía Tây (sử dụng vốn vay ADB từ Hiệp định vay ADB lần thứ 1) chưa được phê duyệt, vẫn còn vướng mắc để có thể sử dụng vốn từ Hiệp định vay ADB thứ 2. “Do đó, cần thiết phải thực hiện thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án, tương ứng khoảng thời gian thủ tục bố trí vốn cho Dự án không kịp thời được giải quyết”, ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc VEC đánh giá.

Được biết, sau khi cân đối các nguồn lực, tình hình triển khai thực tế, VEC đã rà soát, xây dựng tiến độ triển khai tổng thể đối với từng gói thầu xây lắp nhằm đảm bảo tính khả thi cao nhất. Theo đó, với đoạn phía Tây, Gói thầu A1 sẽ hoàn thành ngày 31/12/2023; Gói thầu A2-1 hoàn thành ngày 30/12/2022; Gói thầu A2-2 sẽ hoàn thành ngày 21/9/2023), Gói thầu A3 sẽ hoàn thành ngày 12/12/2022) và Gói thầu A4 hoàn thành ngày 30/6/2023). Như vậy, đoạn tuyến phía Tây sẽ hoàn thành toàn bộ công việc vào tháng 12/2023.

Đoạn giữa sử dụng vốn JICA, VEC dự kiến hoàn thành các gói thầu J1 và J3 vào quý II/2025, ngoài thời gian hoàn thành Dự án (ngày 31/12/2023) và thời gian có hiệu lực của Hiệp định vay JICA lần 2 (ngày 17/7/2024). Đối với đoạn phía Đông, ngoài Gói thầu A5 đã cơ bản hoàn thành, VEC dự kiến Gói thầu A6 sẽ hoàn thành quý I/2024 và Gói thầu A7 sẽ hoàn thành ngày 30/9/2023, trong thời gian có hiệu lực của Hiệp định vay ADB lần 2.

Ngoài ra, VEC đang nghiên cứu đầu tư bổ sung hoàn chỉnh nút giao Quốc lộ 51 theo quy mô hoàn chỉnh trong giai đoạn I của Dự án để nâng cao khả năng kết nối các tuyến đường bộ, đường bộ cao tốc khi đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào khai thác. Dự kiến, gói thầu này hoàn thành vào quý III/2025.

Tại cuộc họp trực tuyến lần 2 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo đã chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC khẩn trương triển khai thi công lại, đưa Dự án vào khai thác chậm nhất quý III/2025.

“Việc hoàn thành công trình vào quý III/2025 phụ thuộc vào việc sớm khơi thông lại nguồn vốn ODA, vốn đối ứng và việc cho phép VEC sử dụng vốn nhàn rỗi để hoàn thiện các hạng mục dang dở”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.

Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành

Tổng chiều dài là 57,8 km, qua các tỉnh Long An (2,7 km), TP.HCM (26,4 km) và Đồng Nai (28,7 km).

Tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn: vốn vay ADB (13.654,6 tỷ đồng), vốn vay JICA (11.975,7 tỷ đồng) và vốn đối ứng (5.689,7 tỷ đồng).

Dự án gồm 11 gói thầu xây lắp, trong đó đoạn 1 phía Tây (Gói thầu A1 - A4) sử dụng vốn vay ADB hiệp định số 1; đoạn 2 (Gói thầu J1-J3) sử dụng vốn vay JICA; đoạn 3 phía Đông (Gói thầu A5 - A7) sử dụng vốn vay ADB hiệp định số 2.

Dự án khởi công tháng 10/2014, kế hoạch hoàn thành ban đầu theo quyết định đầu tư là tháng 12/2017, gia hạn lần 1 đến ngày 30/6/2019, gia hạn lần 2 đến ngày 31/12/2023.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục