Trong tuần này, các công ty nghiên cứu như CBRE, Savills sẽ chính thức đưa ra báo cáo cập nhật tình hình thị trường quý II/2017. Tuy nhiên, theo nhiều dự báo trước đó, tâm điểm của thị trường vẫn sẽ là phân khúc trung cấp, bình dân, trong khi phân khúc cao cấp tiếp tục có sự thụt lùi đáng kể về sức cầu.
Đây cũng là điều dễ hiểu khi phân khúc trung cấp, bình dân chiếm tới 70 - 80% nhu cầu thực hiện nay. Sau giai đoạn 2015 - 2016 sôi động, nhiều nhà đầu tư thứ cấp cũng đã "liệu cơm, gắp mắm" hơn bằng việc xác định chuyển hướng sang phân khúc trung cấp, bình dân để dễ dàng lướt sóng hơn, do mức đầu tư thấp, cộng với sức cầu cao.
Ghi nhận từ quý I/2017 của Savills và CBRE cho thấy, nguồn cung và lượng giao dịch của phân khúc cao cấp giảm khá mạnh do các chủ đầu tư cũng dè dặt hơn trong việc mở bán. Hơn 9.220 căn hộ được bở bán tại Hà Nội trong quý I/2017, thì 90% thuộc về hai phân khúc trung cấp và bình dân. Kể từ đầu quý II, các chủ đầu tư liên tục cung hàng ra thị trường, với đa dạng sản phẩm từ cao cấp, trung cấp, bình dân. Trong đó, phân khúc trung cấp vẫn chiếm chủ đạo trên thị trường tiếp, theo đến phân khúc cao cấp và bình dân.
Nguồn cung căn hộ cao cấp hiện đang được cho là vượt sức cầu
Trong đó, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội chủ yếu đến từ 4 khu vực chính là quận Hà Đông, Hoàng Mai, Từ Liêm và Thanh Xuân. Tuy nhiên, theo đánh giá bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc - Trưởng Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, các sản phẩm chưa có nhiều điểm gì đặc biệt nổi bật và thu hút thực sự.
Về lượng giao dịch, dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng nhìn chung lượng cầu có xu hướng giảm nhẹ so với xu hướng các quý trước đó. Điều này có thể sẽ gây áp lực lên việc mở bán của các dự án từ giờ đến cuối năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Hằng, đây không phải một áp lực quá lớn, bởi hầu hết các dự án cao cấp đều có vị trí tương đối cách xa và nằm ở các quận khác nhau. Thêm vào đó, mỗi sản phẩm trên thị trường đều có những ưu điểm riêng và còn phụ thuộc vào yêu cầu của từng nhóm khách hàng với từng khu vực. Vì thế, sắp tới, nếu muốn cạnh tranh tốt, các chủ đầu tư bất động sản cao cấp sẽ cần phải có sự thay đổi về cách làm.
"Xu hướng hiện nay của khách hàng trong thị trường nhà ở là lựa chọn một chỗ ở tốt, thuận tiện cho việc đi lại và việc học hành của con cái. Tình trạng nguồn cung nhà ở dồi dào chắc chắn ảnh hưởng tới các quyết định đưa ra khi mua nhà của khách hàng, nhưng chưa phải là ảnh hưởng mang tính cấp thiết tới các dự án hiện nay", bà Hằng cho biết thêm.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiêp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, dù là nhà ở xã hội hay thương mại giá rẻ hoặc cao cấp… đều rất minh bạch thông tin để khách hàng “liệu cơm gắp mắm”, thu xếp nguồn tài chính phù hợp. Trong số đó, phân khúc cao cấp sẽ đòi hỏi cụ thể hơn về các tiêu chuẩn để đạt mức giá tương xứng với chất lượng sản phẩm.
Thị trường cũng sẽ tự nhận diện những sản phẩm bất động sản cao cấp với các dịch vụ, tiện ích cao cấp, đồng bộ và trách nhiệm cao của chủ đầu tư. Các dự án này được nhìn nhận sẽ phát triển tốt, vẫn hấp dẫn khách hàng có thu nhập cao với mong muốn sở hữu nơi ở tiện nghi, đẳng cấp. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những sản phẩm đang được gọi là cao cấp, nhưng chưa đạt đến trình độ thuộc nhóm này.
Theo ông Nam, chủ đầu tư chưa xác định đầy đủ trách nhiệm và nguồn lực hay bản thân sản phẩm chưa hội tụ đủ điều kiện cao cấp để được xếp trong nhóm này như thiếu dịch vụ, tiện ích tương xứng... Do đó, các dự án này sẽ phải thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp mới mong có khách.
Ông Hồ Hồng Hà, Tổng giám đốc Long Giang Land, chủ đầu tư dự án Rivera Park cho rằng, xu thế hiện nay đối với các khách hàng thuộc phân khúc cao cấp không chỉ ở thiết kế, dịch vụ cao cấp, mà còn cần thêm cả các sản phẩm thông minh (Smart), xanh (Green), tiết kiệm năng lượng nhằm tối ưu hóa hiệu quả của người sử dụng, đồng thời tiết kiệm và bền vũng trong dài hạn. Nếu đạt được những tiêu chí này, chắc chắn sản phẩm rất cạnh tranh và được khách hàng tin tưởng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com